Hồn lau bóng đệm

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là một bản sắc rất Thái trong nghề truyền thống làm đệm bông lau mà tiếng Thái gọi là “xứa nùn lau”. Song hơn cả đó là sự đảm đang, khéo léo, tinh tế của không riêng gì những phụ nữ Thái đất Mường Lò cất giữ trong “hồn lau, bóng đệm”.

Mẹ dạy Thim làm đệm bông lau.
Mẹ dạy Thim làm đệm bông lau.

Mềm yếu, mong manh giữa ngút ngàn rừng núi, thoảng đâu cơn gió núi giỡn qua đã đủ làm đong đưa cái thân cây gầy nhỏ, níu theo cả ngọn bông xám bạc dập dờn trong gió. Trong hùng vĩ núi non trùng điệp, những bông lau rừng dáng bóng khiêm nhường làm vậy. Thế mà sao chúng có thể cự lại cái buốt giá tái tê miền sơn cước khi hoá thân thành những “xứa nùn lau”, để người Tây Bắc đủ ấm áp lúc đông về? Đã bao lần Thim tự hỏi điều này khi đưa mắt ngắm vài bông lau lẻ đám bên chân đồi e ấp. Có phải bởi mùa đông Tây Bắc thêm rét mướt từ núi từ rừng, để rồi núi rừng lại sinh ra bông lau để ủ ấm cho người xứ núi. Không biết tự bao giờ người Tây Bắc, nhất là dân tộc Thái của Thim biết tìm bông lau làm đệm. Chỉ biết rằng, bấy lâu, cái thứ đệm từ cây rừng, đất núi ấy đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình người Thái. Nó thân thuộc như nếp nhà sàn, như chín bậc cầu thang, ấm áp vỗ về những giấc ngủ nồng say.

 

Khi cái rét miền sơn cước bắt đầu tìm đến cũng là khi mùa lau chín. Thim lại sửa soạn cùng mẹ và các chị em trong bản đi hái lau. Đó là một chuyến đi cả tuần có khi đến chục ngày mới về. Theo xe khách ra mãi mạn đất Đại Lịch, Ba Khe, Thượng Bằng La, Minh An... rồi lên rừng cắt lau. Thim nghe mẹ kể, thời mẹ theo bà hái lau ngày trước không phải đi xa như bây giờ. Hồi đó, ngàn lau cứ mọc ngay ở những khoảng rừng trước mặt, sau lưng. Mùa lau, sáng sớm các chị em lũ lượt gọi nhau lên rừng hái bông, tiếng cười nói lao xao cả đất trời. Chiều về, mỗi người một gánh lau kĩu kịt. Chỉ đến bây giờ, phát nương, làm rẫy, những khoảng rừng quanh quanh vùng này mới chẳng còn chỗ cho lau mọc khiến người phụ nữ Thái thêm phần vất vả khi phải lặn lội tìm lau.

 

Lau trên rừng được cắt cả bông rồi đem về ủ rơm vài ngày cho đến khi rũ nhẹ bông thấy hoa lau rời ra khỏi cậng là được. Những phần hoa lau lìa cậng ấy lại tiếp tục được mang phơi thêm vài ba nắng nữa. Thim thích nhất là được ngắm những đụn hoa lau bồng bềnh dưới cái nắng đông hanh hao lúc đem phơi ấy. Không phải trải thẳng lau ra sân nhà phơi, hoa lau sau ủ được người Thái phơi trong chiếc cót quây tròn. Sau mỗi đợt nắng, lại xới xáo những sợi lau bồng bềnh nhẹ bẫng ấy, hớt lấy phần hoa lau không còn dính chút cậng nào. Thim nhớ lời mẹ dặn, rằng đấy cũng là một phần việc không thể xem thường, bởi nếu còn chút cậng nho nhỏ thôi lẫn vào đám hoa lau nhồi đệm thì khi nằm rất dễ bị chúng đâm nhẹ vào người.

 

Tự khi chớm tuổi thiếu nữ, Thim cũng như bao cô gái Thái Mường Lò khác đều được mẹ truyền dạy cho cách dệt vải, nhồi bông, khâu đệm. Vải làm đệm lau truyền thống vốn là vải thô nhuộm chàm hoặc dệt thổ cẩm. Chỉ khâu đệm lau cũng phải se thật chắc. Mặt đệm được kẻ thành các ô vuông nhỏ rồi khâu nhíu hai mặt ở nơi giao điểm của các ô vuông gọi là bắt con. Bắt con có lẽ là phần tỉ mẩn và đòi hỏi độ chính xác nhất trong khâu làm đệm, bởi nếu không bắt chuẩn giữa hai mặt đệm với nhau thì chiếc đệm khó có thể căng phồng một cách đều đặn. Sau khi hoàn tất công đoạn bắt con, bông lau sẽ được luồn qua một ống nứa vào trong vỏ đệm. Bông nhồi càng chặt thì đệm càng phồng căng. Mỗi lần nhồi lau mẹ đều nhắc Thim nhớ để ý phần diềm ở bốn xung quanh đệm, phải nhồi làm sao để đảm bảo độ cứng, phẳng của diềm đệm thì mới có được chiếc đệm đẹp. Mẹ còn bảo, nhìn diềm đệm là có thể biết được người làm đệm có cẩn thận, khéo léo hay không. Không giống chiếc đệm hiện đại phẳng lì, đệm bông lau khi hoàn tất sẽ gợn sóng hình ô vuông nhỏ trông rất đẹp mắt và đấy cũng là điểm mang lại cho người ngả mình trên đệm một cảm giác thực êm ái, dễ chịu.

 

Bây giờ nhiều người dùng cả vải công nghiệp làm vỏ đệm. Mẹ lại bảo, thời bà, thời mẹ và trước nữa, chỉ dùng độc vải thổ cẩm làm đệm thôi. Thim cũng muốn những tấm đệm của mình giống như của bà, của mẹ ngày nào - giữ nguyên được tất cả những gì nó vốn có, thế mới nguyên vẹn là “xứa nùn lau” của người Thái chứ. Thế nên, ban ngày tranh thủ những lúc nông nhàn, Thim cần mẫn quay xa, dệt vải, tối đến lại tỉ mẩn ngồi bắt con, nhồi bông làm đệm. Những khi vất vả lên rừng hái lau, rồi lại cặm cụi xe chỉ, nhồi bông, Thim cũng như muôn thiếu nữ Thái trẻ trung của bản làng đều gửi trọn vào đó ước mong về một ngày mai hạnh phúc lứa đôi, bởi chính những tấm đệm ấy sẽ là của hồi môn về nhà chồng. Thường thì mỗi tấm “xứa nùn lau” còn kèm theo cả một chiếc chăn, một chiếc gối, một chiếc đệm ngồi và một chiếc màn đen cũng làm bằng vải thô mới là đủ bộ. Nhà chồng, qua những tấm đệm ấy sẽ nhìn nhận về sự đảm đang, khéo léo, tinh tế của cô dâu mới.

 

 Ước mơ về một ngày mai hạnh phúc lứa đôi với Thim sẽ đến trong một ngày không xa nữa. Chỉ giữa mùa thu tới là những tấm “xứa nùn lau” Thim cần mẫn làm suốt những năm qua sẽ thành của hồi môn, theo Thim qua bên kia con suối, sang bản bên về nhà chồng. Tự đôi bàn tay khéo léo của Thim đã làm nên ngần ấy tấm đệm đủ tặng cho từng người bên gia đình chồng theo tục lệ truyền thống của người Thái. Nhìn những tấm đệm lau gợn sóng muôn ô vuông nhỏ, Thim thầm nghĩ xa xôi về một ngày sau cũng sẽ sớm dạy con gái dệt vải, xe chỉ, nhồi bông như mẹ, như bà từng dạy Thim, để có thể tự tay làm ra những tấm đệm bằng những khuông vải thổ cẩm truyền thống, bằng những sợi chỉ xe săn và những bông lau rừng mềm mại, ấm áp. Thế mới giữ lại được vẹn nguyên cái hồn dân dã và bản sắc rất Thái trong những tấm “xứa nùn lau”. 

 

Thu Hạnh

 

Các tin khác
Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2010 sẽ được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội

Theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2010 với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, hội tụ ngàn năm” sẽ được tổ chức quy mô từ ngày 9 - 11/10/2009 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (trùng với Lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội và 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô). Dự kiến sẽ có khoảng 1.200 khách mời trong và ngoài nước tham gia sự kiện này.

Sự lan tỏa của một vẻ đẹp hoàn hảo, một diễn xuất biến hóa, linh hoạt khiến cái tên Ngô Thanh Vân liên tục được refresh.

Tối 24-8, tại Nhà văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Kạn, Bộ VH-TT-DL đã khai mạc Liên hoan Nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 3, với hơn 300 diễn viên, nghệ nhân của nhiều tỉnh, thành.

YBĐT - Mùa thu, khi lúa vàng đã gặt, thóc đã vào bồ, ngô đã xuống ruộng, dòng suối đã trong xanh, cũng là lúc tộc người Dao Đỏ tổ chức lễ cưới cho con cái khi đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Nghi lễ cưới hỏi của người Dao đỏ mang đậm nét văn hóa truyền thống, cùng với trang phục rực rỡ, âm thanh rộn rã của trống chiêng, khèn... Một gia đình tổ chức lễ cưới cho con là việc vui, là ngày hội của cả làng, cả bản Dao Đỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục