Gìn giữ văn hóa người Dao qua tranh thờ

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/1/2025 | 9:14:04 AM

YênBái - Nghề vẽ tranh thờ là nét văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn tâm linh, truyền tải ước vọng may mắn, bình an của đồng bào dân tộc Dao Yên Bái. Được truyền qua bao thế hệ, nghề vẽ tranh thờ đã trở thành một phần của tín ngưỡng, là biểu tượng của sự kính trọng với tổ tiên, thần linh không thể thiếu. Với niềm say mê, tâm huyết trong việc duy trì, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đã dày công học tập, nghiên cứu, truyền dạy nghề vẽ tranh thờ, góp phần làm nên sức sống văn hóa trong nhịp sống hiện đại.

Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh tỉ mỉ vẽ từng đường nét của tranh thờ.
Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh tỉ mỉ vẽ từng đường nét của tranh thờ.


Khi gió xuân bắt đầu se lạnh, không khí tết tràn ngập khắp các thôn bản vùng cao, chúng tôi có dịp đến thăm ông Đặng Hữu Thanh - người vừa được UBND tỉnh Yên Bái trao tặng danh hiệu Nghệ nhân vào dịp tháng 12 năm 2024. Trong căn nhà nhỏ, những bức tranh tĩnh lặng, linh thiêng cùng với gam màu ấm chiếm trọn sự chú ý của mọi người. 

Nâng niu từng bức tranh, ông Thanh cho biết: "Người Dao quan niệm tết là lễ hội, là dịp để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, các thánh thần, những người đã che chở cho người Dao suốt một năm dài. Tranh thờ chính là cầu nối giữa thế giới vật chất và tâm linh. Mỗi bộ tranh khi hoàn thành đều mang theo những lời cầu nguyện bình an, thịnh vượng, tốt đẹp”. 

Ông Thanh kể, từ nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với những bức tranh thờ trong các gia đình người Dao. Ông thường lân la hỏi những người lớn tuổi về ý nghĩa của từng hình tượng thần linh, cây cối, con vật trong tranh. Càng tìm hiểu, càng thấy cuốn hút, niềm đam mê với vẽ tranh thờ càng lớn dần trong ông, thôi thúc ông quyết tâm học hỏi, nghiên cứu sâu hơn. 

Suốt nhiều năm, dưới sự chỉ dẫn của những bậc cao niên trong cộng đồng người Dao huyện Văn Yên, ông Thanh đã miệt mài tìm hiểu, hoàn thiện kỹ thuật vẽ tranh, đặc biệt là cách chọn màu sắc, hình ảnh, những biểu tượng tâm linh, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc được thể hiện trong tranh thờ. Từ năm 2004, sau một thời gian dài học hỏi nhất là khi được cấp sắc lên 12 đèn, ông Đặng Hữu Thanh chính thức bước vào nghề vẽ tranh thờ truyền thống. 

Ông Thanh chia sẻ: "Mỗi bức tranh vừa phải đẹp về hình thức vừa phải mang giá trị thể hiện sự hòa hợp giữa con người, vũ trụ, thỏa mãn cả nhu cầu thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật và tâm linh, thể hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, thần linh của người Dao. Đó là cái thiêng liêng mà tranh thờ mang lại. Một bộ tranh thờ thường có 19 tờ lớn, 14 tờ nhỏ. Các bức tranh thờ thường mô tả hình ảnh các vị thần linh, tổ tiên, hoặc những cảnh vật mang tính biểu tượng như núi non, cây cối, các loài vật. Các hình ảnh này đều phản ánh khát vọng, ước mơ của người dân trong cuộc sống hàng ngày. Trước khi vẽ tranh phải chọn ngày hoàng đạo để khai bút, sau khi hoàn thành cũng phải chọn ngày đẹp làm lễ khai quang để tranh được linh nghiệm trong các nghi lễ thờ cúng”. 

Nhìn những bức tranh thờ Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh vẽ, chúng tôi không chỉ thấy những hình ảnh thần linh, tổ tiên người Dao mà còn cảm nhận được một thế giới tâm linh sâu sắc qua từng đường nét, mỗi gam màu. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về nghề vẽ tranh thờ, toát lên trong ánh mắt, nụ cười của Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh là niềm tự hào và sự say nghề. Tay nâng niu từng bức tranh, ông Thanh khoe những bộ tranh thờ vừa vẽ phục vụ các gia đình trong vùng và cả những bức theo đặt hàng của đồng bào được chuyển đi nhiều tỉnh thành khác như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang. 

Đặc biệt, Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh còn là người truyền lửa cho thế hệ trẻ người Dao xã Đại Sơn nói riêng, huyện Văn Yên nói chung. 20 năm gắn bó với nghề vẽ tranh thờ ông đã truyền nghề cho nhiều người trẻ trong vùng, giúp họ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tranh thờ trong đời sống tinh thần của người Dao. Nhiều người, sau khi học xong đã nối nghề, tiếp tục mang lại sức sống mới cho tranh thờ. Với Nghệ nhân Đặng Hữu Thanh, việc truyền dạy nghề là một sứ mệnh cao cả, giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. 

Ông chia sẻ: "Tôi mong muốn nghề vẽ tranh thờ sẽ được giữ gìn, phát triển. Việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ là cách tôi tri ân tổ tiên, cách tôi góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình”. 

Nghề vẽ tranh thờ là một phần của tín ngưỡng, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao. Với sự tâm huyết và tấm lòng thành kính, nghệ nhân Đặng Hữu Thanh đã góp phần thắp sáng ngọn lửa truyền thống để nghề vẽ tranh thờ luôn sống mãi trong nhịp sống hiện đại, mang lại bình an cho cộng đồng.

Lê Thương

Tags Yên Bái văn hóa người Dao vẽ tranh thờ

Các tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (bên phải) đang thực hiện một nghi lễ cúng tế tổ tiên trong ngày tết.

Ở Nghĩa Lộ - Mường Lò, dân tộc Thái chiếm 48% dân số. Đồng bào Thái nơi đây đã gìn giữ bền vững những nét đẹp văn hóa trong phong tục, tập quán, đặc biệt là nghi lễ thờ cúng ngày tết, ngày xuân và đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của họ.

Lúa nếp gặt về được chế biến ngay trong ngày.

Mỗi sớm mai, khi mặt trời ló dạng sau những dãy núi, vùng đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn bừng lên sức sống. Không chỉ nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang, Tú Lệ còn làm say lòng du khách bởi hương cốm nếp Tan đặc trưng - một sản vật gắn liền với đời sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Người Tày Yên Bái tự hào khi Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Yên Bái - mảnh đất có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống là nơi có bề dày của di sản văn hóa phi vật thể - kết tinh của những lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức dân gian của mỗi dân tộc. Hội tụ đa sắc màu văn hóa các dân tộc, Yên Bái tự hào khi nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch của địa phương.

Nội dung quy hoạch di tích phải nêu rõ định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững - Ảnh: Di tích Hoàng thành Thăng Long

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục