Dòng họ Sa hiếu học
- Cập nhật: Thứ ba, 14/10/2014 | 9:05:34 AM
YBĐT - Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau trên mảnh đất thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn), những người trong dòng họ Sa đã tự thân vươn lên, “neo” lấy con chữ để trở thành người có ích cho quê hương, đất nước. Tinh thần hiếu học ấy đã trở thành một nét đẹp, một niềm tự hào của mỗi người trong dòng họ.
Ông Sa Hữu Văn (phải) và ông Sa Quang Huy (trái) ôn lại truyền thống hiếu học của dòng họ mình.
|
Có nguồn gốc từ huyện Đả Bắc, tỉnh Hòa Bình chuyển đến thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh từ thế kỷ XIX, lúc đầu họ Sa chỉ có vài hộ gia đình đến nay đã phát triển thành 440 hộ với 1.980 khẩu ở xã Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Sơn Lương và Sơn Thịnh (Văn Chấn). Phát huy truyền thống hiếu học và nâng cao nhận thức của con cháu trong gia đình, dòng tộc họ Sa đã đi đầu trong việc vận động con em xóa bỏ tư tưởng “trọng nam kinh nữ”, xây dựng trường bán trú của xã, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh trong xã Cát Thịnh đạt 98% trở lên. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của địa phương từng bước được nâng lên và dần xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu. Đến nay, dòng họ Sa đã có rất nhiều con cháu thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, nhiều người giữ các chức vụ quan trọng ở cấp xã, huyện, tỉnh và làm lãnh đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Ông Sa Hữu Văn - Trưởng ban liên lạc dòng họ Sa cho biết: "Để phát huy truyền thống hiếu học, dòng họ chúng tôi đã không ngừng củng cố, hưởng ứng, tham gia xây dựng và phát triển quỹ khuyến học để đáp ứng kịp thời công tác thi đua, khen thưởng, hỗ trợ, động viên con em có hoàn cảnh khó khăn trong dòng họ vượt khó học giỏi, đồng thời vận động các hộ gia đình trong dòng họ tham gia ủng hộ, đóng góp về vật chất và tinh thần giúp đỡ những hộ gia đình có con em đi học xa nhà, đi học cấp cao hơn".
Để tinh thần hiếu học sáng mãi, cùng tích cực tuyên truyền, vận động con cháu cùng nhau thi đua, giúp đỡ nhau đạt thành tích cao trong học tập, hàng năm, dòng họ Sa còn tổ chức lễ vinh danh khen thưởng cho những cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp và hỗ trợ, động viên các cháu học sinh nghèo vượt khó. Không những vậy, nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình học tập của con em, dòng họ còn phối hợp chặt chẽ với các chi hội khuyến học trong các trường học để theo dõi; đồng thời, góp công, góp sức để xây dựng khuôn viên trường lớp và tài trợ cho các hoạt động ngoại khóa tại các trường mầm non, trường bán trú trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Ông Sa Quang Huy - Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh, cũng là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học của dòng họ Sa, chia sẻ: "Là một người con của dòng họ Sa, bản thân tôi luôn cố gắng rèn luyện, nỗ lực phấn đấu trong mọi công việc. Đó không chỉ là niềm tự hào của dòng họ mà còn là tấm gương để con cháu mình học tập theo, duy trì truyền thống hiếu học từ đời này sang đời khác".
Tinh thần hiếu học của dòng họ Sa ở thôn Ba Khe đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận; năm 2013, là một trong 2 dòng họ tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học trao tặng danh hiệu “Dòng họ hiếu học tiêu biểu xuất sắc toàn quốc”. Trước đó, dòng họ cũng được UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “khuyến học – khuyến tài” giai đoạn 2009 – 2012 và nhiều giấy khen khác của các cấp hội khuyến học trao tặng.
Ông Sa Huy Văn cho biết thêm: "Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Hội Khuyến học của xã đứng ra chủ trì để dòng họ Sa ký liên kết phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện theo dõi, tạo điều kiện cho con em trong dòng họ học tập nhằm tuyệt đối không để cháu nào bỏ học. Chúng tôi cũng tiếp tục tuyên truyền với các bà con trong dòng họ làm thế nào đó tạo mọi điều kiện thuận lợi, để cho con em mình được đến lớp đầy đủ".
Khuyến học khuyến tài là phong trào chung của toàn dân, song nền tảng vững chắc nhất bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, dòng họ. Sự chủ động khơi gợi truyền thống hiếu học trong dòng họ Sa đã trở thành một nhân tố quan trọng để nhân rộng phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Thu Trang
Các tin khác
YBĐT - Tôi nghe danh về chị đã lâu, một nữ doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực tư vấn, thiết kế các công trình xây dựng thủy lợi, thủy điện. Chị là Phạm Thúy Hảo - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế thủy lợi, thủy điện Yên Bái.
YBĐT - Ông Vàng Ly ở bản Lao Chải, xã Lao Chải (Mù Cang Chải) được bầu là già làng có uy tín của bản bởi sự gương mẫu cũng như những đóng góp và ảnh hưởng tích cực của ông ở địa phương.
YBĐT - Trong số các gương mặt xuất sắc của học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tôi đặc biệt có ấn tượng với Cao Thị Thanh Huyền - lớp trưởng lớp chuyên Anh, khóa 2007 - 2010.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên trên vùng đất khó, thế nhưng với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chàng thanh niên Giàng A Giao (thôn Mông Xi, xã Bản Mù) đã ngày đêm vỡ đất, khai hoang để giờ đây, trong tay người đàn ông Mông lam lũ ngày nào là những con trâu, con bò béo tốt, là những bao tải đầy ắp lúa, ngô. Bây giờ, dân làng yêu mến gọi ông với cái tên thân thuộc là già Giao.