Quê hương

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2013 | 8:45:50 AM

YBĐT - “Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều...”

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Đó là quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, còn đối với tôi, quê hương là những gì thân thương nhất, gần gũi nhất mà tôi cảm nhận được trong một lần về thăm quê.

Quê nội tôi là một làng bé nhỏ nằm nhô ra bãi bồi sông Hồng. Đó là một vùng đất tựa như trong chuyện cổ tích mà biết bao lần tôi mơ ước được đặt chân tới. Nhưng tất cả những mong muốn đó dường như tan biến sau một lần tôi được về thăm quê. Chiều tháng ba nghiêng nghiêng màu hoa gạo trên vòm trời cao vút. Cây gạo đầu làng đỏ ối những đốm lửa bập bùng.

Men theo bờ sông Hồng đứng nước là con đường làng nho nhỏ, cong cong dẫn tôi về với quê hương của mình. Con đường làng quanh co trơ sỏi đá, thỉnh thoảng lại có một ổ gà to bằng cái nong khiến người tôi cứ nảy lên nảy xuống. Những mái nhà tranh thấp lè tè, liêu xiêu nghiêng bên những rặng tre già làm tôi nhớ đến những ngôi nhà xây cao tầng nơi thành phố.

Trời tháng ba bỗng xuất hiện một cơn mưa lạ. Con đường quê bỗng chốc hóa thân mình thành con đường lầy lội, lớp nhớp bùn. Trời ơi! Biết thế này thì tôi đã không đòi về thăm quê nữa. Nhưng sợ bố cáu nên tôi chỉ nghĩ thầm mà không dám nói ra.

- Hai bố con về thăm ông bà nội à? Thằng cu nhà bác lớn nhanh gớm. Trông giống bố như đúc.

Vừa đặt chân về tới đầu làng là tôi đã bắt gặp một bác trạc tuổi bố tôi, đầu đội chiếc nón đã cũ và xước, bác ấy chạy lại gần xe của hai bố con tôi và hỏi chuyện. Bác ấy không đi giày dép gì cả, đôi chân nứt nẻ và vẫn lấm lem màu bùn. Khuôn mặt sạm lại chắc là vì cái nắng nóng gay gắt những trưa làm đồng. Nhưng có một điều mà tôi cảm nhận được ngay tức thì, đó là cái gì đó chân chất, hiền hậu, gần gũi, giản dị mà tôi không bắt gặp được tại nơi mà mình đang sống.

Vòng bánh xe vẫn cứ lăn trên con đường quê và trong đầu tôi vẫn ẩn hiện những suy nghĩ sau khi gặp bác ấy. Quê mình vẫn còn nghèo quá nhưng dù cái nghèo đó có khiến cuộc sống khó khăn đến đâu thì những con người như thế vẫn luôn vui vẻ lao động, cần cù, chịu khó. Đặc biệt, ở họ vẫn là một lối sống giàu tình cảm, tình người. Tôi đang miên man suy nghĩ thì chiếc xe đã dừng lại ở cổng nhà ông bà nội.

- Tôm bé như thế này cháu không ăn được đâu bà ạ. Ở nhà, mẹ cháu hay mua cho cháu ăn những con tôm to bằng ngón chân cái kia.

Tôi nhăn nhó và giải thích với bà như thế khi bà gắp cho tôi những con tôm nhỏ trong bữa cơm chiều hôm ấy. Bố tôi liếc mắt nhìn ra hiệu bảo tôi gắng ăn đi, không được làm nũng bà nữa. Còn bà chỉ cười một nụ cười hiền hậu, xoa đầu tôi và không nói gì cả.

Tối đến, tôi ngồi giữa ông và bà trên chiếc chõng tre kê ngoài sân. Đêm tháng ba trời dịu mát, không khí ở quê thật trong lành. Không gian tĩnh lặng, không ồn ào như ở thành phố. Ông nội kể tôi nghe về những ngày này gần bốn mươi năm về trước, ông đang ở mặt trận phía Nam đánh giặc. Lúc ấy, cơm không có ăn, phải đào củ mài, củ cây trong rừng sâu, ăn rau tàu bay, rau tầm bóp để sống và chiến đấu. Dù khó khăn gian khổ nhưng vẫn vui tươi, vẫn chiến đấu hết mình vì Tổ quốc.

Xen vào câu chuyện kể của ông, bà cũng kể tôi nghe về những năm tháng ngày xưa của bố tôi. Chính mảnh đất này, chính những con tôm con tép, những quả sung muối vội hay những củ sắn đã nuôi bố tôi khôn lớn. Tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ các cô, các bác trong làng ngày xưa đã cho tôi sữa vì khi sinh tôi ra mẹ tôi rất yếu và thiếu sữa. Bà cũng nhắc nhở tôi rằng, dù sau này tôi có đi đâu, có làm gì thì cũng không được quên hai tiếng “quê hương”. Có như vậy thì tôi mới khôn lớn và trưởng thành được.

Tôi ngước lên bầu trời cao và lắng nghe từng nhịp thở của quê hương...

Nguyễn Thành Công

Các tin khác
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2012.

Chiều 8/4, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết Sở vừa hoàn thành hồ sơ khoa học trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xem xét đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Quốc gia.

Năm 2012, thôn Khe Tăng chỉ còn 19 hộ nghèo.

YBĐT - Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, những năm qua, nhân dân trong thôn Khe Tăng, xã Quang Minh, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Rạp Hồng Hà (thành phố Yên Bái) trước kia thuộc Trung tâm phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh, đã từng có một thời hoàng kim.

YBĐT - Không phải người dân thành phố Yên Bái đang quay lưng lại với điện ảnh, không phải họ không có nhu cầu xem phim chiếu rạp mà chỉ là ở Yên Bái không có rạp để xem...

Tác phẩm Người lính biển đảo Lý Sơn của NSNA Phạm Long Thành tại triển lãm.

Hưởng ứng Tuần lễ biển đảo Quảng Ngãi tổ chức vào cuối tháng 4, sáng 7-4 tại 122 Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TPHCM, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi và Hội Nhiếp ảnh TPHCM phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề: Đất và người trên quê hương Hải đội Hoàng Sa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục