Tục thờ cúng ngày xuân của người Thái Mường Lò

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/1/2025 | 9:09:50 AM

YênBái - Ở Nghĩa Lộ - Mường Lò, dân tộc Thái chiếm 48% dân số. Đồng bào Thái nơi đây đã gìn giữ bền vững những nét đẹp văn hóa trong phong tục, tập quán, đặc biệt là nghi lễ thờ cúng ngày tết, ngày xuân và đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của họ.

Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (bên phải) đang thực hiện một nghi lễ cúng tế tổ tiên trong ngày tết.
Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (bên phải) đang thực hiện một nghi lễ cúng tế tổ tiên trong ngày tết.


Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An chia sẻ: "Trong các nghi lễ, phần tâm linh, tín ngưỡng được thể hiện qua những bài khấn. Những bài khấn mang nội dung tôn kính tổ tiên, thần linh và chúc tụng, cầu phúc, biểu dương sức lao động, răn dạy luân lý”. Một số bài văn khấn tiêu biểu thường được tế lễ trong dịp tết có thể kể đến bài "Xổng xên” - bài khấn chúc tụng trong lễ cúng. 

Nội dung bài khấn này nhấn mạnh sự biết ơn và cầu mong sự bảo trợ từ các thần linh, tổ tiên để gia đình bình an, hạnh phúc. Lời bản khấn có câu: "Khi chưa cúng còn hay ốm đau. Đã cúng rồi sẽ ngủ ngon, ở lành…”. Hay bài khấn cầu mong chủ nhà có cuộc sống tốt đẹp, yên lành có câu: "Từ nay sống hãy như rồng lớn/ Sống đẹp như rồng thiêng/ Nắng trên không chớ cháy/ Đau ốm dưới trần gian chớ mắc phải”. 

Tiếp đến là bài khấn "Xin giàu sang, phú quý” (xo hăng xo mi). Nội dung của bài khấn là cầu lộc cho chủ nhà có được mọi thứ: vàng bạc, công cụ lao động sản xuất loại tốt, xin các loại giống tốt để trồng trọt, chăn nuôi, xin các đồ dùng như: "Xin hay xin cả bạc/ Bạc tốt, bạc mỏ tậu/ Bạc nhiều lượt đúc sáng choang”… Những bản khấn này không chỉ mang lại không khí vui tươi cho ngày tết, mà còn góp phần nâng cao giá trị tinh thần trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái. 

Bên cạnh nghi lễ thờ cúng tổ tiên (phi hươn - ma nhà), lễ cúng tế mùa xuân của người Thái cũng là điểm nhấn văn hóa đặc sắc; trong đó, phải kể đến nghi lễ "Xên bản”, "Xên mường”, "Xên đông”, đó là nghi lễ cúng ma bản, ma mường, ma rừng được tổ chức để tạ ơn các thần linh đã bảo vệ mùa màng và cầu cho năm mới bội thu, cuộc sống người dân được yên lành. Trong nghi lễ, các thầy mo thường thực hiện nghi lễ tại một khu vực linh thiêng của bản, của mường và nơi được gọi là "Đông cắm - rừng cấm”. 

Những mâm lễ gồm thịt gà, xôi, rượu và hoa quả, vải cúng, giấy màu được đặt trang trọng trên giá tre dưới chân cây nêu, tạo nên không khí thật linh thiêng. Trong những ngày tết, vai trò của từng thành viên trong gia đình người Thái được phân công rõ ràng. Người già thường đảm nhận việc hướng dẫn, phổ biến ý nghĩa các bài khấn, ý nghĩa của từng nghi lễ, kể về các vị thần linh; thực hiện các nghi lễ thờ cúng bảo đảm sự trang nghiêm, đúng truyền thống. 

Người cao tuổi cũng kể chuyện cho con cháu nghe về lịch sử gia đình, dòng họ, những nhân vật lịch sử của tộc người Thái, sự hình thành cộng đồng người Thái ở Mường Lò, những bài học trong cuộc sống… nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc. Người trung niên, đặc biệt là nam giới, chịu trách nhiệm chuẩn bị thực phẩm, tổ chức lễ cúng và mời khách. Phụ nữ đảm nhận việc bếp núc, trang trí nhà cửa; đồng thời, dạy con cái các bài dân ca và kỹ năng truyền thống như: làm bánh, nấu ăn, gội đầu, tắm nước lá thơm, trang điểm… 

Trẻ em được khuyến khích tham gia các hoạt động văn hóa như: tập múa xòe, tập chơi nhạc cụ, học các bài hát truyền thống… Ẩm thực trong nghi lễ thờ cúng tế tổ tiên ngày tết của mỗi gia đình cũng như các nghi lễ cúng tế của cộng đồng trong dịp đầu xuân cũng được người Thái đặc biệt coi trọng. Ngoài bánh chưng, xôi nếp, cơm lam, cá nướng, thịt nướng… thì trên mâm cúng tổ tiên ngày tết của người Thái nhất thiết phải có một món mang tính trung tâm của mâm lễ, đó là món thịt lợn luộc gồm những tảng thịt mỡ, thịt nạc, thủ lợn, đuôi lợn, chân giò, lòng, sườn, tượng trưng cho một con lợn cúng hoàn chỉnh. 

Nghi lễ Xên mường, Xên đông, ngoài các mâm cỗ do các nhóm gia đình, các bản mang đến tế lễ thì mọi người trong mường còn phải chung mua một con trâu trắng, một trâu đen mổ để nguyên con làm hèm cúng hiến tế ma mường, ma rừng. Lễ cúng thuồng luồng thì ngoài các món ăn nấu chín trong các mâm lễ còn phải có thịt trâu sống và những con gà vịt còn sống để thả xuống suối hiến tế cho thuồng luồng để cầu mong cho mưa thuận gió hòa và thuồng luồng không làm hại người dân khi xuống suối… 

Tết cổ truyền là thời điểm để người Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò cũng như người dân Việt Nam tưởng nhớ tổ tiên, các thần linh bảo trợ và tổng kết những thành quả sau một năm lao động vất vả. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Bởi thế, nét đẹp trong tục thờ cúng ngày tết, ngày xuân của người Thái chính là sự thể hiện những khát khao đó và những giá trị này luôn được lưu giữ, kế thừa, phát huy để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngọc Sơn

Tags Yên BNái Mường Lò Nghĩa lộ thờ cúng

Các tin khác
Lúa nếp gặt về được chế biến ngay trong ngày.

Mỗi sớm mai, khi mặt trời ló dạng sau những dãy núi, vùng đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn bừng lên sức sống. Không chỉ nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang, Tú Lệ còn làm say lòng du khách bởi hương cốm nếp Tan đặc trưng - một sản vật gắn liền với đời sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Người Tày Yên Bái tự hào khi Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Yên Bái - mảnh đất có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống là nơi có bề dày của di sản văn hóa phi vật thể - kết tinh của những lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức dân gian của mỗi dân tộc. Hội tụ đa sắc màu văn hóa các dân tộc, Yên Bái tự hào khi nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch của địa phương.

Nội dung quy hoạch di tích phải nêu rõ định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững - Ảnh: Di tích Hoàng thành Thăng Long

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc

Người xưa dựa trên quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” chọn ra con số 5, tương ứng với chữ “sinh” để bày biện mâm ngũ quả ngày tết Nguyên đán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục