Sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai (LĐĐ) 2013, công tác quản lý đất đai đã có nhiều tiến bộ; việc tổ chức thực thi các quy định của pháp luật về đất đai được các cấp, ngành quan tâm thực hiện có hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng đất (SDĐ) cần sớm được khắc phục.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý, SDĐ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và SDĐ, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Chính phủ đã trình Quốc hội đưa dự án LĐĐ (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022), chuẩn bị cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) và sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, ngay trong tháng 01/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 17/UBND-TNMT về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo LĐĐ (sửa đổi).
Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo LĐĐ (sửa đổi) phải đảm bảo các yêu cầu: thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến theo Nghị quyết số 170/NQ-CP.
Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo LĐĐ (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Xác định các nội dung trọng tâm, hình thức cụ thể, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai lấy ý kiến nhân dân.
Các ban, sở, ngành và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nội dung, đúng tiến độ của Kế hoạch số 17/UBND-TNMT; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch số 17/UBND-TNMT; UBND các huyện, thành phố, cơ quan truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp.
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo LĐĐ (sửa đổi). Hầu hết, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị đã và đang tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo LĐĐ (sửa đổi) một cách nghiêm túc, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân góp ý vào dự thảo LĐĐ (sửa đổi).
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, cơ bản đảm bảo đạt được mục đích, yêu cầu đề ra... Tuy vậy, dự thảo LĐĐ (sửa đổi) là đạo luật có dung lượng lớn, có nhiều điểm mới và có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội với phạm vi tác động sâu, rộng, nên các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể và nhân dân cần phát huy trí tuệ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện dự thảo LĐĐ.
Để đáp ứng yêu cầu và thời gian thực hiện Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn đề nghị các cơ quan báo chí địa phương và phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được biết về việc sửa đổi LĐĐ để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh trung thực, ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân vào dự thảo LĐĐ (sửa đổi); thông tin tuyên truyền về những nội dung cần lấy ý kiến nhân dân bao gồm: bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo LĐĐ (sửa đổi); đặc biệt, tập trung một số vấn đề của dự thảo LĐĐ (sửa đổi) có liên quan trực tiếp đến người dân ở cơ sở như: các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền SDĐ trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...
Phấn đấu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo LĐĐ (sửa đổi) trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của toàn xã hội, góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện LĐĐ bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích của nhân dân; là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc quản lý, SDĐ của Nhà nước ta để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Quang Thiều