Ngày xuân háo hức điệu xòe

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/2/2022 | 2:28:01 PM

YênBái - Mường Lò mảnh đất được mệnh danh là vùng đất tổ của người Thái Tây Bắc. Nơi đây nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên, bởi sự hồn hậu của người dân bản địa, đặc biệt là những điệu xòe ngây ngất men nồng, đắm say lòng người, khiến ai đã một lần đặt chân đến Mường Lò hẳn sẽ không thể nào quên.

Vòng xòe đêm hội.
Vòng xòe đêm hội.

Theo hương xuân, đoàn chúng tôi háo hức ngược vào Mường Lò. Như đã hẹn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nghĩa Lợi Điêu Văn Thơ niềm nở: "Tôi mong mãi, chỉ lo mọi người đến muộn không kịp vui xuân cùng đồng bào. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19, xã không tổ chức lễ hội to như mọi năm, nhưng tại các bản, làng đồng bào vừa tuân thủ các biện pháp phòng dịch vừa vui xuân, đón tết với các nghi lễ truyền thống”. 

Dẫn chúng tôi dạo vòng quanh xã, không khí xuân đã trộn rộn khắp các bản làng. Với đặc thù gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái nên không khó để thấy màu trang phục truyền thống duyên dáng, rực rỡ với áo cỏm, khăn piêu, xà tích xúng xính của các bà, các chị, các em gái. Bản làng đã vào xuân và xòe là sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. 

Dừng chân trước nhóm xòe khoảng chục người tại bản Sà Rèn, còn đang ngập ngừng chưa dám ngỏ ý xin được tham gia cùng thì chúng tôi đã được một thành viên vồn vã mời vào vòng xòe. Tay nắm tay, không còn khoảng cách xa lạ, giao cảm tình người, tình đoàn kết, chúng tôi được hướng dẫn nối vòng tay, chân bước nhịp nhàng theo điệu nhạc. Người Thái Mường Lò là vậy! Luôn hiếu khách, nhiệt tình và cuộc sống của họ cũng luôn giữ được nét đẹp truyền thống ấy - xòe không thể thiếu trong mỗi cuộc vui. 

Kết thúc vòng xòe, bà Hoàng Thị Loan - người lớn tuổi trong nhóm xòe phấn khởi chuyện: "Nghe được tin nghệ thuật xòe Thái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khắp bản làng ai cũng vui mừng. Đi tới đâu cũng nghe mọi người râm ran chuyện về văn hóa của dân tộc mình, tự hào lắm! Từ đời cha, đời ông, chưa bao giờ chúng tôi dám nghĩ tới một ngày điệu xòe của dân tộc mình được cả thế giới biết đến, được công nhận và vinh danh. Năm nay, nếu không có dịch Covid-19, nhất định chúng tôi sẽ ăn mừng thật to, xòe thật lớn”. 

Chung sự phấn khởi, chị Lường Thị Hải bộc bạch: "Không chỉ riêng tôi mà thế hệ người Thái trẻ chúng tôi đều thấy vui mừng khi nghệ thuật xòe của dân tộc mình được tôn vinh. Chúng tôi tự cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy điệu xòe nói riêng và văn hóa dân tộc Thái nói chung”. Niềm vui của người Thái Mường Lò hôm nay như chiếc khăn piêu rực rỡ sắc màu bay lên trong điệu xòe cổ Nhôm khăn - Tung khăn. 

Những điệu xòe không tuổi trường tồn cùng thời gian, không gian, hàm chứa triết lý cuộc sống từ trái tim thiết tha yêu cuộc sống của người Thái qua bao đời nay. Đó là vũ điệu tâm hồn đằm thắm mà khoáng đạt của người Thái vùng Mường Lò - Yên Bái. Tinh hoa văn hóa ấy của người Thái được nâng tầm thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, tô thắm thêm bản sắc văn hóa truyền thống của một vùng đất đậm chất lễ hội. Tin vui của Mường Lò nức lòng người dân Yên Bái, mang mùa xuân háo hức về!

 Lê Thương

Tags điệu xòe Mường Lò người Thái Covid-19 áo cỏm khăn piêu xà tích

Các tin khác

Huyện Mỹ Đức vừa chủ động mời các sở, ngành liên quan của TP Hà Nội về làm việc và thống nhất dự kiến 16/2 sẽ mở cửa đón khách đến chùa Hương.

Khách hành hương đến chiêm bái tại Chùa Tùng Lâm Ngọc Am, thành phố Yên Bái thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đi lễ đầu năm là nét văn hóa của người Việt từ bao đời nay. Đi lễ cầu bình an, sức khỏe, một năm may mắn cho gia đình cũng là hoạt động được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái quan tâm.

Trang phục của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc.

Vào dịp Tết hay trong các lễ cưới truyền thống, người Mông Yên Bái thường hát dân ca và múa khèn, những làn điệu hát ru, hát đối, hát đố, hát giải, dân vũ... phản ánh khát vọng chinh phục tự nhiên.

Điệu múa Xòe quạt kết hợp với nhảy sạp, do cộng đồng dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La thể hiện.

UNESCO đến nay đã ghi danh 14 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục