Một kiến trúc Phật giáo cổ phát hiện ở Lục Yên: Hé mở những thông tin thú vị
- Cập nhật: Thứ bảy, 28/1/2012 | 10:37:07 AM
YBĐT - Từ những dấu vết này, cán bộ Bảo tàng tỉnh cùng chuyên viên Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái đã xác định, đây có khả năng là phế tích của một kiến trúc Phật giáo. Ngay sau đó, một kế hoạch đào thám sát đã được xây dựng để trình lên cơ quan quản lí chuyên môn.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Yên Bái và các chuyên gia khảo cổ học bên những hiện vật mới được phát hiện tại khu vực đồi Pú Hương Xe.
|
Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2011, chương trình thám sát đã được phối hợp với các chuyên gia của Hội Khảo cổ học Việt Nam. Một số hố thám sát nhỏ khoảng vài mét vuông đã được mở trên diện rộng của cả khu đồi nhằm xác định hiện trạng của phế tích. Thật bất ngờ, các hố thám sát đều có hiện vật kiến trúc: gạch, ngói, lá đề, phù điêu... bằng đất nung. Trong đó, có những hố khi đào xuống mặt đất chừng một mét đã thấy lượng hiện vật dày đặc. Khi các hiện vật được xử lý tách ra từ hố thám sát, các chuyên gia khảo cổ học đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Các hiện vật đã cho thấy, đây chắc chắn là một kiến trúc Phật giáo thời Trần và nhiều khả năng là một ngôi chùa lớn có niên đại tương ứng với khu chùa tháp Bến Lăn đã được khai quật nằm cách đó khoảng gần cây số. Tuy chỉ đào thám sát nhưng khối lượng hiện vật khá nhiều và đa dạng về loại hình, bao gồm các dạng gạch xây tường, nền, tường bao, ngói lợp, lá đề, bệ sen, tượng uyên ương, rồng đất nung, bàn tay tượng, đồ gốm...
Bên cạnh những điểm tương đồng về vật liệu kiến trúc, kỹ thuật chế tác, họa tiết hoa văn... thì trên những hiện vật phát hiện trong khu thám sát so với hiện vật khu chùa tháp Bến Lăn có những điểm khác nhau thú vị. Chẳng hạn, đã phát hiện những bệ hoa sen còn lành lặn nằm trong kết cấu của tháp mà các tháp tại Bến Lăn không có cấu kiện này. Hình chim uyên ương tại khu Bến Lăn có đầu, mỏ hơi ngang về phía trước thì đầu, mỏ uyên ương tại Pú Hươn Xe lại hướng lên cao, ức cong vồng như muốn bật cánh vút lên cao.
Đầu rồng bằng đất.
Bệ hoa sen.
Những họa tiết hình hoa cúc phát hiện ở khu tháp Hắc Y, chùa tháp Bến Lăn chỉ ở dạng cúc dây thì nay đã phát hiện dạng một bông cúc đại đóa trên viên gốm tròn trang trí rìa mái. Đặc biệt, trong lần đào thám sát này đã tìm thấy một loại hiện vật khá mới cả về hình dạng và kích cỡ, đó là rồng đất nung có thể được dùng để trang trí trên các góc mái của tòa tháp. Loại hình hiện vật này không chỉ mới so với những gì đã phát hiện tại các phế tích Phật giáo trong Khu di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại mà còn ở cả các kiến trúc Phật giáo thời Trần được phát hiện ở Việt Nam.
Việc phát hiện dấu tích có thể là một ngôi chùa này đã hé mở nhiều thông tin thú vị, hướng tới những nhận thức mới về Phật giáo tại khu di chỉ này. Đó là, nếu ở khu vực này xuất hiện thêm một ngôi chùa đồng đại với chùa tháp Bến Lăn và tháp Hắc Y thì những công trình kiến trúc Phật giáo ở đây liệu có phải chỉ là những công trình tín ngưỡng thuần túy hay là tổng thể kiến trúc của một Phật viện thuở xa xưa tọa lạc tại một ngã ba của những dòng chảy lớn - đầu mối giao thông thủy bộ giữa vùng núi non tươi đẹp hữu tình.
Những dấu tích kiến trúc Phật giáo được phát hiện tại đây cùng với những ngôi chùa cổ đã chìm trong lòng hồ Thác Bà như chùa Vắp, chùa Trấu, chùa Hang Úc... cho thấy, Phật giáo đã từng phát triển mạnh mẽ dọc theo dòng sông Chảy lên mạn ngược. Việc phát hiện một kiến trúc chùa Trần ở xã Phù Nham (Văn Chấn) và khu kiến trúc Phật giáo tại Khu di chỉ Hắc Y - Đại Cại đã gợi mở rằng, Phật giáo phát triển ở miền núi không quá muộn so với đồng bằng trong lịch sử hai ngàn năm của Phật giáo Việt Nam.
Có những nguồn thông tin rằng, tại Khu di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại từng có một cụm vài chục tòa tháp. Vì vậy, việc phát hiện những vật liệu có thể là của các tòa tháp tại Pú Hươn Xe giúp củng cố niềm tin rằng, khả năng đây là điểm có nhiều tòa tháp tọa lạc. Điều đó sẽ sáng tỏ khi phế tích Phật giáo tại Pú Hươn Xe được khai quật phát lộ hoàn toàn.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Vậy là mùa xuân đã trở về. Trong tiết se lạnh của mùa đông còn dùng dằng gió mùa đông bắc nhưng mỗi người đã có cái cảm giác ấm áp hơn khi hoa đào chớm nở với muôn vạn cánh hồng.
YBĐT - Đêm giao thừa thiêng liêng và hồi hộp, rủ nhau đi hái lộc tìm kiếm sự may mắn, vuông tròn của một năm mới. Chả biết có tự bao giờ mà phong tục ấy trở thành niềm thiêng liêng trong tâm khảm tôi ngay từ thời trai trẻ…
YBĐT - Ở vùng đồng bào Mông, nét văn hóa đặc trưng và nổi bật nhất trong gia phong là sự chi phối bởi quan hệ của dân tộc, dòng họ. Trong đó, tộc người này đặc biệt quan tâm đến ý thức đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc và sự đoàn kết của cộng đồng, dòng họ. Bởi vậy, khi cư trú, người Mông thường sống quần tụ theo dòng họ, huyết thống để dựa vào nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất.
YBĐT - Xác định rõ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, nhiều năm trở lại đây, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, bảo tồn cũng như phát huy các điệu múa dân gian, các nhạc cụ dân tộc gồm 6 loại pí chế tác từ tre, nứa.