Tuấn Nghĩa và những vẻ đẹp tinh khôi

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2013 | 8:39:06 AM

YBĐT - Nói tới nghệ thuật nhiếp ảnh Yên Bái trong những năm gần đây không thể không kể tới Tuấn Nghĩa. Anh đã có những thành công nhất định và tạo cho mình được một nét riêng trong sáng tạo nghệ thuật.

Tuấn Nghĩa trong một chuyến đi sáng tác ở Mù Cang Chải.
Tuấn Nghĩa trong một chuyến đi sáng tác ở Mù Cang Chải.

Tuấn Nghĩa từng tâm sự, anh đam mê nhiếp ảnh từ thời tuổi trẻ nhưng do hoàn cảnh công tác nên chưa có thể dành hết thời gian cho loại hình nghệ thuật đòi hỏi phải có những chuyến đi thực tế sáng tác dài ngày. Anh chỉ thực sự đến được với nhiếp ảnh chưa đầy 10 năm, khi được nghỉ chế độ và tham gia vào Câu lạc bộ nhiếp ảnh Yên Bái năm 2006. Một năm sau anh đã trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, chuyên ngành nhiếp ảnh.

Từ đó đến nay, như để bù lại quãng thời gian đã mất, anh lao vào sáng tác, miệt mài với những chuyến đi xa, thử sức mình trên nhiều loại đề tài. Tác phẩm ảnh của Tuấn Nghĩa xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ trong phạm vi Yên Bái, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc mà còn vươn tới tầm quốc gia.

Gần 50 tác phẩm được trưng bày trong các triển lãm ảnh khu vực và toàn quốc; trong đó có 3 tác phẩm đoạt Huy chương Đồng khu vực, 1 giải khuyến khích toàn quốc, 1 huy chương Đồng cuộc thi ảnh “Việt Nam - vẻ đẹp” bất tận, 3 giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái hàng năm và nhiều giải thưởng khác trong các cuộc thi ảnh do Báo Yên Bái và các ngành tổ chức đã phần nào nói lên những thành công của anh Tuấn Nghĩa.

Tuấn Nghĩa là một người hăng hái với những chuyến đi xa. Bàn chân anh đã in dấu trên nhiều miền Tổ quốc, từ Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang… ghi lại một Tây Bắc hùng vĩ mà trữ tình đến phương Nam, qua những Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu và Cà Mau đất mũi, Phú Quốc… Điều đó làm cho ảnh của Tuấn Nghĩa không chỉ phong phú về đề tài mà còn có chiều sâu về nội dung tư tưởng, lại được tái hiện và sáng tạo với một tâm hồn giàu cảm xúc cộng với kỹ thuật bố cục, xử lý ánh sáng và lựa chọn góc độ, thời điểm bấm máy thích hợp đã tạo nên các tác phẩm ảnh có tính hình tượng.

Trong cái diện rộng đề tài ấy, ta có thể thấy những điểm sáng, đó là những mảng đề tài tâm huyết nhất của anh. Theo tôi, nó vẫn là sắc màu vùng cao mà cụ thể hơn là sắc màu vùng cao Mù Cang Chải và Mường Lò - Nghĩa Lộ. Mù Cang Chải, vùng đất “gỗ khô” xưa, hôm nay đang từng bước đổi thay, ruộng bậc thang cũng đã là Danh thắng cấp quốc gia; con người Mù Cang Chải đã được nói tới nhiều trong văn chương nhưng qua các tác phẩm ảnh: “Thiếu nữ Mông”, “Hoa núi”, “Hương lúa”, “Vào vụ”… của anh, vẫn đem đến cho công chúng, độc giả  một cái nhìn mới, một cảm xúc mới. Ở những tác phẩm ấy, Tuấn Nghĩa không chỉ phản ánh cái đẹp, cái hùng vĩ, thơ mộng - những  “mâm xôi” vàng, những “đường cong” vàng của ruộng bậc thang mà qua đó còn toát lên những vẻ đẹp của người sáng tạo ra nó để trở thành danh thắng.

Độc giả cảm nhận được làm ruộng  bậc thang không chỉ là một hoạt động sản xuất nông nghiệp mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa, văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc, vùng cao, đặc biệt là người Mông Mù Cang Chải. Để có được những tác phẩm ấy, anh đã qua bao nhiêu con đèo, khe suối đến từng bản làng, từng vạt ruộng bậc thang Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn… vào những thời điểm khác nhau, từ lúc làm đất, tích nước, tới mùa cấy, mùa gặt; trò chuyện, tâm sự với các nhân vật; kiên nhẫn chờ đợi những thời điểm có ánh sáng thích hợp mới bấm máy. Mỗi tác phẩm có được đều là sản phẩm của sự lao động nghệ thuật đích thực.

Cùng với ruộng bậc thang và cuộc sống của đồng bào Mông Mù Cang Chải, những sắc màu thiên nhiên và con người của vùng đất Mường Lò - Nghĩa Lộ, một địa danh được coi là vùng đất tổ của người Thái đen, một vùng quê trù phú, giàu bản sắc văn hóa cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của Tuấn Nghĩa.

Mỗi khi nhìn những tấm ảnh của anh về Mường Lò, tự nhiên trong tâm hồn tôi lại ngân nga lên giai điệu cảm xúc thật khó tả, giống như khi ta nghe câu thơ của Hoàng Hạnh viết về Mường Lò: Chiều xuống, nắng thu vàng như mật… / Cánh đồng Mường Lò đang vào mùa gặt…/ Suối Thia kể chuyện tình yêu ngày trước/ Bờ núi Hoàng Liên mây trắng ngang trời…/ “sống chụ xôn xao” thêm vần thêm điệu/ Đêm xòe Thanh Lương xao xuyến hội mùa …”. Phải chăng đó là hồn vía của Mường Lò được phản ánh bằng các thể loại nghệ thuật khác nhau nhưng đều đi tới cái đích cuối cùng của nó?

Tác phẩm  “Tắm suối”, đây có lẽ là tác phẩm thành công nhất của anh vẻ đẹp ấn tượng rất mạnh mẽ làm siêu lòng người không chỉ là vẻ đẹp hồn nhiên, tinh khôi, dân dã của các cô gái Thái, của dòng Thia thơ mộng, trữ  tình mà nó còn toát lên những bản sắc văn hóa, những giá trị nhân bản độc đáo của một tộc người. “Tắm suối”, nuy mà không tục, nó không gợi lên những cảm xúc nhục dục mà hướng con người tới những giá trị nhân bản, nguồn cội cần phải giữ gìn trước sự xâm thực của những luồng văn hóa ngoại lai phản nhân bản.

 

“Tắm suối - một tác phẩm tiêu biểu của Tuấn Nghĩa.

Có thể ví những chuyến đi lặn lội, săn tìm, ghi lại những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người vùng cao ấy của Tuấn Nghĩa chẳng khác nào như người địa chất đi tìm kiếm những vỉa than, vỉa vàng ẩn náu trong lòng đất. Nhưng đó mới chỉ là quặng. Sản phẩm sau mỗi chuyến đi ấy được anh  được anh miệt mài suy ngẫm tìm ra ý tưởng nhân sinh, gửi gắm cảm xúc, bằng sự gọt giũa, trau chuốt về kỹ thuật để tạo thành tác phẩm nghệ thuật, chuyển tới độc giả nhiều thông điệp cuộc sống.

Tuấn Nghĩa tâm sự, cơ duyên đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của anh không phải là một sự tình cờ. Nó trước hết là những cảm xúc, là tình yêu của anh với những vẻ đẹp của thiên  nhiên và cuộc sống con người xung quanh  mình và khát khao được phản ánh nó bằng nghệ thuật nhiếp ảnh đã ngấm vào trong máu thịt. Khi có điều kiện anh đã sống hết mình với những đam mê của mình.

Anh chia sẻ: “Mình mong muốn làm sao qua những tác phẩm không chỉ ghi lại những gì đã có mà còn cả những điều muốn có  và sẽ có. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp đấy nhưng phải làm sao giữ gìn mãi được những “nấc thang vàng” ấy, làm sao để danh thắng ruộng bậc thang  Mù Cang Chải góp phần kết nối con người. Muốn vậy, điều quan trọng là phải bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên, phải giữ được nguồn nước cho ruộng bậc thang trước những biến đổi của khí hậu. Cũng cần thay đổi tập tục canh tác của người Mông, từ cấy một vụ sang hai vụ trong năm, vừa tăng nguồn lương thực cho đồng bào, vừa tạo điều kiện cho các tay máy có nhiều thời điểm sáng tác”. Suy nghĩ đó của anh cũng là trách nhiệm công dân của một nghệ sỹ chân chính.

Ở tuổi lục tuần rồi nhưng Tuấn Nghĩa vẫn dồi dào cảm xúc, sức khỏe cho niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh của mình. Anh vẫn đầy hăm hở trong những chuyến đi thực tế sáng tác, vẫn trăn trở tìm một góc máy mới cho những hình ảnh quen thuộc, để không có sự lặp lại trong sáng tạo. ở anh đang có nhiều yếu tố thuận trên con đường nghệ thuật của mình. Hy vọng rằng anh còn đi xa hơn, không chỉ có “đồng” mà còn phải là “bạc”, là “vàng”; không chỉ là giải thưởng trong cuộc thi mà còn là giải thưởng ở lòng bạn bè và độc giả gần xa.

  Hiền Lương

Các tin khác

YB T - “Đối với tôi, công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra, giám sát hàng năm của ủy ban kiểm tra đối với cấp cơ sở không phải để tìm ra các sai phạm mà giúp cho việc phát huy tốt vai trò lãnh đạo trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương” - đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Tuyết Lợi - cán bộ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) phường Hồng Hà.

Các cô giáo chăm sóc, yêu thương trẻ như con của mình.

YBĐT - Vượt qua thiếu thốn đủ bề nơi vùng cao, các cô giáo Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã hết lòng vì sự nghiệp ươm những mầm non của núi rừng.

Ông Trần Đình Vũ chăm sóc vườn cây ăn quả.

YBĐT - Chuyện về cựu chiến binh, thương binh Trần Đình Vũ - người tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ruộng, vườn để làm đường giao thông nông thôn ở thôn 1, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) là tấm gương được mọi người nể phục và trân trọng.

Ông Đông chăm sóc đàn vịt của gia đình.

YBĐT - Đến thôn Yên Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) hỏi về ông Bùi Văn Đông, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết tường tận, bởi với mọi người, ông Đông là một trong những tấm gương giáo dân tiêu biểu biết cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, "sống tốt đời, đẹp đạo".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục