Hoa trong thơ

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa xuân là mùa của hoa. Và chính hoa đã làm nên mùa xuân. Mỗi sắc hoa có nét đẹp riêng. Chẳng ai có thể nói được hoa nào đẹp hơn hoa nào bởi mỗi hoa có một màu riêng, có hương sắc riêng, chẳng hoa nào giống hoa nào. Nhưng có một điều chắc chắn là một vài cánh hoa không thể làm nên vườn hoa hoặc một vài bông hoa không thể làm nên mùa xuân của đất nước.

Hoa đẹp vì người nhìn thấy cái đẹp của hoa. Cái định lượng đẹp nhiều hay ít tùy thuộc vào thẩm mỹ, vào thế giới quan tình cảm của con người. Vậy nên, hoa là tình yêu, là nỗi nhớ của người, là nơi để con người ký gửi tình cảm suy tư của mình. Hoa, từ xa xưa đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca.
 

 

Câu thơ: "Buồn trông ngọn nước mới sa

               Hoa trôi man mác biết là về đâu"

 

của đại thi hào Nguyễn Du khiến người ta hiểu thêm số phận của hoa. Hoa cũng như người có số phận riêng với cái hữu hạn trong vô hạn. Hoa đào, hoa mai từ xưa vẫn được coi là biểu tượng của Tết Việt Nam. Nhiều người thích hoa mai bởi mai tượng trưng cho khí phách xung hàn chịu đựng được giá rét, lạnh buốt qua mùa đông khắt nghiệt. Người xưa liệt mai vào hàng tứ quân tử "tùng - cúc - trúc - mai". Vua Lê Thánh Tông có bài Mai thụ đã ví mai là đấng trượng phu quân tử.

 

Tiết cứng trượng phu từng ấy bạn

Kết trong quân tử trúc là đôi...

 

Vua Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi vẻ vang, có lúc quay về làm nhà tu hành, sống với cỏ cây, trăng sao trên núi Yên Tử lại lấy hoa mai để gửi gắm vào đây bóng hình, tâm hồn người đẹp. Trong bài thơ Tảo mai (Hoa mai sớm) viết theo thể thơ Đường khuôn khổ niêm luật chật hẹp nhưng thơ thì bay bổng vút lên:

 

Năm cánh hoa tròn, vàng nhị phô

Nổi nênh vẩy cá, chìm san hô

Đông ba tháng trải, cành khoe trắng

Xuân một làn thơm, nhánh nhẹ đưa

Đêm ngỡ nước trong, chim cháy cổ

Sương lừng hương ngát, bướm tan mơ

Hằng Nga nếu biết đây hoa đẹp

Quế lạnh cung Thiềm, há mến ưa.

 

Hoa đào từ lâu đã có mặt bên bàn thờ tổ tiên ngày Tết và đi vào thi ca. Khi đào nở phô hết vẻ kiều diễm của mình làm xao xuyến lòng người. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có câu "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" là nhắc đến điển tích một mối tương tư của Thôi Hộ với một người con gái ở vườn đào:

 

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này

Má phấn hoa đào ửng đỏ hây

Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá

Hoa đào còn bỡn gió xuân này.

 (Tương Như)

 

Mỗi hoa mỗi vẻ, mỗi hoa mỗi hương có khi làm cho người ta ngỡ ngàng, bối rối. Nhà thơ Vương Trọng lại bàng hoàng trước nụ tầm xuân.

 

Ơ này rít rít tầm xuân

Ai xui kéo đến quây quần vườn ta

Sao không mọc cạnh vườn cà

Nở bông xanh biếc như là ngày xưa

Chàng trai lên ngẩn, xuống ngơ

Thất tình thiếu bạn phải nhờ cây hoa

                             (Ơ này, tầm xuân)

 

Và cả những cây hoa dại bên đường cũng làm nhà thơ cảm xúc, cũng liên tưởng đến số phận của hoa, của người. Vũ Duy Thông thật tinh tế, thật rung động khi gặp hoa dã quỳ:

Giữa ngàn hoa anh tìm đến dã quỳ

 

Hoa đắng đót mọc hoang trong cỏ

Hoa khô khát triền đồi nắng nỏ

Hoa lạc loài nở dọc đời ta

Hoa dã quỳ vàng rượi lối xưa

Lấm láp bụi đường nắng gió

Hoa kiêu hãnh một thời đau khổ

Hoa dại khờ ngơ ngác sương sa

                                     (Hoa dã quỳ)

 

Nhà thơ Xuân Quỳnh ta ít thấy nói đến mùa xuân nhưng hoa lại là đề tài quen thuộc xuất hiện thường xuyên trong thơ chị. Bài Hoa cỏ may là một bài thơ tiêu biểu viết về hoa cỏ dại được nhiều người biết đến.

 

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng manh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay...

                                (Hoa cỏ may)

 

Hoa trong thơ Xuân Quỳnh có thể gặp được ở nhiều nơi, nhưng có lẽ để lại cho chị nhiều suy tư sâu lắng, chị vẫn muốn qua hoa để nói về niềm yêu thương, khắc khoải về tình yêu chung thủy và vĩnh cửu. Hoa cúc là một trong những bài thơ như thế:

 

Có thay đổi gì trong cái màu hoa ấy

Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu

Thời gian đi màu hoa cũ về đâu

Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ

Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế

Chỉ có em là đã khác với em xưa

...

Những mùa hoa đâu dễ quên nguôi

Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy

Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy

Màu hoa vàng vẫn cháy ở trong em

 

Rồi cũng lại một loài hoa dại nở trắng bãi bờ trên các triền sông, trong những thung lũng bạt ngàn của vùng Tây Bắc, Việt Bắc, hoa lau cũng có số phận, cũng rung cảm với tình yêu.

 

Dòng sông này, bãi cát, cánh buồm quen

Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ

Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở

Đến tận cùng đau đớn của tình yêu...

                        (Thơ tình cho bạn trẻ)

 

Hoa tết, hoa xuân tô điểm cho đất trời non nước, gắn bó với từng người, từng nhà. Hoa là tình yêu, là nỗi nhớ, là nơi để con người gửi gắm lòng mình vào đó. Chẳng còn hoài nghi gì nữa, đất nước tươi đẹp nhờ hoa. Hoa đẹp vì người nhìn thấy cái đẹp của hoa.

 

Hải Đường

Các tin khác
Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Đền thờ Vua Hùng ở TP Cần Thơ

UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đề xuất xây dựng đền thờ Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với đất nước tại địa phương này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục