10 vấn đề nóng bỏng của thế giới năm 2010

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/12/2009 | 8:49:41 AM

Khi thế giới chuẩn bị chia tay năm 2009, bước sang năm 2010, người ta có thể dự đoán được những vấn đề nóng bỏng sẽ quyết định xu hướng chính trị thế giới trong năm mới bằng cách nhìn lại những vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết hay những câu hỏi chưa có câu trả lời trong năm cũ. Qua đó chúng ta có thể mường tượng được phần nào bức tranh toàn cảnh của thế giới trong năm 2010.

Hội nghị G20 ở Mỹ.
Hội nghị G20 ở Mỹ.

Vai trò của G20
 
Vào tháng 6 và tháng 11 năm tới, nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20) sẽ tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh ở Toronto, Canada, và Seoul, Hàn Quốc. Liệu nhóm nước này đã sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng sang các lĩnh vực chính trị và an ninh quốc tế hay chưa?
 
Nhóm nước G20 chiếm 90% GDP toàn cầu, 80% tổng giao dịch thương mại quốc tế và 2/3 dân số thế giới. Đây là nhóm nước được coi là lực lượng chính giải quyết các vấn đề kinh tế thế giới tại hội nghị thượng đỉnh ở Pittsburgh, Mỹ vào tháng 9 vừa rồi.
 
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng tuyên bố không chỉ có các vấn đề kinh tế, các vấn đề về năng lượng, các nguồn lực, biến đổi khí hậu, lương thực và nghèo đói sẽ được thảo luận tại các cuộc họp thượng đỉnh của G20 trong tương lai. Ông Lee tin rằng G20 sẽ trở thành trung tâm của hệ thống thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sẽ trở thành cơ quan tối cao phối hợp hành động giữa các nước để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và cân bằng.
 
Kết quả của các cuộc đàm phán biến đổi khí hậu
 
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức ở Mexico vào tháng 12 năm 2010. Liệu hội nghị này có hoàn thành được các nhiệm vụ còn dang dở ở Hội nghị Copenhagen hay không?
 
Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng với các cuộc đàm phán kéo dài 17 năm hội nghị Copenhagen năm nay vẫn thất bại trong việc tìm kiếm được sự đồng thuận của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo thế giới dù thừa nhận thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu nhưng vẫn không đi đến được sự thống nhất về chỉ tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thay vào đó họ chỉ đạt được một thỏa thuận không có tính ràng buộc có tên Thỏa thuận Copenhagen.
 
Nhiệm vụ trong năm 2010 tại các cuộc đàm phán thế giới về biến đổi khí hậu là các nước phải ký được một thỏa thuận cụ thể và có tính ràng buộc, trong đó quy định rõ nghĩa vụ của các nước phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu cụ thể về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính giai đoạn hai theo Nghị định thư Kyoto. Hơn nữa, các cuộc đàm phán năm 2010 sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ thông qua được các quy định về việc các nước phát triển thực hiện cam kết giúp đỡ tài chính cho các nước đang phát triển trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.
 
Kế hoạch rút quân khỏi Iraq của Mỹ
 
Mỹ có kế hoạch rút toàn bộ các binh lính đang chiến đấu của nước này ra khỏi chiến trường Iraq vào cuối tháng 8 năm 2010. Tuy nhiên, tình hình an ninh đáng lo ngại hiện nay cũng như tình hình chính trị bất ổn ở khu vực Trung Đông đang thách thức kế hoạch này của Mỹ.
 
Cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức vào ngày 7/3 năm sau sẽ quyết định phần lớn tình hình của Iraq. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giữa người Shiite, người Sunni và người Kurd trong cuộc chiến phân chia quyền lực là một nhân tố không thể dự đoán, vượt ngoài tầm kiểm soát của Mỹ.
 
Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan
 
Năm 2010 sẽ là một năm quan trọng đối với những nỗ lực không mệt mỏi của Mỹ nhằm tìm kiếm một chiến thắng trên chiến trường Afghanistan.
 
Tổng thống Barack Obama hồi đầu tháng này đã công bố chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan. Theo đó, sẽ có thêm 30.000 quân được bổ sung cho cuộc chiến này trong nửa đầu năm 2010. Mục tiêu của Mỹ là nhanh chóng đè bẹp sự nổi dậy của Taliban và cứu vãn tình hình “ngày càng xấu đi” ở đây.
 
Tuy nhiên, các binh lính nước ngoài đang phải đối mặt với môi trường bất ổn ở Afghanistan. Do các chiến dịch quân sự bất cẩn gây ra nhiều cái chết của dân thường, tâm lý chống binh lính nước ngoài và sự bất mãn đối với chính phủ của dân chúng Afghanistan đang leo lên mức đỉnh điểm kể từ sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Taliban năm 2001.
 
Vấn đề hạt nhân Iran
 
Liệu trong năm tới cộng đồng quốc tế có thể dùng sự thông thái và các chiến thuật của mình để phá vỡ thế bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran?
 
Tháng 11 năm 2009, yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đòi Iran ngừng xây dựng các cơ sở làm giàu uranium đã bị bác bỏ. Còn đối với đề xuất khác của IAEA về việc Iran sẽ gửi phần lớn số uranium đã làm giàu ở cấp độ thấp của nước này sang Nga và Pháp để làm giàu, Iran giữ lập trường nước đôi.
 
Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki gần đây cho rằng Iran không phản đối việc trao đổi nhiên liệu hạt nhân với các nước phương Tây ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, lập trường hòa dịu này vẫn không có nghĩa là Tehran tuân theo các yêu cầu của IAEA.
 
Lãnh đạo tối cao của Iran – ông Ayatallah Seyyed Ali Khamnei nhấn mạnh rằng nước ông sẽ không bao giờ từ bỏ quyền hạt nhân cũng như không làm bất kỳ điều gì để làm hài lòng kẻ thù của mình. Việc Mỹ sẽ có hành động dứt khoát đối với vấn đề hạt nhân của Iran trong năm 2010 là điều không thể tránh khỏi bởi Mỹ đã cảnh báo về những biện pháp trừng phạt mới nếu Iran không chấp nhận đề xuất trao đổi nhiên liệu hạt nhân vào cuối năm 2009.
 
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
 
Hiện vẫn chưa rõ là các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có được nối lại vào năm 2010 hay không.
 
Trở ngại chính của quá trình này chính là sự bất đồng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ về việc ai nên đi bước đi đầu tiên. Triều Tiên nhấn mạnh một mối quan hệ hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên phải được thiết lập trước trong khi Mỹ khăng khăng cho rằng Triều Tiên nên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này trước.
 
Tuy nhiên, cả hai bên gần đây đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng quay trở lại đối thoại và hợp tác thay vì dùng cách đối đầu như trước đây.
 
Các cuộc đàm phán 6 bên không nghi ngờ gì nữa sẽ là cách thức tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và tất cả các bên đều thể hiện mong muốn nối lại các cuộc đàm phán này. Các nhà phân tích cho rằng các bên nên tập trung vào xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên khi các cuộc đàm phán được nối lại.
 
Tranh chấp trong nội bộ Palestine
 
Palestine sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử và bầu chọn tổng thống vào tháng 1 năm 2010. Nhiều người hy vọng cuộc tổng tuyển cử này sẽ mang đến sự hòa giải giữa các phe phái trong nội bộ Palestine và từ đó sẽ giúp tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel.
 
Cuộc tổng tuyển cử ban đầu được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/1 nhưng đã bị hoãn lại đến tận tháng 6 do những tranh cãi giữa các đảng phái khác nhau ở Palestine.
 
Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, đang đối mặt với nguy cơ thất bại ngày càng cao trước đối thủ Fatah do lực lượng này đang giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri nhờ vào chính sách chống tham nhũng và các chính sách cải cách khác. Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo phong trào Fatah – ông Mahmoud Abbas tỏ ra miễn cưỡng khi tham gia tranh cử đang phủ một đám mây đen lên triển vọng của phong trào này.
 
Trong tương lai gần, bên nào thắng không là vấn đề bởi cuộc bầu cử sẽ giúp củng cố sự thống nhất và giải quyết những tranh chấp trong nội bộ người dân Palestine. Tuy nhiên, về lâu về dài, chỉ một chính phủ Palestine thống nhất mới có thể giúp tái khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ lâu nay giữa Palestine và Israel.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ
 
Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2010 để chọn ra tất cả các thành viên của Hạ viện, 1/3 thành viên Thượng viện, một số thống đốc và các nghị sĩ bang.
 
Cuộc bầu cử sẽ là một phép thử đối với chính phủ của Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ cầm quyền. Nó cũng là một “hàn thử biểu” của các xu hướng chính trị của Mỹ.
 
Nếu Đảng Dân chủ đạt kết quả tốt điều đó sẽ giúp Tổng thống Obama tiếp tục tiến hành các chính sách cải cách. Nếu không, chính quyền của ông Obama sẽ mất động lực.
 
Tổng tuyển cử ở Anh
 
Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước tháng 6 năm 2010 với Đảng Lao động cầm quyền đang phải đối mặt với nguy cơ thất bại trước Đảng Bảo thủ.
 
Đảng Lao động đã cầm quyền ở Anh từ năm 1997 và đang ngày càng có nhiều người dân Anh hy vọng nhìn thấy một sự thay đổi trong bản đồ chính trị của nước này.
 
Scandal chi tiêu của một nghị sĩ, cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đảng cầm quyền. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Bảo thủ đang dẫn đầu Đảng Lao động với khoảng cách 2 con số.
 
Ông Nigel Inkster, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, cho rằng một chính phủ do Đảng Bảo thủ lãnh đạo sẽ thực thi nhiều chính sách đối ngoại thực dụng hơn. Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng nếu chiến thắng, cả hai đảng đều sẽ tập trung chính sách đối nội vào việc cắt giảm thâm hụt và tăng số việc làm.
 
Tình hình chính trị của Nhật Bản
 
Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè năm 2010. Hoạt động của Đảng Dân chủ (DPJ) sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của Nhật Bản.
 
Đảng DPJ đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 8 vừa rồi, mở ra một thời kỳ mới trong nền chính trị Nhật Bản kể từ thế chiến II.
 
Tỉ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Hatoyama đã bị ảnh hưởng bởi những báo cáo giả mạo về nguồn quỹ chính trị của đảng DPJ và sự thiếu tiến bộ trong việc giải quyết căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đảng DPJ chiến thắng với khoảng cách khá xa so với các đảng phái khác có nghĩa là đảng này không thể bị đe dọa trong tương lai ngắn hạn.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Cảnh sát bảo vệ trụ sở Bộ Tư pháp hôm 29-12 khi các nghi can trong vụ thảm sát ở Maguindanao được đưa tới đây để phục vụ cho cuộc điều tra

Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo ngày 29-12 đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Maguindanao, Sultan Kudarat và thành phố Cotabato nhằm giúp chính quyền các nơi này duy trì trật tự và hòa bình.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga - Ukraine xua tan mối lo ngại của châu Âu.

Sau nhiều lo ngại khi xuất hiện những “căng thẳng mới” trong quá trình hợp tác về năng lượng giữa Nga và Ukraine, vào cuối ngày 28-12, hai nước đã đạt thỏa thuận về các điều kiện vận chuyển dầu khí từ Nga sang các khách hàng châu Âu, quá cảnh lãnh thổ Ukraine trong năm 2010.

Thủ tướng Vladimir Putin hôm qua tuyên bố Nga cần xây dựng hệ thống vũ khí tấn công mới để tạo đối trọng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ một nghi can cực đoan xứ Basque ở thành phố San Sebastian.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha vừa lên tiếng cảnh báo nhóm li khai xứ Basque ETA có thể sẽ thực hiện một vụ tấn công quy mô lớn, hoặc một vụ bắt cóc táo bạo khi Tây Ban Nha lên làm chủ tịch Liên minh châu Âu (EU).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục