Nguyễn Quang Bích đã tập hợp được các tướng lĩnh giỏi, lập căn cứ chống Pháp từ Tiên Động (Phú Thọ) đến Mường Lò (Nghĩa Lộ). Với chủ trương "quyết tử với quân Lang sa”, dựng cờ "Phục Quốc tụ nghĩa”, Nguyễn Quang Bích đã thu hút các tướng lĩnh, nghĩa quân người các dân tộc cùng đoàn kết chống giặc, đã gây cho quân viễn chinh Pháp nhiều tổn thất.
Dựa vào thế của rừng núi hiểm trở, các tướng lĩnh của Nguyễn Quang Bích đã tổ chức bố phòng và mai phục mật phục làm cho quân địch phải đối phó và bị tiêu hao lớn. Quân Pháp muốn đè bẹp quân khởi nghĩa nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt, chủ động của nghĩa quân. Rất nhiều trận phục kích đánh địch được các tướng lĩnh tính toán chi li, phán đoán chính xác, khiến cho địch phải tháo chạy.
Rất nhiều các tướng lĩnh danh tiếng như: Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều, Vương Văn Doãn, Nguyễn Quang Hoan, Trịnh Bá Đanh… và các lãnh binh địa phương đã là những thủ túc tin cậy của Nguyễn Quang Bích. Họ đã lập nhiều chiến công trong từng trận đánh. Một bài học lớn là thủ lĩnh và nghĩa quân đã dựa vào dân, được dân che chở, chỉ đường. Về tương quan lực lượng, một bên là bọn tướng lĩnh và lính nhà nghề, với trang bị vũ khí mạnh, một bên là nghĩa binh, dân binh, trang bị vũ khí thô sơ.
Đó là sự đối chọi quá chênh lệch. Nếu nghĩa binh không dũng cảm mưu trí thì làm sao có thể chống chọi với quân giặc đông hơn nhiều lần? Các trận đánh ở Tiên Động, Tuần Quán, Đại Lịch, Ba Khe, Pú Trạng… đã ghi dấu ấn trong cuộc kháng chiến lâu dài của nghĩa quân. Những tên tướng thực dân cáo già, hung hăng, tìm mọi cách tấn công lực lượng Cần Vương. Nhưng sự liên kết của phong trào Cần Vương với các nghĩa sĩ và dân binh các địa phương Tây Bắc đã bền bỉ, khiến kẻ địch không thể dễ dàng thực hiện mưu đồ của chúng.
Nhà văn Hà Lâm Kỳ. (Ảnh: K.T)
Hà Lâm Kỳ đã dành nhiều công phu xây dựng tiểu thuyết "Thủ lĩnh rừng già”, dựng lại tâm thế quật khởi của các nghĩa sĩ, dưới ngọn cờ dựng nghĩa của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích. Xung quanh Thủ lĩnh là những nhân vật đồng tâm chống giặc, với nhiều tên tuổi, ở nhiều địa bàn và dân tộc khác nhau cùng mục tiêu "bình Tây phục Quốc”.
Tác giả đã phục dựng nhiều tình huống, nhiều tình tiết, nhiều giả định, bằng tưởng tượng phong phú, bằng ngôn ngữ trần thuật dễ nhận biết. Sự kiện lịch sử diễn ra cách đây hơn thế kỷ đã được tác giả gợi lại để người đọc tiếp cận với quá khứ hào hùng bất khuất của người Việt. Thành công của tiểu thuyết "Thủ lĩnh rừng già” là thế!
Bộ tiểu thuyết 2 tập "Thủ lĩnh rừng già”, Hà Lâm Kỳ đã làm nổi bật vai trò của Thủ lĩnh với nghĩa quân trong cuộc kháng chiến không cân sức với quân xâm lược. Cảm hứng lịch sử khách quan, có thành có bại, trong quá trình chiến đấu. Nghĩa quân đã trụ vững một thời gian dài ở vùng chiến địa rừng núi.
Hà Lâm Kỳ đã miêu tả nhiều trận đánh, nhiều chiến binh tham dự. Tác giả đã làm nổi bật vai trò những người nghĩa binh, dân binh trong nhiều tình huống. Có những trang viết sống động mô tả không khí chiến trận.
Đó là việc bài binh bố trận của chỉ huy: "Nguyễn Văn Giáp nói rắn chắc: - Cửa ngòi Thia, tướng quân Vương Văn Doãn có thêm Lý Hữu Kim, Hà Đình Đặng và Nông Văn Quang; cửa suối Nung là Hoàng Đình Cương có thêm Lá Xanh, Lò Văn Kim, sau lưng Mường Lò là Đào Chinh Lục và Đặng Phúc Thành, Bản Hiệp, đề phòng quân Pháp từ Than Uyên xuống; cửa Trạm Tấu Hạ giao cho Nguyễn Quang Hoan. Bảo vệ bản doanh trông cậy vào Đề Kiều và Đội vệ binh sơn phòng”.
Sự thật lịch sử, như bao cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã không thành. Nghĩa quân tan rã vì lý do khách quan. Thủ lĩnh trọng bệnh, qua đời (1890), không còn người đứng đầu. Đấy là điều thường thấy trong hầu hết các cuộc khởi nghĩa. Hà Lâm Kỳ đã dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng tác phẩm. Lịch sử đã từng diễn ra nhưng không được nhắc tới rất dễ phai nhạt. Hà Lâm Kỳ đã làm cái việc "ôn cố tri tân” để người đọc có dịp thấu hiểu những gì mà lịch sử của dân tộc đã từng để lại.
Khép lại tiểu thuyết "Thủ lĩnh rừng già” vẫn như còn dư vang những âm điệu của núi đèo Tây Bắc. Có lẽ đó cũng là mong muốn gửi gắm của tác giả.
Ngọc Bái
20/10/2021