Triệu phú dâu tằm

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2013 | 8:58:02 AM

YBĐT - Dân gian có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý nói sự vất vả, bận rộn của nghề trồng dâu nuôi tằm. Vậy nhưng cái nghề vất vả này đang được đa số các hộ dân ở xã Tân Đồng (Trấn Yên) chọn làm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Người đi đầu và nổi bật trong phong trào này là chị Lê Thị Giảng ở thôn 5 - người đã đưa cây dâu về lại với con tằm, trở thành nữ triệu phú dâu tằm của xã.

Chị Giảng chuẩn bị lá dâu cho tằm ăn.
Chị Giảng chuẩn bị lá dâu cho tằm ăn.

Dọc con đường từ trung tâm xã về thôn 5, đâu đâu cũng thấy một màu xanh mướt của những nương dâu. Gặp một người nông dân đang hái lá dâu nhanh thoăn thoắt, hỏi thăm nhà chị Giảng, anh vui vẻ chỉ tay về phía ngôi nhà cao nằm giữa những nương dâu: “Nhà chị Giảng đấy, to nhất ở khu này!”.

Ngôi nhà hai tầng khang trang được xây theo kiến trúc hiện đại, lớp vôi bột trắng phủ kín từ cổng vào sân rồi sang khu trại chăn nuôi tằm. Một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, dáng người dỏng cao, bước nhanh từ khu trại đi ra, trên tay là thúng lá dâu đã được thái nhỏ. Khu trang trại nhà chị rộng gần 1.000m2 được bố trí khoa học theo từng khu chuyên ươm tằm giống và nuôi tằm tơ.

Câu chuyện của chị về việc ươm tằm giống, chăm tằm tơ như thế nào; từng loại bệnh của tằm và cách phòng tránh ra sao… thực sự cuốn hút. Chị bảo, những kiến thức, kinh nghiệm này có được là kết quả của chục năm làm nghề và không ngừng học hỏi từ các lớp tập huấn, từ những lần đi học hỏi kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh.

Với mong muốn được giúp đỡ bà con trong và ngoài xã cũng làm tốt như mình, chị Giảng đã chia sẻ tất cả những kiến thức hay, kinh nghiệm quý cho mọi người. Bởi vậy, hầu như ngày nào cũng có người tìm đến chị để học hỏi. Rắc vôi bột chính là để khử trùng, phòng ngừa mầm mống bệnh dịch của tằm khi có người lạ đi vào.

Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, năm 2003, gia đình chị đã bắt tay làm mô hình nuôi tằm thử nghiệm với gần 3 sào đất trồng dâu. Do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật về cách chăm sóc nên những lứa tằm đầu tiên bị chết khá nhiều. Không nản chí, chị tiếp tục vừa học vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có bằng được thành công. Nhưng đến năm 2007, Công ty Dâu tằm tơ Trấn Yên chính thức ngừng hoạt động đã đặt dấu chấm hết cho các hộ trồng dâu nuôi tằm trong huyện. Người dân lại lầm lũi vác cuốc lên nương, nhổ bỏ cây dâu để nhường đất cho cây lúa, cây ngô, cây sắn. Rất ít hộ, trong đó có gia đình chị Giảng, vẫn quyết tâm bám nghề dù biết rằng đầu ra mờ mịt, giá cả thấp như cho không.

Năm 2008, Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên tổ chức lớp học trồng dâu, nuôi tằm theo kỹ thuật mới. Không bỏ lỡ cơ hội, chị Giảng là một trong những người đầu tiên đăng ký theo học các lớp kỹ thuật ươm tằm giống, nuôi tằm từ nong sau đó chuyển xuống nuôi dưới đất, kỹ thuật phòng bệnh và kỹ thuật chăm sóc, khử trùng nơi nuôi tằm và cách cho tằm ăn...

Cũng tại thời điểm này, đầu ra sản phẩm ổn định và giá cả ngày càng tăng đã khuyến khích được thêm nhiều hộ tham gia. Không ngừng tiếp thu kiến thức mới và mở rộng quy mô, gia đình chị Giảng đã trở thành hộ nuôi tằm nổi tiếng ở huyện Trấn Yên. Từ 2 sào đất trồng dâu ban đầu, đến nay, gia đình chị đã có 25 sào trồng dâu, lúc cao điểm phải thuê 7 - 8 lao động hái lá. Bên cạnh nuôi tằm tơ, trung bình mỗi tháng, gia đình chị còn xuất bán cho nhân dân trên 100 vòng tằm giống đảm bảo chất lượng.

Không chỉ sản xuất tằm giống và chăn nuôi tằm tơ, gia đình chị còn đứng ra bao tiêu sản phẩm kén tằm cho những hộ nuôi tằm khác trong thôn, trong xã. Với những hộ còn khó khăn, chị Giảng đầu tư giống, phân bón để tạo điều kiện bước đầu cho các hộ mới tham gia sản xuất. Chị Giảng cho biết: “Trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa nên bà con rất hào hứng. Những năm gần đây, giá kén luôn tăng, đầu ra ổn định nên bà con rất yên tâm sản xuất và ngày càng mở rộng diện tích trồng dâu”.

Hiện tại, với giá 230.000 đồng/vòng tằm giống, người nuôi chỉ bận rộn trong 14 ngày thì được thu khoảng 19 - 20kg kén. Trong một tháng, hộ nuôi nhiều có thể được tới 2 lứa, mỗi lứa 3 vòng tằm. Với giá kén hiện tại trên dưới 120.000 đồng/kg thì đây quả là một con số không nhỏ. Đến nay, xã Tân Đồng đã có 75ha trồng dâu, sản lượng kén năm 2013 ước đạt 58 tấn, thu về hơn 7 tỷ đồng.

Ông Phí Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết: "Chị Giảng là gương nông dân làm giàu tiêu biểu bằng cách trồng dâu nuôi tằm của xã và được nhiều người đến học tập”.

Không chỉ làm giàu cho mình, chị Giảng luôn chia sẻ và giúp đỡ nhiều người khác phát triển kinh tế, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của xã. Chị đã vinh dự được nhiều đơn vị, tổ chức tặng giấy khen, bằng khen và công nhận là gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền.

Tuấn Anh

Các tin khác
Bà Chi (bên phải) giới thiệu về giống lúa mới đưa vào trồng vụ mùa cho năng suất cao.

YBĐT - Ở xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái), không ai là không biết mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Lương Thị Chi, thôn Thanh Niên 2. Dám nghĩ, dám làm, bà Chi đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình với thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Giàng Nhà Play (ngoài cùng bên trái) và hai người em.

YBĐT - Chế Tạo là xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 35km, giao thông đi lại hiểm trở, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. 100% dân số ở đây là người Mông với tổng số 305 hộ, 2.028 khẩu, chia làm hai dòng họ lớn là họ Giàng và họ Sùng.

YBĐT - Được bạn bè đồng nghiệp tôn trọng, học sinh yêu quý bởi phong cách sống giản dị, tâm huyết với nghề, nhiều năm liền có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”... Đó là cô giáo Đoàn Thị Như Lan, sinh năm 1981, hiện đang công tác tại Trường THCS thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình).

Sản phẩm gạch bê tông của gia đình chị Nguyễn Thị Vi.

YBĐT - Làm giàu chính đáng, chị Vi còn luôn sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ mọi người về kinh nghiệm làm ăn, giống, vốn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục