Lễ cấp Sắc của người Dao Nậm Lành: Nét văn hoá nhưng cũng lắm hủ tục!

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người dân tộc Dao Nậm Lành, cũng như nhiều người Dao ở huyện Văn Chấn (Yên Bái), có nhiều phong tục, nét đẹp văn hoá đã và đang bị mai một nhưng với lễ cấp sắc thì không thể thiếu. Trong bất cứ dòng tộc, người Dao nào khi được hỏi đến lễ cấp sắc họ đều biết và hiểu tường tận về ý nghĩa của nó. Tuy nhiên những hệ luỵ của nó mang lại đang làm không ít hộ người Dao vốn đã nghèo nay lại càng nghèo thêm.

Nói về ý nghĩa của lễ cấp sắc, ông Lý Hữu Vượng, 66 tuổi trong đó có 55 năm chuyên làm lễ cấp sắc cho người Dao ở Nậm Lành và một số  người dân trong khu vực cho biết: “Trong cuộc đời mỗi người dân tộc Dao có một nghi lễ vô cùng quan trọng không thể bỏ qua là lễ cấp sắc. Người Dao dù đã đến tuổi trưởng thành, thậm chí 40-50 tuổi nhưng chưa được làm lễ cấp sắc thì vẫn bị coi là “con nít” không có tiếng nói trong cộng đồng, dòng tộc....”.

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào mùa đông và đầu xuân năm mới, đó là khi công việc đồng áng xong xuôi. Gia chủ nào có con cái đến tuổi cấp sắc thì phải trồng lúa nhiều hơn, nuôi lợn, nuôi gà, làm giấy bản. Sau khi đã chuẩn bị những thứ thật cần thiết chủ nhà mời thầy cúng xem ngày để tiến hành làm lễ cấp sắc. Trước ngày cấp sắc đã định người được cấp sắc phải chọn thầy cúng hay còn gọi “sư phụ” cấp sắc cho mình.

Theo người Dao ở Nậm Lành những thầy cúng được chọn thường là anh em họ hàng, những người có uy tín, đạo đức trong làng, xã. Trước ngày cấp sắc vài hôm gia chủ phải đưa con trai mình đến làm lễ nhận thầy, khi đến nhà thầy thường đem theo một gói muối, một ít hương và học trò phải quàng khăn đỏ từ nhà. Khi được thầy cúng nhận lời thì người được cấp sắc phải thắp hương cúng bái tổ tiên của nhà thầy.

Trong lễ cấp sắc thầy cúng nói rất nhiều điều trong đó có nói đến lịch sử của người Dao và những người làm lễ cấp sắc lần. Thầy chính tay phải cầm chuông vừa đi vừa lắc, tay trái cầm gậy có cắm tù và, miệng thì cầu trời và khấn cho các trò được cấp sắc gạt bỏ được bệnh tật, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt. Người được cấp sắc làm mọi việc theo chỉ dẫn của thầy cúng, khấn lậy, nhảy múa theo nhịp trống chiêng…

Ông Lý Hữu Hín, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Lành nói: “ Trước đây lễ cấp sắc được làm theo 3 cấp: cấp 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Nhưng đến nay thì chủ yếu là ở cấp 3 đèn chỉ có gia đình nào khá giả, có điều kiện mới làm cấp 7 đèn và 12 đèn. Thầy cúng có thầy chính và thầy phụ, cấp 3 đèn phải có 3 thầy, 7 đèn thì có 7 người thầy cúng, 12 đèn cần 9 thầy cúng. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc ít nhất cũng phải  một ngày một đêm, có nhà làm kéo dài hai, ba ngày”. Trong lễ cấp sắc có rất nhiều bài khấn mang tính chất giáo dục con cái như: không được làm điều xấu, phải ngoan, phải hiền, phải học được điều hay, điều tốt, không được sa vào các tệ nạn xã hội và…được đi làm thầy cúng ….

Quan niệm của người Dao những người được cấp sắc mới được coi là trưởng thành có được tiếng nói chung trong gia đình và dòng tộc, mới được làm thầy. Con trai qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức, biết được điều hay lẽ phải và mới chính là con cháu của người Dao, khi chết mới có được tên âm, mới được về đoàn tụ với ông cha. Người phụ nữ Dao được cấp sắc không may chồng mất sớm dù đi lấy chồng khác khi chết vẫn phải làm ma của chồng cũ. Khi đã trải qua lễ cấp sắc thì khó lòng bỏ được nhau, nó có sự ràng buộc còn có giá trị hơn giấy đăng ký kết hôn!-Ông Lý Hữu Vượng nói vậy.
     

Lễ cấp sắc là bản sắc dân tộc không thể thiếu được trong cộng đồng người Dao ở Nậm Lành, chúng ta cần phát huy và bảo tồn những cái hay, cái đẹp, nét văn hoá của nó. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp của lễ cấp sắc thì nó còn những hệ luỵ làm cho không ít gia đình người Dao ở Nậm Lành nói riêng và người Dao nói chung vốn đã nghèo khó nay lại càng nghèo hơn vì nghi lễ này. Có một điều dễ nhận thấy là việc tổ chức lễ cấp sắc rất tốn kém, tổ chức ăn uống linh đình mấy ngày, mấy đêm.

Thực hiện nếp sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới xã Nậm Lành đã vận động nhân dân khi làm lễ cấp sắc cho con cái, người thân trong gia đình tổ chức gọn nhẹ, văn hoá nhưng đến nay vẫn kéo dài trên 1 ngày, 1 đêm và tổ chức ăn uống vài chục mâm cơm. Khi nói về những mặt trái của lễ cấp sắc nhiều người dân ở Nậm Lành đều cho rằng cần có sự thay đổi cho phù hợp hơn, bởi mỗi một lễ cấp sắc gia đình phải bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn. Và sở dĩ có nhiều người Dao ở đây đến già và thậm chí chết rồi mà vẫn không tổ chức được một lễ cấp sắc cho mình vì nhà không đủ điều kiện.

Theo tính toán sơ sơ của người dân ở đây thì tổ chức mỗi một lễ cấp sắc tốn kém không dưới 10 triệu đồng- đó là một số tiền không hề nhỏ với hầu hết các gia đình người dân tộc Dao. Có nhiều gia đình muốn cho con cái mình được làng, bản công nhận là “người lớn” đã bán hết cả trâu, bò, ruộng nương để lo đủ tiền mời thầy cúng và sắm lễ vật làm lễ cấp sắc cho con cái mình. Khi con cái được công nhận là “người lớn” nhà đã nghèo nay lại càng nghèo thêm, lo ăn từng bữa lại còn phải lo làm trả nợ mới khổ ải làm sao. Ngoài việc tổ chức tốn kém thì việc người được mời dự lễ cũng phiền hà, không đến thì không được, đến thì mọi công việc nhà nông bị bỏ trễ cũng dở.

Lễ cấp sắc của người Dao là một nét văn hoá riêng của cộng đồng dân tộc này chúng ta cần bảo tồn và phát huy, nhưng đã đến lúc chúng ta nên  điều chỉnh lại cho phù hợp với cuộc sống hiện nay. Bỏ đi những thủ tục, lễ vật tốn kém, làm gọn nhẹ trong mỗi gia đình, dòng tộc. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá không lẽ gì lại là gánh nặng để cho người dân thêm nghèo, thêm khổ. Văn hoá không chỉ là thước đo kiến thức, sự am hiểu mà chúng ta phải thực hiện văn hoá ngay trong cuộc sống, giữ gìn vệ sinh, tránh xa những tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

P.V

 

Các tin khác
Mẹ dạy Thim làm đệm bông lau.

YBĐT - Đó là một bản sắc rất Thái trong nghề truyền thống làm đệm bông lau mà tiếng Thái gọi là “xứa nùn lau”. Song hơn cả đó là sự đảm đang, khéo léo, tinh tế của không riêng gì những phụ nữ Thái đất Mường Lò cất giữ trong “hồn lau, bóng đệm”.

Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia 2010 sẽ được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội

Theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2010 với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, hội tụ ngàn năm” sẽ được tổ chức quy mô từ ngày 9 - 11/10/2009 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (trùng với Lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội và 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô). Dự kiến sẽ có khoảng 1.200 khách mời trong và ngoài nước tham gia sự kiện này.

Sự lan tỏa của một vẻ đẹp hoàn hảo, một diễn xuất biến hóa, linh hoạt khiến cái tên Ngô Thanh Vân liên tục được refresh.

Tối 24-8, tại Nhà văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Kạn, Bộ VH-TT-DL đã khai mạc Liên hoan Nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 3, với hơn 300 diễn viên, nghệ nhân của nhiều tỉnh, thành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục