Bầu cử tổng thống vòng hai tại Rumani: Kịch tính tới phút chót

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/12/2009 | 12:00:00 AM

Bất ngờ và đầy kịch tính, diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Rumani vào ngày 6-12 đã nằm ngoài dự đoán của nhiều người khi Tổng thống đương nhiệm, Tơraian Baxexcu giành chiến thắng sát sao trước đối thủ được đánh giá có nhiều lợi thế hơn là Mơxi Ghêoana, thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội (PSD).

Ông Tơraian Baxexcu mừng chiến thắng với người ủng hộ tại thủ đô Bucarét.
Ông Tơraian Baxexcu mừng chiến thắng với người ủng hộ tại thủ đô Bucarét.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (PDL) đã giành được 50,43% phiếu bầu so với 49,57% số phiếu của cựu Ngoại trưởng Ghêoana, kết thúc cuộc "rượt đuổi" đầy cam go từ vòng đầu tiên (ngày 22-11) của cuộc bầu cử giữa hai ứng viên hàng đầu vào chiếc ghế Tổng thống Rumani.

 

24 giờ qua, cả ông Baxexcu và Ghêoana đã cùng tuyên bố là người thắng cuộc trong khi phần lớn những cuộc thăm dò dư luận ngoài phòng bỏ phiếu đều cho thấy thủ lĩnh 51 tuổi của PSD dẫn trước ông Baxexcu. Chiến thắng ngoài mong đợi của đương kim Tổng thống Rumani đã "vô hiệu hóa" thỏa thuận liên minh giữa PSD và đảng Tự do hôm 25-11, nhằm thu hút sự ủng hộ cho ông Ghêoana, người đang giữ chức vụ Chủ tịch Thượng viện Rumani. Theo đó cam kết nếu giành chiến thắng, PSD sẽ bổ nhiệm Thị trưởng Clốt Giôhannít, Chủ tịch của một chính đảng nhỏ làm Thủ tướng mới.

 

Sự bất ngờ càng rõ khi hơn 10 ngày vận động tranh cử nước rút trước bỏ phiếu vòng 2 (do vòng 1 không ứng cử viên nào đạt được số phiếu quá bán 50%), ông Ghêoana luôn tỏ ra vượt trội. Với kinh nghiệm của một đại sứ Rumani tại Mỹ và sau đó là Ngoại trưởng quốc gia này trong những năm 2000-2004, thủ lĩnh PSD được đánh giá là một chuyên gia đàm phán khôn ngoan trên chính trường, nhân vật có nhiều khả năng thuyết phục các đối tác quốc tế và khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Rumani. Trong khi đó, nhà lãnh đạo 58 tuổi Baxexcu tự hào là một người giàu lòng yêu nước, tôn trọng những giá trị truyền thống bản địa và thấu hiểu tâm tư của cử tri. Ông có được sự yêu mến của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là tại khu vực nông thôn và người lao động; nâng cao vị thế của Rumani trên trường quốc tế khi đưa nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2007 và đăng cai Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008.

 

Việc cử tri Rumani lựa chọn ông tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai cho thấy người dân quốc gia này vẫn đặt niềm tin vào vị Tổng thống trung tả với cam kết sẽ đưa Rumani thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế sâu sắc nhất trong 20 năm qua, xóa bỏ vấn nạn tham nhũng và hiện đại hóa đất nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cử tri quốc gia Đông Âu này đã gạt bỏ những quan ngại về lợi ích để ủng hộ chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà ông Baxexcu muốn thực hiện nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tăng triển vọng phát triển của đất nước, theo đó sẽ giảm lương, cắt giảm khoảng 150.000 việc làm trong lĩnh vực công. Đây là điều kiện tiên quyết bắt buộc để Rumani có thể nhận được khoản hỗ trợ 20 tỷ ơrô từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), EU và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị tàn phá bởi cơn bão tài chính toàn cầu.

 

Nền kinh tế Rumani đang ở trong tình trạng suy thoái sâu và dự báo sẽ tăng trưởng âm 8,5% trong năm 2009 với tỷ lệ thất nghiệp hơn 7%, cao hơn năm ngoái 3%. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Âu này vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị (kể từ tháng 10-2009) sau khi Chính phủ do cựu Thủ tướng Êmin Bốc đứng đầu sụp đổ do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Chính phủ lâm thời hiện nay không thể đưa ra các quyết định quan trọng đối với đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách năm 2010. Do vậy, nhiệm vụ trước mắt của tân Tổng thống Rumani là phải cải thiện quan hệ với các chính đảng đối lập cũng như đối tác trong Chính phủ liên minh, giải quyết tình trạng, tranh giành quyền lực đang tồn tại trên chính trường Rumani nhằm thành lập cho được một chính phủ ổn định, tăng niềm tin đối với các định chế tài chính quốc tế.

 

Cuộc bầu cử vừa kết thúc đã giúp Rumani mở ra lối thoát cho những bế tắc hiện thời. Nhưng quốc gia Đông Âu này có thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn - từ suy sụp kinh tế dẫn tới khủng hoảng chính trị làm trầm trọng thêm "cơn bạo bệnh tài chính" - hay không sẽ là một thách thức lớn ngay sau lễ nhậm chức của  tân Tổng thống Rumani.

 

(Theo HNMO)

Các tin khác
Binh lính đột kích một dinh thự của gia tộc Ampatuan tại thành phố Davao, tỉnh Maguindanao vào ngày 6/12.

Quân đội và cảnh sát Philippines cho hay họ đang lùng bắt ít nhất 3.000 chiến binh trung thành với gia tộc bị tình nghi gây nên vụ thảm sát khiến 57 người chết.

Vụ đánh bom liều chết phá hủy một số ôtô gần đó.

Ngày 7/12, một vụ đánh bom liều chết lại xảy ra bên ngoài tòa án ở Peshawar, thủ phủ tỉnh biên giới Tây Bắc Pakistan, làm ít nhất 5 người thiệt mạng và 49 người bị thương, trong đó nhiều người bị thương nặng.

Í́t nhất 112 người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã công bố ngày 7/12 là ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của vụ cháy vũ trường làm ít nhất 112 người chết hôm 4/12, và khẳng định sẽ trừng trị những thủ phạm gây ra vụ cháy này.

Quốc hội Iraq đã nhất trí thông qua luật bầu cử mới, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ diễn ra vào đầu năm tới tại nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục