Hơi thở cuộc sống qua “lung linh Mường Lò”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/3/2013 | 9:54:57 AM

YBĐT - Đã từng xuất bản 2 tập thơ và 3 tập truyện ngắn, vừa qua tác giả Hiền Lương lại cho ra mắt bạn đọc tập bút ký “Lung linh Mường Lò” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - năm 2012).

Với 15 bài ký, ngòi bút ghi lại cảm nhận tinh tế của tác giả về những địa danh nơi bước chân đi qua, từ cao nguyên đá Đồng Văn đến Cà Mau đất mũi nhưng gần gũi hơn cả vẫn là đất và người Yên Bái với Lục Yên đất Ngọc, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Mường Lò, thành phố Yên Bái.

Ở “Yên Bái, những tên gọi”, nhà văn Hiền Lương đưa chúng ta đến với lịch sử hơn trăm năm xây dựng và trưởng thành của quê hương. Những cái tên Hang Hùm, Thẩm Lé, Đào Thịnh, Đại Đồng…“gợi lên trong ta về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, hội hè của người Yên Bái đã từ bao đời nay”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Yên Bái từng làm nên bao kỳ tích được đồng bào cả nước biết đến và hiện đang thức dậy những tiềm năng, mở ra một triển vọng, một tương lai tốt đẹp. Trên mảnh đất này, những “Lục Yên - lúa và đá”, Mường Lò gạo trắng, nước trong, Mù Cang Chải - vùng đất gỗ khô… tất cả đang khởi sắc.

Đối với huyện Lục Yên, “Có bao điều để người mới đến thì yêu, người đi xa thì nhớ nhưng đọng lại trong tôi ở chuyến đi này là lúa và đá. Hai đối tượng tưởng như trái ngược nhau ấy lại đang chung sức cùng nhau tạo nên thế mạnh mà người Lục Yên đã biết khai thác nó để làm giầu thêm cho vùng đất của mình”.

Còn xã Chế Cu Nha của huyện Mù Cang Chải sau 17 năm gặp lại, tác giả không khỏi ngạc nhiên trước cuộc sống đổi thay nhanh chóng. Vui nhất là những cán bộ xã trẻ đầy năng lực đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, “tất cả họ như những sợi chỉ lanh đang dệt nên một tấm thổ cẩm, một vẻ đẹp bình dị, chân chất nhưng cũng đầy lãng mạn trên đất Chế Cu Nha”.

Vùng đất này còn có những người lính trọn đời sống với vùng cao như cụ Nguyễn Văn Hứ - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện “cứ lặng lẽ tỏa sáng khắp các bản làng từng bước đưa Mù Cang Chải đi lên với cuộc sống mới”.

Đến với Yên Bái, du khách nào chẳng ước mong một lần vào thăm Mường Lò. Tương truyền nơi đây có mộ tổ của người Thái đen, có thành cổ Viềng Công của anh em Cầm Hánh dựng lên đánh giặc Cờ vàng và nhất là nơi lưu giữ được 6 điệu xòe cổ. Vinh dự sao năm 2011 Nghĩa Lộ - Mường Lò được chọn để tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch về cội nguồn lần thứ VII.

Một kịch bản hoành tráng được dàn dựng, bản sắc Tây Bắc, bản sắc Mường Lò tỏa sáng theo vòng xòe cùng câu hát giao duyên trên sàn Hạn khuống. Hòa trong không khí lễ hội, tác giả thấy “Lòng tôi lúc này như một dòng sông đang dạt dào vỗ sóng, thầm thì cất mãi lên tiếng gọi: Mường Lò ơi! Đẹp quá - lung linh hương sắc Mường Lò”.

Từng là thầy giáo giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Hiền Lương hiểu khá sâu sắc về nỗi vất vả của sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao. Một loạt bài: “Vùng cao yêu dấu”, “Mái trường đi mãi cùng năm tháng”, “Vượt khó đạt chuẩn quốc gia”, “Trường mầm non Bích Ngọc một điểm sáng của giáo dục Lục Yên”, “Chế Cu Nha xuân về” là sự tỏ bày thiện cảm của anh với nghề dạy học.

Không còn cảnh cô giáo vai địu con, tay dạy chữ. Bây giờ trường đã ra trường, giáo viên hầu hết đạt chuẩn và để nâng cao chất lượng giáo dục thì “Mọi người coi việc phấn đấu về chuyên môn không chỉ vì lợi ích của cá nhân mình mà còn vì để có một tập thể sư phạm vững mạnh”.

Bài học kinh nghiệm của cô Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Học, xã Minh Xuân (huyện Lục Yên) rút ra âu cũng là bài học chung. Và Bích Ngọc, Khao Mang, Bản Công, Xà Hồ…, “những gì mà mái trường vùng cao đã đem đến cho tôi, sưởi ấm cho tình đời, tình nghề dạy học của tôi. Tôi biết là khó khăn còn nhiều lắm, còn nhiều việc phải làm lắm cho giáo dục vùng cao”.

Đọc ký Hiền Lương, chúng ta thấy nóng hổi hơi thở của cuộc sống. Đi, quan sát, nghe kể và ghi lại đã đem đến cho bài viết sự chân thực như chính những gì cuộc sống đang diễn ra. Ưu thế của người làm thơ cũng tạo nên giọng văn giàu cảm xúc, cuốn hút người đọc.

Hãy nghe anh tâm sự khi đứng trước cây cầu giới tuyến: “Sau ngày đất nước bị chia cắt cha tôi cũng như mọi người dân Việt yêu nước khác đều có một khát vọng cháy bỏng về sự thống nhất đất nước và địa danh Hiền Lương trở thành thân yêu, máu thịt nên ông đã quyết định dùng nó đặt tên con trai yêu quí của mình. Vì thế hôm nay đi trên cầu Hiền Lương, bồi hồi dâng trào trong tôi như đặt chân lên mảnh đất quê hương. “Ôi cầu Hiền Lương, ôi sông Bến Hải/ Tôi mang theo từ thuở sinh thành/ Chân tôi bước mà lòng tôi như thể/ Về nơi mình cất tiếng khóc đầu tiên”.

Chính sự thăng hoa này đã để lại ấn tượng đẹp khi đọc “Cảm xúc tháng Tư”, “Những gì còn lại của chiến tranh”, “Hà Giang - hoa trên đá”, “Lung linh Mường Lò”… Tuy nhiên, sự lựa chọn chi tiết nhằm tránh dàn trải cũng là điều tác giả cần lưu ý để tác phẩm ký chân thực mà sâu sắc.

Thế Quynh

Các tin khác
Mô hình “Thư viện chiến sĩ” - Phòng Cảnh sát Cơ động thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Công an tỉnh Yên Bái đã nỗ lực, kết nối để phát triển mô hình "Thư viện chiến sĩ”, góp phần duy trì phong trào đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS).

Ba đại sứ Thùy Linh, Thùy Tiên, Bảo Ngọc (từ trái qua) tại buổi ra mắt cuộc thi với báo giới

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 do Công ty Sen Vàng tổ chức mùa đầu tiên, vừa họp báo phát động tuyển sinh trên toàn quốc.

Đêm giao lưu văn hóa nghệ thuật Đà Lạt (Việt Nam) - Chuncheon (Hàn Quốc) vào cuối tháng 12-2023.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cho biết Lễ hội âm nhạc Hàn Quốc - Đà Lạt sẽ là nội dung thuộc chuỗi sự kiện Festival hoa Đà Lạt 2024.

Ban giám khảo Cannes 2024 trên thảm đỏ khai mạc liên hoan phim.

Mùa giải thứ 77 của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes đã khai màn tại Pháp vào ngày 14-5 (theo giờ địa phương) và sẽ kéo dài trong 12 ngày tới. Năm nay sẽ có 22 bộ phim cạnh tranh giải thưởng cao nhất - Cành cọ vàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục