Cá - lễ vật đặc biệt trong đám cưới của người Thái
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Người Thái là tộc người có truyền thống canh tác ruộng nước từ lâu đời. Địa bàn cư trú của họ thường ở các đồng bằng ven chân núi và làng bản quần tụ bên các sông suối. Với những nét đặc thù như vậy, đồng bào Thái đã hình thành nhiều phong tục, tập quán gắn với sông, suối và nền văn minh lúa nước như tục cầu mưa; tục té nước ngày xuân; tục thờ cúng thuồng luồng và những truyền thuyết tình yêu gắn liền với sông, suối...
Đồng thời, xưa kia do thuỷ sản trong các sông, suối rất nhiều, dễ khai thác nên nguồn thức ăn từ thuỷ sinh đã trở thành món ăn thường nhật của người Thái. Nhiều món ăn từ thuỷ sản được bà con chế biến theo cách riêng trở thành đặc sản và có những món đã vượt qua ý nghĩa ẩm thực thông thường để trở thành biểu trưng văn hoá trong lễ, tết, hôn nhân, tang ma...trong đó có món cá muối (pa bẳng) và món cá sấy (pa hắp) để tạo nên món “bẳng-hắp”, là món không thể thiếu trong số các lễ vật đám cưới của nhà trai mang sang nhà gái.
Món pa bẳng được làm từ những loại cá rất ngon như cá xỉnh, cá khuy hoặc cá chép. Cá được làm sạch và ướp với muối, riềng giã nhỏ, thính gạo rồi lèn chặt vào ống nứa to, lấy lá dong nút chặt lại để cá lên men. Khi chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái thì dùng những tấm nan đan mắt cáo bằng lạt mỏng buộc túm đầu miệng ống bằng lạt màu và quai xách cũng làm bằng lạt màu rất đẹp. Món pa hắp cũng được làm từ các loại cá nêu trên. Cá được làm sạch, ướp muối rồi xếp vào những chiếc giỏ nhỏ lót lá dong và làm giàn tre để sấy cá trên gác bếp. Khi chuẩn bị làm lễ vật dẫn cưới, người ta đan những chiếc giỏ nhỏ, có quai xách bằng dây vải thêu màu ngũ sắc rồi xếp cá vào đó. Cả món bẳng và hắp khi ăn đều phải nướng trên than hồng.
Vì sao đám cưới của người Thái không thể thiếu được món bẳng - hắp? Nhiều bà con dân tộc Thái cho rằng, hai món cá này rất ngon, cho nên khi nuôi con gái đến lúc gả chồng thì nhà gái bao giờ cũng muốn có những món “sơn hào hải vị” này để thết đãi bản làng. Những người có vai vế trong dòng họ, bản làng hoặc người ở xa đến dự đám cưới, khi trở về được hỉ chủ biếu cho món này mang về làm quà cho những người thân không đến được thì những người được nhận quà sẽ cảm thấy mình đã được gia chủ rất quý mến và kính trọng.
Bên cạnh ý nghĩa rất thực dụng nêu trên thì cũng có những cách giải thích khác mang nặng ý nghĩ tâm linh đối với món bẳng-hắp trong lễ cưới. Họ cho rằng, món cá ướp trong ống nứa và sấy khô trên gác bếp là lễ vật biểu trưng cho mối quan hệ âm dương, để cho đôi vợ chồng sau khi cưới có được cuộc sống hoà hợp như cá với nước. Cá là con vật sống dưới nước, sinh sôi nảy nở nhiều. Vì vậy, món cá bẳng-hắp bắt buộc phải có trong lễ vật đám cưới để dâng cúng tổ tiên, thần linh và thết đãi dân làng còn chứa đựng cả những ước muốn của con người sau khi kết hôn sẽ sinh con đẻ cái thuận lợi và làm ăn phát triển...
Với những ý nghĩa trên khiến cho món bẳng-hắp luôn được nhà gái “thách cưới” khi hai bên cùng phán cưới chứ không phải nhà trai muốn mang đến nhà gái bao nhiêu cặp bẳng-hắp thì tuỳ tâm. Đồng thời, số lượng bẳng-hắp khi dẫn lễ cưới, bắt buộc phải làm thành từng cặp theo số chẵn. Nếu nhà nào có hoàn cảnh khó khăn mà không chuẩn bị được nhiều bẳng-hắp mang đến nhà gái thì có thể thương thảo xin rút bớt.
Ngày nay, do sự giao lưu văn hoá giữa miền xuôi với miền ngược; do nguồn thuỷ sản ở các sông, suối đã không còn nhiều như trước nên nhiều vùng trong cộng đồng người Thái không còn duy trì được lễ vật này trong lễ cưới. Tuy nhiên, “tục xưa nếp cũ” xin được nhắc lại để mọi người hiểu thêm một nét văn hoá truyền thống trong nghi lễ hôn nhân của đồng bào Thái từ xa xưa.
Sơn Nam
Các tin khác
Hội thảo hướng dẫn xây dựng cẩm nang đạo đức báo chí, do Bộ Thông tin - Truyền thông và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức đã khai mạc sáng qua tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), với sự tham dự của lãnh đạo 30 cơ quan báo chí trong nước và một số chuyên gia Thụy Điển.
Trong đợt khảo sát khảo cổ học tại một số xã phía nam huyện Sơn Dương, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Tuyên Quang đã tìm thấy một số di tích thời kỳ kim khí.
YBĐT - Không chỉ ở xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng hay Quang Minh, Xuân Tầm... của huyện Văn Yên (Yên Bái), khi nhắc đến cái tên Đặng Nho Vượng, mọi người ai cũng đều biết, yêu mến, cảm phục trước tài của anh khi đã không ít lần được xem anh biểu diễn trên các sân khấu cụm xã, sân khấu huyện và tỉnh.
Từ ngày 15 – 20/8, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2009 sẽ diễn ra tại thành phố Vinh.