Phát hành bộ tem ''Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt'' nhân ngày 1/6

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/6/2024 | 9:45:03 AM

Bộ tem 'Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt' gồm 4 mẫu khuôn khổ tem 32 x 43 (mm) và 1 blốc tem blốc 90 x 70 (mm), góp phần lan tỏa những bài học ý nghĩa.

Hai mẫu trong bộ tem 'Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt.'
Hai mẫu trong bộ tem 'Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt.'

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Truyện cổ tích Việt Nam: Cây tre trăm đốt."

Bộ tem nhằm góp phần lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, những bài học ý nghĩa của truyện cổ tích nổi tiếng Việt Nam.

Bộ tem gồm 4 mẫu khuôn khổ tem 32 x 43 (mm) và 1 blốc tem blốc 90 x 70 (mm) do họa sỹ Lê Khánh Vương thiết kế.

Nội dung chính trên mặt tem là những bức tranh minh họa truyện cổ tích "Cây tre trăm đốt," được thiết kế theo bố cục dân gian.

Khung cảnh trên các mẫu tem thể hiện những yếu tố mang tính đại diện của văn hóa thuần Việt với nhà cổ, cây rơm, rừng tre… Hình tượng các nhân vật trong bộ tem được thể hiện khái quát ước lệ, trong trang phục quần áo thường ngày và quần áo tứ thân, chít khăn…

Các chi tiết được họa sỹ thiết kế chắt lọc, cô đọng, có tính biểu đạt cao, giúp người xem nắm được những chi tiết chính trong truyện.

"Cây tre trăm đốt" là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng, phổ biến nhất của Việt Nam với nội dung chính đề cao sự chăm chỉ, lương thiện, đấu tranh vì sự công bằng.

Toàn bộ nội dung truyện được tóm tắt trong 4 bức tranh - 4 tình tiết chính của truyện.

Ngày xưa, có một chàng trai nghèo hiền lành, chăm chỉ đi làm thuê cho phú ông với lời hứa 3 năm sau sẽ được gả con gái cho.

Đến hẹn, phú ông không giữ lời hứa và yêu cầu anh phải tìm được một cây tre trăm đốt mới cho tổ chức lễ cưới. Chàng trai vào rừng tìm cây tre trăm đốt nhưng tìm mãi không thấy nên ngồi khóc.

Bụt hiện lên, bảo anh tìm chặt đủ một trăm đốt tre và ban cho anh câu thần chú "khắc nhập, khắc nhập” để gắn kết 100 đốt tre; "khắc xuất, khắc xuất" để tách các đốt tre ra.

Trở về làng, thấy phú ông đang tổ chức đám cưới cho con gái với người khác, chàng trai cho phú ông xem cây tre trăm đốt. Đồng thời, anh đã đọc câu thần chú khiến phú ông bị hút dính luôn vào cây tre.

Chỉ đến khi phú ông đồng ý giữ lời hứa, anh mới đọc thần chú thả phú ông ra. Cuối cùng, chàng trai nghèo và con gái phú ông sống với nhau mãi mãi hạnh phúc.

Theo nội dung này, tem gồm các hình ảnh: người nông dân gặp ông Bụt và được truyền dạy về cây tre, khẩu quyết; người nông dân gánh các đốt tre về làng; phú ông bị dính vào cây tre; đám cưới của người nông dân và con gái phú ông.

Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 1/6/2024 đến 31/12/2025.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành nhiều bộ tem về chủ đề truyện dân gian, cổ tích, truyền thuyết Việt Nam, trong đó có một số bộ tem tiêu biểu như: bộ tem "Truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ” phát hành năm 2000; bộ tem "Truyền thuyết Mai An Tiêm (Sự tích Quả dưa hấu)" phát hành năm 2021; bộ tem "Truyện cổ tích Việt Nam: Cây khế” phát hành năm 2022.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Hình tượng siêu nhân điện quang đã quen thuộc với khán giả Việt từ nhiều năm qua

Ultraman – tên gọi quen thuộc Siêu nhân điện quang, series siêu anh hùng xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản từ năm 1966 được phát sóng độc quyền tại Việt Nam trên ứng dụng FPT Play.

Thành viên Hội chung khảo bỏ phiếu chấm các tác phẩm tại vòng chung khảo.

Sáng 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng chung khảo Giải báo chí Quốc gia tổ chức chấm chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII năm 2023. Hội đồng Sơ khảo đã tiến hành thẩm định, chấm và trình lên Hội đồng chung khảo danh sách 165 tác phẩm thuộc 11 loại giải, được lựa chọn từ 1.905 tác phẩm gửi về tham dự.

Ảnh minh họa.

Cuộc thi và Triển lãm Tranh Đồ họa Các nước ASEAN là dịp để họa sỹ Việt Nam và khu vực giao lưu, giới thiệu văn hóa, đất nước, con người mỗi nước trong cộng đồng chung đoàn kết và năng động.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Lễ hội sẽ được khai mạc vào tối 6/7/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cùng chuỗi các hoạt động ý nghĩa, với mong muốn tạo ra các điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị”- mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục