Thơm thảo tấm lòng

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2013 | 9:01:02 AM

YBĐT - Chuyện về cựu chiến binh, thương binh Trần Đình Vũ - người tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ruộng, vườn để làm đường giao thông nông thôn ở thôn 1, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) là tấm gương được mọi người nể phục và trân trọng.

Ông Trần Đình Vũ chăm sóc vườn cây ăn quả.
Ông Trần Đình Vũ chăm sóc vườn cây ăn quả.

Mua bán, đổi chác đất đai tại vị trí đắc địa ở một trung tâm chăm sóc sức khỏe trong tương lai có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Yên Bái cũng như của cả khu vực Tây Bắc là chuyện thường tình. Nhưng chuyện về người tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ruộng, vườn để làm đường giao thông nông thôn cũng trên chính khu vực đất đai đang "nóng” lên hàng ngày về giá cả cũng đáng để cho chúng ta trân trọng, mến phục. Đó là tấm gương của cựu chiến binh, thương binh Trần Đình Vũ ở thôn 1, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái).

Đầu xuân 1968, ông Trần Đình Vũ khi đó ở tuổi 20 đã tình nguyện nhập ngũ. Năm 1974, trong một trận chiến đấu ác liệt trên đất bạn Căm-pu-chia, ông bị thương, phải đưa ra Bắc chữa trị. Sau khi lành vết thương, qua giám định, ông được xếp hạng thương binh 4/4. Không đủ sức khỏe về đơn vị cũ, ông được điều về làm cán bộ khung tại Trường Văn hóa Quân khu 3.

Năm 1983, ông xin nghỉ mất sức. Trở về nhà, ông luôn động viên vợ con cải tạo đất hoang hóa để trồng lúa, trồng sắn, hoa màu, giải quyết cái đói trước mắt, gắng nuôi con ăn học và làm nhà. Sau bao gom góp dựng được bốn gian nhà gỗ lợp lá thì đến năm 1985, chỉ trong chốc lát, do bất cẩn, các con ông đã thiêu trụi căn nhà mới khánh thành chưa được hai tháng. Từ đống tro tàn, ông lại động viên gia đình làm lại từ đầu.

Đến nay, gia đình ông Vũ có một trang trại với 1ha bồ đề mới cho thu hoạch trên 50 triệu đồng; 2ha chè mỗi năm cũng cho thu trên dưới 25 triệu đồng; 2 lồng cá nuôi thả trên Đầm Dong thu gần 30 triệu đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Lộc có 6 công trình với quy mô lớn của tỉnh và thành phố, riêng thôn 1 có 4 công trình là Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Bệnh viện Lao, Trường Cao đẳng Y tế, khu tái định cư của thành phố. Vì thế, giá đất mặt đường quốc lộ 32c đi qua và các tuyến đường vùng ven các công trình cũng vọt lên nhanh chóng theo tiến độ thi công các công trình.

Đầu năm 2012, thực hiện chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí mới, việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông gặp không ít khó khăn. Tuyến đường từ quốc lộ 32c đi vào Đầm Găng dài trên 700m chỉ cách các công trình vài trăm mét được Nhà nước đền bù tối thiểu đất ruộng là 25.000 đồng/m2, đất vườn cận kề 75.000 đồng/m2, chưa kể số tiền được Nhà nước hỗ trợ tái định cư, còn đất đai để mở rộng mặt đường của xã lại không có sự hỗ trợ nào.

Trong số gia đình phải mất nhiều đất nhất cho tuyến đường có gia đình ông Trần Đình Vũ. Ông tuổi đã cao lại là đối tượng chính sách nhưng khi chính quyền địa phương đặt vấn đề thì ông chính là người ủng hộ nhiệt tình nhất. Trong các cuộc họp bàn, tiếng nói của ông thuyết phục nhất vì ông đã tình nguyện hiến cho địa phương 234m2 đất và ủng hộ thêm 4 triệu đồng để bê tông hóa đường giao thông. Ông vận động bà con trong thôn bằng chính việc làm cụ thể của mình và suy nghĩ giản dị.

Ông tâm sự: "Đời mình vất vả đã nhiều rồi, bây giờ phải nghĩ đến tương lai cho con, cho cháu sau này. Nhà mình có đóng góp, hiến đất cho địa phương làm đường cũng là để bà con, con cháu mình đi lại đỡ khổ, nhất là vào mùa mưa thì cũng chẳng tính toán thiệt hơn làm gì". Ông đã đến vận động từng nhà nên chỉ trong thời gian ngắn, 11 gia đình đã đồng tình, ủng hộ cho địa phương 757m2 đất  để hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ. Thành công đó đã thúc đẩy quyết tâm của nhân dân trong thôn tiếp tục hiến đất, nối dài thêm 650m đường vào Đầm Dong trong năm tới.

Lại Tấn

Các tin khác
Ông Đông chăm sóc đàn vịt của gia đình.

YBĐT - Đến thôn Yên Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) hỏi về ông Bùi Văn Đông, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết tường tận, bởi với mọi người, ông Đông là một trong những tấm gương giáo dân tiêu biểu biết cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, "sống tốt đời, đẹp đạo".

Anh Phạm Văn Đông (thứ 2, phải sang) trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm tra Đảng với các đồng nghiệp.

YBĐT - Anh Phạm Văn Đông hiện là Phó bí thư Thường trực Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Dù ở cương vị công tác nào anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp và nhân dân thị trấn vùng cao tin yêu.

Các em học sinh bán trú tiểu học được các cô thường xuyên vệ sinh, chăm sóc sức khỏe.

YBĐT - Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuất hiện nhiều gương điển hình của nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên trên mọi lĩnh vực của ngành. Các chị đã vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, thu xếp công việc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kiên trì bám lớp, bám trường, giữ vững phẩm chất cao đẹp của nhà giáo, nêu gương sáng cho học sinh noi theo.

Một giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu.

YBĐT - Quyết tâm học cho bằng được cái chữ để mang kiến thức về dựng xây bản làng ngày càng ấm no, tiến bộ, dòng họ Giàng ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã vượt lên khó khăn mưu sinh, chắt chiu từng dòng nội lực động viên con em học hành tiến bộ và dòng họ này trở thành điểm sáng trong phong trào hiếu học của xã Trạm Tấu và huyện Trạm Tấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục