Hơn cả ước mơ

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2013 | 8:37:28 AM

YBĐT - Cậu sinh viên sinh năm 1992, nhà ở mãi tận xã vùng cao đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có dáng người thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng bù lại, Páo có ánh mắt rất sáng, toát lên vẻ thông minh, lanh lợi hiếm gặp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh nhân dịp khai giảng năm học 2013 - 2014.   (Ảnh: Văn Tuấn)
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh nhân dịp khai giảng năm học 2013 - 2014. (Ảnh: Văn Tuấn)

Khó có thể diễn tả hết cảm giác vừa bất ngờ, vừa thú vị, thậm chí có đôi chút tò mò của tôi khi được giới thiệu đến gặp và thực hiện bài viết về một cậu sinh viên người dân tộc Mông đang theo học lớp Tiểu học 13a, Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Bất ngờ, thú vị, tò mò vì tôi được biết, Vàng A Páo mới là sinh viên năm thứ nhất, theo học tại trường chưa được bao nhiêu thời gian mà đã được các thầy cô giáo quan tâm, giới thiệu như một tấm gương điển hình về học tập và đạo đức tốt...

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Páo rất lạ. Cậu sinh viên sinh năm 1992, nhà ở mãi tận xã vùng cao đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng của huyện Trạm Tấu, có dáng người thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng bù lại, Páo có ánh mắt rất sáng, toát lên vẻ thông minh, lanh lợi hiếm gặp. Em cho biết, em là anh cả trong một gia đình có 4 anh chị em, thuần nông và vừa mới được “thoát nghèo” từ năm 2010.

Tuổi thơ của Páo gắn liền với núi rừng và những thửa ruộng bậc thang ở vùng cao, “được” chứng kiến cuộc sống cơ cực phải lo từng bữa cơm độn ngô, độn sắn kèm măng ớt của người Mông, “được” trải nghiệm thế nào là những cơn đói giữa rừng, những trận mưa lạnh thấu xương những đêm đông giá rét trong căn nhà gỗ tuềnh toành trên đỉnh Chống Chùa...

Cũng lớn lên giữa núi rừng như Páo, nhiều bạn bè của em đã phải bỏ học giữa chừng để giúp bố mẹ đi làm nương, làm rẫy. Bằng tuổi em bây giờ nhiều bạn ở nhà đã xây dựng gia đình riêng, có đến 2 - 3 mặt con... Nhưng với Páo, “Em nghĩ rằng nếu không đi học, không cố gắng “chạy” theo con chữ thì suốt đời, suốt kiếp sẽ không bao giờ bước được ra khỏi cái vòng đói nghèo luẩn quẩn đó. Vì vậy, dù có gian khổ em cũng phải học, học để quay về dạy chữ cho các em và cho bà con dân bản”...

Câu nói “quay về” của Páo khiến tôi thực sự cảm thấy xúc động. Đơn giản bởi đối với Páo, sự học của em còn trên cả quyết tâm, trên cả ước mơ được một mình thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, mà sự học đó mang một ý nghĩa lớn lao hơn, là niềm hy vọng cho cả những thế hệ mai sau của Tà Xi Láng...

 

Vàng A Páo ở góc học tập tại ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Thầy giáo Phạm Xuân Thủy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm nhận xét: “Có đến trên 80% sinh viên của nhà trường là con em đồng bào dân tộc ít người, được tuyển chọn qua thi tuyển và theo các kênh ưu tiên. Riêng đối với trường hợp của em Páo, tôi được biết em thi tuyển vào trường theo diện thí sinh tự do và đã đủ điểm đỗ khi chưa cần đến điểm ưu tiên. Qua báo cáo của giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô giáo, Páo là sinh viên có ý chí học tập cao, luôn khiêm nhường và hòa đồng với bạn bè nên được mọi người rất qúy mến. Em cũng tham gia rất nhiệt tình các hoạt động đoàn thể, văn hóa thể thao của lớp và trường tổ chức”...

Được biết, những năm học THPT, vì nhà ở xa trung tâm huyện nên Vàng A Páo phải xin theo học tại Trường THPT Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn). Là học sinh người Mông, nhà nghèo, lại ở xa và phải tự lập từ rất sớm nhưng Páo luôn khẳng định được mình và không hề thua kém các bạn cùng lớp. Năm học lớp 11 và lớp 12, em đều đạt danh hiệu học sinh khá toàn diện của nhà trường.

Páo tâm sự thêm: “Tự bản thân em biết rằng điều kiện của mình khó khăn, không thể đua theo chúng bạn trong ăn mặc, sinh hoạt hàng ngày nên dù trước đây học cấp 3 cũng như bây giờ học cao đẳng, em vẫn cố gắng giữ sự giản dị và chân thành. “Đói cho sạch, rách cho thơm” - lời răn dạy ấy em mãi ghi nhớ trong lòng”...

Khi tôi hỏi Páo về những trăn trở khi vào môi trường học tập mới, em cho biết là cảm thấy rất may mắn khi được vào học tại ngôi trường này vì nơi đây có những người bạn rất gần gũi, chân tình, thầy cô giáo yêu nghề và luôn quan tâm chăm sóc cho sinh viên. Với Páo, “Nhà trường, bạn bè trong lớp coi em như người thân trong gia đình và em cũng coi nơi đây là ngôi nhà thân yêu của mình”.

Chia tay Vàng A Páo, tôi thầm mong ước mơ “trở về” của em suôn sẻ đến cùng để trên bản vùng cao trong tương lai, “thầy giáo” Vàng A Páo sẽ là một trong những cánh chim đầu đàn đưa hy vọng của con em đồng bào Mông bay cao, bay xa tới những chân trời ấm no, hạnh phúc...

Thiên Cầm

Các tin khác
Chị Dược (bên trái) phát tờ rơi truyền thông dân số cho người dân.

YBĐT - Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) từ nhiều năm nay tình trạng sinh con thứ 3 đã trở thành hy hữu, số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, nhiều gia đình tuy chỉ sinh con một bề là nữ song cũng đã yên tâm tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành... Kết quả này có được là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Dược, người đã có thâm niên hơn 10 năm làm cán bộ chuyên trách dân số.

Chị Giảng chuẩn bị lá dâu cho tằm ăn.

YBĐT - Dân gian có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý nói sự vất vả, bận rộn của nghề trồng dâu nuôi tằm. Vậy nhưng cái nghề vất vả này đang được đa số các hộ dân ở xã Tân Đồng (Trấn Yên) chọn làm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Người đi đầu và nổi bật trong phong trào này là chị Lê Thị Giảng ở thôn 5 - người đã đưa cây dâu về lại với con tằm, trở thành nữ triệu phú dâu tằm của xã.

Bà Chi (bên phải) giới thiệu về giống lúa mới đưa vào trồng vụ mùa cho năng suất cao.

YBĐT - Ở xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái), không ai là không biết mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Lương Thị Chi, thôn Thanh Niên 2. Dám nghĩ, dám làm, bà Chi đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình với thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Giàng Nhà Play (ngoài cùng bên trái) và hai người em.

YBĐT - Chế Tạo là xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 35km, giao thông đi lại hiểm trở, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. 100% dân số ở đây là người Mông với tổng số 305 hộ, 2.028 khẩu, chia làm hai dòng họ lớn là họ Giàng và họ Sùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục