Già Giao gương mẫu làm giàu
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2014 | 8:45:40 AM
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khó, thế nhưng với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chàng thanh niên Giàng A Giao (thôn Mông Xi, xã Bản Mù) đã ngày đêm vỡ đất, khai hoang để giờ đây, trong tay người đàn ông Mông lam lũ ngày nào là những con trâu, con bò béo tốt, là những bao tải đầy ắp lúa, ngô. Bây giờ, dân làng yêu mến gọi ông với cái tên thân thuộc là già Giao.
Già Giao thường xuyên dự trữ thức ăn, rơm rạ cho đàn trâu, bò của mình trong mùa đông.
|
Đến Bản Mù, hỏi Giàng A Giao, ai cũng biết. Rồi họ chỉ vào ngôi nhà sàn 3 gian nằm giữa trung tâm xã mà nói “Nhà của già Giao đấy. Nhưng muốn gặp già thì phải xuống nhà dưới cơ”. Theo lời dân bản, chúng tôi tìm xuống ngôi nhà gỗ được làm theo đúng truyền thống của đồng bào Mông. Sau cái bắt tay làm quen, Giàng A Giao nói vội: “Đợi mình tý nhé, mình cho trâu ăn đã”. Nói đoạn, ông vội vàng lấy một bó thân cây ngô rồi tưới thêm ít nước cho con trâu đang buộc ngoài chuồng. Ông cho biết: “Mùa này, toàn bộ trâu, bò mình đều lùa lên bãi chăn thả chung của thôn. Khi nào lạnh mới mang về nhốt chuồng”.
Anh Triệu Sinh Vĩnh - Phó chủ tịch UBND xã nói thêm: “Nhà ông Giao là nhiều trâu, bò nhất xã đấy”. Cũng theo lời Phó chủ tịch xã, mặc dù có tới 9 con bò và 2 con trâu song do làm tốt công tác chăn thả, phòng chống dịch bệnh nên nhà ông Giao chưa có con gia súc nào chết vì rét và dịch bệnh.
Qua câu chuyện, được biết ngoài chăn nuôi thì Giàng A Giao còn là một trong những người có nhiều lúa, ngô nhất Bản Mù. Hỏi về chuyện này, ông cười: “Chả rõ năng suất là bao nhiêu nhưng bình quân mỗi năm nhà thu về hơn 300 bao thóc, ngô”. Đúng là nhiều thật, ở trên Bản Mù này mà có nhiều thóc thế thì phải gọi ông là “triệu phú thóc” mới đúng. Chúng tôi băn khoăn không biết làm thế nào mà ông có được nhiều thóc như thế, ông nói: “Có bí quyết gì đâu, cứ chịu khó làm thì sẽ thoát nghèo, sẽ giàu lên thôi”.
Thế rồi, qua câu chuyện, chúng tôi biết rằng, khởi nghiệp Giàng A Giao cũng nghèo, cũng khó như bao người khác. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, chàng thanh niên người Mông Giàng A Giao lấy vợ. Cuộc sống lúc đấy thật khó khăn, gia đình Giao khi ấy chỉ có sắn với ngô qua bữa. Bao lần, tận mắt chứng kiến nhiều gia đình bà con trong xã, trong bản rời bỏ Mông Xi, rời bỏ Bản Mù đi tìm miền đất mới nhưng Giàng A Giao luôn nghĩ: Đất này là đất tốt, bố mẹ đẻ ra ở đây thì mình sẽ mãi ở đây. Giao bàn với vợ, giờ muốn thoát nghèo thì trước hết phải no cái bụng đã, mà muốn vậy thì phải có nhiều ruộng, trồng nhiều lúa.
Nghĩ là làm, vợ chồng Giao ngày đêm lặn lội xuống tận khu vực Mảnh Tào (theo cách gọi của người địa phương), gần suối Bản Mù để vỡ đất khai hoang. Cứ thế, trong 6 năm trời, vợ chồng Giàng A Giao vừa thâm canh, vừa khai hoang, được gần 3ha ruộng. Có đất, có ruộng, Giàng A Giao tập trung gieo cấy những giống lúa có năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt như: ĐS1, Nhị ưu 838. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên những thửa ruộng của Giàng A Giao luôn cho năng suất cao.
Từ chỗ có lúa, có ngô, ông mạnh dạn nuôi thêm lợn, gà để có thêm thu nhập. Hiện, lúc nào trong chuồng Giàng A Giao cũng có 40 con lợn và trên 100 con gia cầm. Từ là hộ nghèo, thiếu thốn trăm bề nhưng với suy nghĩ và cách làm đúng hướng, giờ đây Giàng A Giao đã trở thành một trong những gia đình có kinh tế vào loại khá giả nhất nhì ở Bản Mù với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Giao còn năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động của thôn, của xã. Ông tự sắm một bộ loa, míc để thuận tiện mỗi khi có việc cần thông báo với người dân, từ việc vận động bà con làm đường, không thả rông gia súc, chuyển đổi lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô…
Nghe lời ông mà cuộc sống của bà con trong thôn đỡ khó khăn hơn. Cũng vì lẽ đó, nhiều năm liền ông được nhân dân và chính quyền tin tưởng bầu làm trưởng ban công tác Mặt trận thôn và là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Ở thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái), chàng thanh niên Đỗ Văn Thiệp không chỉ được mọi người biết đến là người kế nghiệp mô hình nuôi ong lớn nhất nhì trong vùng mà còn vì cái tính cần mẫn, kiên nhẫn như những chú ong. Bà con trong thị trấn thì bảo rằng, chẳng thấy anh nói to bao giờ, thanh niên giờ như cậu ấy thì hiếm đấy...
YBĐT - Ở cái tuổi “U53”, mái tóc đã bắt đầu điểm bạc, đôi chân cũng không còn khỏe như trước, song với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Nguyễn Thị Ân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Thành (huyện Yên Bình) hàng ngày vẫn tận tâm, tận tụy với công việc, không ngại khó khăn, đi tuyên truyền, vận động chị em khắp các thôn bản thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động công tác Hội.
YBĐT - Những năm qua, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhờ những đồng vốn vay ở Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và tích luỹ trong gia đình, ông Hoàng Văn Sơn - hội viên Hội Nông dân ở Chi hội bản Nà Lóng, xã Tú Lệ (Văn Chấn) đã đầu tư vào mua giống trâu, bò, lợn về nuôi và phát triển kinh tế từ chăn nuôi, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành khấm khá.
YBĐT - Cả thôn Cát Tường cũng như xã Kiên Thành (Trấn Yên), mọi người đều biết và kính trọng ông Hoàng Đình Hiền- dân tộc Tày - Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) xã luôn mẫu mực, tiên phong trong mọi phong trào của thôn, của xã.