Hát Lượn phong sư của người Tày xưa và nay
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hồi còn trẻ, sau khi ăn cơm tối xong vào khoảng 20h, thời gian rỗi rãi, ông tôi thường hát lượn phong sư cho mọi người nghe truyện Phạm Tử - Ngọc Hoa. “Lại gạ đoạn Phạm Tử Sơn Tây. Po me thai lẹo pay véng tả. Chắng vừa đảy síp hả pi cần. Khừn vằn pay so kin liệng pái…” nói về chuyện Phạm Tử Sơn Tây, cha mẹ đều chết sớm khi mới vừa được mười lăm tuổi đời, đêm ngày đi xin ăn khỏi đói…
Mời rượu trong lễ cưới của người Tày Yên Bình.
|
Với làn điệu lúc buồn, lúc vui nhộn, đoạn trầm, đoạn bổng, theo cốt truyện, ông tôi đã khéo léo luyến láy giai điệu làm cho người nghe cùng hòa theo cảm xúc lúc buồn rơi nước mắt, lúc vui mặt mày tươi roi rói. Cứ thế hết ngày qua tháng, qua năm, hết truyện Phạm Tử - Ngọc Hoa đến truyện Nàng Hán Xuân và chàng Lưu Đái, rồi đến những bài ca do ông tự sáng tác.
“Ẻn bân” trong đám cưới người Tày
Khi lớn lên, tôi thích thú nhất là được theo các anh trai lớn tuổi đến chơi đám cưới bên nhà gái vào đêm “chầu họ”. Bữa cơm anh em họ hàng tập trung để chuẩn bị cho cô dâu ngày mai xuống bãi đi nhà chồng. Cuộc vui “chủng bạn” dành cho cô dâu với bạn bè thân thích gần xa. Đến nửa đêm là có “ẻn bân” tới tấp vào nhà, các cô gái thi nhau đón lấy.
Đó là những phong bì thư gấp như con chim én có 1 sợi chỉ vàng “khem” buộc cùng một bông hoa đỏ bằng giấy được các chàng trai ở ngoài sân ném qua cửa sổ vào trong nhà. Nội dung trong thư là một bài thơ kể lại những kỷ niệm đã qua, những tình cảm tốt đẹp đã dành cho nhau. Yêu nhau nhưng vì một lý do gì đó không lấy được nhau, rồi đến hứa hẹn: “Thương căn mí au đảy căn là giá. Mì lục còi khai khá hẩư căn”. Nghĩa là: Yêu nhau không lấy được nhau là thôi. Có con rồi cưới gả cho nhau. Một thời tình yêu lãng mạn đi qua, đêm nay đều nhờ vào “Ẻn bân” thông tin đến người yêu cũ hứa hẹn một cuộc sống mới tràn đầy niềm tin và hy vọng. Trân trọng một tình yêu đã qua, chủ nhà têm cơi trầu và chiếc đèn dầu làm chứng để mời mọi người mở gói phong thư (phong sư) cùng nhau hát lượn, cùng nhau chia sẻ tình cảm.
Cần giữ gìn làn điệu hát phong sư của người Tày
Những năm thập kỷ 60 trở về trước, làn điệu dân ca hát lượn phong sư của người Tày được truyền khẩu cho nhau. Trẻ già, trai gái đều biết hát. Các cụ già thì hát lượn kể chuyện cổ tích cho nhau nghe. Trong đám cưới hát lượn phong sư lại càng không thể thiếu được. “ẻn bân” càng nhiều càng vui, đêm hát lượn càng phong phú. Người già coi đó là tiêu chuẩn của một thời xuân sắc đi qua. Bẵng đi một thời gian không còn được nghe hát lượn phong sư, đám cưới không có “ẻn bân”, các cụ già không còn mặn mà với hát lượn phong sư kể chuyện cổ tích, không truyền dạy cho con cháu. Lớp trẻ người Tày bây giờ lại càng không biết hát lượn phong sư. Những năm gần đây, hội diễn văn nghệ quần chúng huyện, tỉnh cũng thấy vắng hẳn làn điệu phong sư. Phải chăng một làn điệu dân ca của ông cha xưa thường hát đến ngày nay không còn?
Để duy trì, giữ gìn và phát huy vốn văn hoá mỗi dân tộc, thiết nghĩ hoạt động của các nhà văn hóa làng, xã, các tụ điểm văn hóa văn nghệ rất cần có sự tham gia góp mặt của các nghệ nhân để truyền dạy làn điệu hát này cho thế hệ trẻ. Việc làm đó là cần thiết khi mà làn điệu hát phong sư vẫn còn phong phú, còn tiềm tàng trong nhân dân.
Hoàng Quang Nhạn
Các tin khác
Ông hoàng nhạc pop đang tiếp tục chiếm vị trí số 1 bảng xếp hạng album tuần thứ ba liên tiếp kể từ khi đột ngột qua đời cuối tháng trước. Lễ tưởng niệm hoành tráng của Michael Jackson cũng góp phần khiến tác phẩm của anh được chú ý hơn.
"Harry Poster và Hoàng tử lai”, phần tiếp theo của loạt phim về Harry Poster do hãng Warner Bros sản xuất, dự kiến phá kỷ lục phòng vé khi bắt đầu công chiếu ngày 15/7 ở khu vực Bắc Mỹ.
Nước chủ nhà Việt Nam cũng đang tiến hành cuộc thi Hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam để tìm ra 2 gương mặt đại diện cho quốc gia dự cuộc thi Mrs World.
YBĐT - Nói đến ông thầy trong vùng đồng bào Dao thì từ xưa đến nay nhiều người chỉ hiểu rằng họ là những người chuyên làm các nghi lễ cúng bái (thầy mo). Thực tế, việc thực hiện các nghi lễ cúng bái chỉ là một phần việc trong vai trò của một ông thầy.