Tự hào anh giải phóng quân
- Cập nhật: Thứ tư, 30/4/2014 | 9:31:15 AM
YBĐT - Cả nước đang hướng về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014); tôi cũng có cách kỷ niệm của riêng mình. Đó là về quê hương Trấn Yên gặp lại những chiến sỹ giải phóng năm nào, những người lính xông pha trước bom đạn kẻ thù để non sông thu về một mối như ước nguyện của Bác Hồ và toàn dân tộc Việt Nam.
Cựu chiến binh Tiểu đoàn Yên Ninh - Yên Bái kể chuyện chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh: Phạm Đăng Khoa)
|
Vượt lũ lịch sử trong đội hình ra trận...
Đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, người cán bộ, đảng viên đã trải qua nhiều cương vị công tác với bao kỷ niệm đáng nhớ nhưng đúng như anh tâm sự: “Chuyện lính bao giờ cũng nhớ nhất, rôm rả nhất”.
Anh kể: 18 tuổi tôi vào bộ đội, nhập ngũ ngày 22/8/1971 đúng ngày lũ lịch sử. Đường từ Chiến khu Vần - Dọc lên Huyện đội nước ngập trắng, anh em tân binh phải bơi, lội rất vất vả, nguy hiểm mới đứng vào hàng quân được đúng giờ. Sau huấn luyện, tôi được biên chế vào C2, K9, E66, F10 chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trong suốt cuộc chiến, chúng tôi phải đối chọi với Sư đoàn 23 ngụy, một sư đoàn tinh nhuệ, trang bị hiện đại có nhiệm vụ trấn giữ các cao điểm thuộc phía Bắc và Tây tỉnh Kông Tum.
Nhờ có sức khỏe tốt, tôi được biên chế vào khẩu đội cối 82 và đơn vị K9 của chúng tôi luôn bám sát cùng C19 đặc công và các đơn vị bộ binh khác chuyên làm nhiệm vụ “mở cửa”, áp sát địch (đánh mở cửa, đi tuyến đầu). Huấn luyện xong, chúng tôi vượt Trường Sơn đến Tây Nguyên, chưa quen với nắng nóng, mưa rào đã phải tham chiến trận đầu Play Cần hết sức ác liệt. Kỹ năng chiến đấu ngày càng dày thêm qua hàng chục trận đánh như điểm cao 701, 702, Ngọc Bay, Ngọc Quàn...
Có thể nói, đời lính không thể nào quên, trận đánh nào cũng rất đáng nhớ nhưng trận đánh cao điểm 601 Công Tum là đáng nhớ nhất. Trước hết phải nói là cao điểm 601 được ngụy xây dựng khá kiên cố, bố trí lực lượng rất tốt và trang bị nhiều hỏa lực mạnh như cối 81, 106,7 ly, các ụ trung liên, đại liên, có trực thăng AD6 yểm trợ. Nhận lệnh, ngay trong đêm chúng tôi băng rừng, đầm lầy rồi đường 14 an toàn trước 4 giờ sáng. Lúc này, chúng tôi đã cách hàng rào thép gai địch khoảng trên dưới 60m.
Trận địa xây dựng xong, anh em ăn cơm nắm rồi nghỉ ngơi chờ lệnh. Đến khoảng hơn 12 giờ trưa, tôi đang làm nhiệm vụ cảnh giới cho các đồng nghỉ thì phát hiện có một đại đội địch đang đi tuần tra, trinh sát. Khoảng cách đã quá gần, tôi chỉ kịp báo cho anh em rồi xiết cò súng, loạt AK nổ rền giữa toán lính đi đầu; một đồng chí may mắn bắn trúng bộ đàm 2W khiến chúng không thể gọi chi viện. Bị bất ngờ, lại đi đúng vào trận địa ta nên cả đại đội địch bị tiêu diệt gọn, phía ta không bị tổn thất nào.
Đến 5 giờ chiều, ba phát pháo hiệu bắn lên trời xanh, xóa tan sự tĩnh lặng, đó là mệnh lệnh các cánh quân đồng loạt nổ súng đánh địch đúng như phương án tác chiến đã họp bàn từ trước. Đầu tiên là pháo, tiếp đến là DKZ, vào cuối cùng là trung liên, đại liên, B40, B41... Cao điểm 601 với nhiều lô cốt, điểm hỏa lực mạnh của địch đã chìm trong biển lửa, quân ta ào lên tấn công, đến chập tối ta đã làm chủ hoàn hoàn điểm cao 601.
Vừa giành chiến thắng, chúng tôi đã nhận lệnh rút ngay khỏi trận địa, lính trẻ như chúng tôi rất ngỡ ngàng, chỉ biết có lệnh là rút mà đâu biết rằng địch biết 601 thất thủ sẽ dùng không quân trả thù. Đúng như cấp trên đã nhận định, hôm sau máy bay địch điên cuồng ném bom vào vị trí mà chúng tôi vừa rút. Một tiểu đoàn địch cơ động bằng đường bộ trên đường 14 với ý định cứu 601 nhưng ta đã kịp phát hiện, bố trí tiểu đoàn 9 của chúng tôi chặn đánh và chúng tôi cũng chiến đấu rất hiệu quả, xóa sổ tiểu đoàn địch trong thời gian rất ngắn mà không chịu tổn thất gì. Thành tích đặc biệt này đã được Nhà nước ghi công, Tiểu đoàn 9 được tặng thưởng huân chương ngay khi tiếng súng vừa ngớt.
Tan tành"thép gai"
Đời lính của thầy giáo, chiến sỹ, thương binh Hứa Mai Hồng ở thị trấn Cổ Phúc gắn liền với nhiều trận đánh lớn. Anh có cả trăm, cả nghìn câu chuyện kể cho chúng tôi nghe; đặc biệt, anh còn có cuốn nhật ký thời chiến thấm bao mồ hôi, nước mắt và máu. Câu chuyện nào của anh cũng cuốn hút người nghe.Ví như, chuyện hai anh em ruột là Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Văn Lai nhà ở Trấn Yên, vào bộ đội năm trước, năm sau nhưng mỗi người một đơn vị, buổi đầu gặp nhau ngay tại trận đánh Đắk Pét, khi hai đơn vị hiệp đồng chiến đấu. Vừa gặp nhau, chưa hỏi được chuyện gì thì anh Thông đã anh dũng hy sinh.
Cựu chiến binh Hứa Mai Hồng (thứ 3, phải sang) cùng các bạn chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.
Chuyện anh Nguyễn Văn Toàn, một chàng trai Hà Nội rất dũng cảm, ôm giá mìn vào phá hàng rào địch, bị mắc phải dây thép gai không gỡ được nhưng anh vẫn quyết định cho mìn nổ, chấp nhận hy sinh để phá hàng rào, mở đường cho bộ đội ta tiến công. Hàng rào thép gai hoặc bê tông cốt thép của địch rất kiên cố, riêng thép gai có các loại 3 lớp, 6 lớp và 9 lớp (mỗi lớp là các vòng thép gai có đường kính khoảng 80cm, 6 lớp có nghĩa là dưới có 3 lớp, giữa có 2 lớp, trên cùng 1 lớp). Muốn vào được đồn địch phải vượt qua hàng rào, muốn phá được hàng rào ta chỉ có thể dùng các giá mìn DH 10. Tôi chuyên làm nhiệm vụ kiểm tra các giá mìn trước khi giao cho anh em.
Cứ điểm Đắk Pét địch dùng hàng rào 6 lớp, ta dùng giá mìn ghép 2 quả là phá tan. Sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuật) địch dùng hàng rào 9 lớp, ta dùng giá mìn 3 quả là phá được. Trận đồi A1 Đắk Pét, trước công sự tường hộp bê tông vững chắc của địch, anh Nguyễn Xuân Mem ôm giá mìn gồm 5 kg thuốc ốm sát vào tường cho nổ một phát là tan tành. Anh dũng chiến đấu, đồng chí Hứa Mai Hồng bị nhiều thương tật, đến năm 1979 anh được phục viên chuyển ngành về công tác tại huyện Trấn Yên.
Vẻ hiền hậu, anh tâm sự: “Nhiều bạn đồng ngũ còn ở lại đơn vị giờ trưởng thành lắm như: Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỳ, thiếu tướng Hoàng Văn Toái, thiếu tướng Nguyễn Lục Quốc, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ và nhiều sỹ quan cao cấp khác… Mình sức yếu cởi áo lính lại về với nghề dạy học, thuốc Nam”.
15 phút bắn 14 quả B40
Bạn bè đồng ngũ thuộc C3, K7, E66 rất khâm phục đồng chí Bùi Văn Lục quê ở Đồng Quýt, Bảo Hưng, Trấn Yên. Anh sinh năm 1948, vào bộ đội năm 1972, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.
Cựu chiến binh Bùi Văn Lục cùng cháu nội bên tấm Huân chương Chiến công được trao ngay tại chiến trường.
Anh Lục hồi tưởng: Trong trận đánh Đồi Đá - Bắc Kông Tum, một căn cứ quan trọng của Trung đoàn 95 ngụy quân. Đây là một cứ điểm rất kiên cố, hỏa lực mạnh và có một tên chỉ huy giỏi, quân ta tiến đánh Đồi Đá nhiều lần nhưng không thành, chịu khá nhiều tổn thất. Cấp trên giao nhiệm vụ cho C3, E66 và một tiểu đoàn của E 28 phải đánh chiếm cho được căn cứ này. Một ngày cuối tháng 10 năm 1973 chúng tôi tiến sát căn cứ địch, chuẩn bị trận địa, chờ lệnh nổ súng.
Khi đã có lệnh, pháo binh nổ trước, tiếp đến là 12,7 ly, cối…, quân địch bị bất ngờ nên tổn thất lớn, nhiều tên sợ hãi đã ra hàng, riêng lực lượng chỉ huy và các tên ngoan cố đã cụm lại khu chỉ huy, có các lô cốt kiên cố, dùng hỏa lực mạnh bắn lại ta; đây chính là nguyên nhân khiến những trận trước ta không khuất phục được chúng. Tình hình rất khó khăn, mũi đi trước của chúng tôi cách các lô cốt địch chỉ khoảng trên dưới 50 mét, cự ly tốt để bắn B40, B41.
Trong vòng hơn 15 phút, anh bắn liền 14 quả B40, mục tiêu là các điểm có hỏa lực mạnh của địch. Mỗi phát B40 nổ là một ụ súng của giặc câm miệng và quân ta tiến lên tiêu diệt những tên còn lại. Sau phát B40 thứ 14 tai tôi đã ù đặc, máu bắt đầu chảy ra và gần như kiệt sức. Một người lính có tầm vóc trung bình như tôi không thể bắn liền một lúc 14 quả B40, vì tiếng nổ rất lớn, sức ép rất mạnh nhưng có lẽ tôi có tố chất tốt nên chịu đựng được, hơn nữa ranh giới mong manh giữa ta và địch, giữa thắng và thua, giữa sống và chết đã giúp tôi có nghị lực để vượt qua.
Ngay sau trận đánh Đồi Đá - Kông Tum, binh nhất Bùi Văn Lực được phong hàm vượt cấp lên hạ sỹ, được tặng thưởng Huân chương Chiến công ngay tại trận địa.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Việc nào đồng chí Say cũng có mặt. Có người bảo đồng chí là “rỗi hơi” nhưng với đồng chí, việc nào có ích cho dân, cho bản là đồng chí làm bằng ý thức trách nhiệm của một người đảng viên. Người dân Bản Công gọi đồng chí bằng cái tên thân mật là: ông Say “mặt trận”
YBĐT - Trở về quê nhà từ những chiến trường, những người lính Cụ Hồ lại xông pha trên trận tuyến xây dựng quê hương, đất nước. Dù không vốn, không kinh nghiệm nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Đó là bà Đặng Thị Tuất - Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc - một khu dân cư nhiều năm qua luôn đạt danh hiệu tiên tiến.
YBĐT - Gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất khó, bằng ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo, đến nay, anh Lê Cao Nguyên đã là chủ nhân của một mô hình kinh tế vườn rừng tổng hợp với mức thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động trong thôn.