Người phụ nữ Mông năng động
- Cập nhật: Thứ tư, 29/10/2014 | 2:58:42 PM
YBĐT - Chị Sùng Thị Xía ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong những người phụ nữ Mông đi đầu trong phong trào học xóa mù chữ. Nhờ đi học, biết đọc, biết viết, có kiến thức, chị có thể tham khảo, tìm kiếm các tài liệu hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Xía (bên trái) tham gia Hội thi Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi năm 2014.
|
Chị còn nhiệt tình trong mọi hoạt động tập thể ở địa phương nên đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã để góp thêm tiếng nói cùng cấp ủy lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống.
Chị Xía cho biết: "Không biết chữ thì mình nghĩ ra nhiều việc nhưng khi bắt tay vào làm việc gì cũng khó thành hiện thực. Trong sản xuất, nếu biết áp dụng thêm tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp thì ở trên đồi hay dưới ruộng đều có thể trồng, cấy được cây màu. Nhà tôi vẫn diện tích ruộng ấy nhưng trước đây chỉ cấy một vụ, phụ thuộc vào tự nhiên, năm nào cũng đói giáp hạt nhưng hiện nay, cấy hai vụ bằng giống lúa lai cho năng suất cao, cộng với bón phân, chăm sóc tốt, không còn đói giáp hạt nữa mà đã có thừa lúa gạo để dùng làm phụ phẩm chăn nuôi. Đối với Suối Bu, phần lớn hội viên đều không biết chữ nên các nội dung triển khai đến chị em đều phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đi vào thực tế, cụ thể... Đặc biệt, mình phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động để chị em làm theo".
Là một người phụ nữ Mông nên chị Xía hiểu hơn ai hết về những khó khăn, vất vả và cả sự hạn chế của chị em hội viên ở vùng cao. Vì vậy, với trách nhiệm là một người đứng đầu Hội, chị luôn chủ động tìm mọi hướng đi phù hợp với trình độ, điều kiện của hội viên để mọi người học tập theo. Trong phát triển kinh tế gia đình, chị đẩy mạnh chăn nuôi với đàn dê hiện có trên 15 con, hàng năm nuôi ổn định 7 con lợn thương phẩm/lứa, gần 100 con gia cầm các loại. Chị Xía đưa giống lúa lai năng suất cao vào thâm canh hai vụ trên 1.000m2 ruộng, bảo đảm lương thực cho gia đình quanh năm và hàng năm còn gieo cấy ngô đồi, thu trên 3 tấn ngô hạt để làm phụ phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, gia đình chị còn trồng trên 3.000m2 chè, trong đó có hơn 2.000m2 chè Shan với giá bán chè búp tươi bình quân từ 11.000 - 13.000 đồng/kg đã góp phần tăng thu nhập đáng kể. Mấy năm gần đây, bình quân từ mọi nguồn thu, gia đình chị đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, có điều kiện làm nhà ở khang trang, nuôi con ăn học.
Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ hiện tại gần 3 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế. Cùng những đồng vốn, Hội phối hợp với các cấp, các ngành mở các lớp học nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho nhiều hội viên để tăng thêm hiệu quả sử dụng vốn. Nhờ đó, một số hội viên đã có những mô hình phát triển kinh tế điển hình, đem lại nguồn thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng/năm như: Sùng Thị Nhà ở thôn Bu Cao với mô hình chăn nuôi tổng hợp, gần 10 con trâu bò, trên 8.000m2 chè, trong đó trên 4.000m2 là chè Shan, hàng năm trồng và thu trên 4 tấn ngô hạt; mô hình của chị Cát Thị Oanh ở thôn Bu Thấp chăn nuôi lợn thương phẩm, làm xưởng đóng đồ nội thất, trồng chè... đã được nhiều hội viên đến tham quan, học hỏi.
Song song với phát triển kinh tế, chị Xía còn cùng với cấp ủy tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đổi mới, rút ngắn thời gian, giảm thủ tục trong việc cưới hỏi, tang lễ cũng như ăn, ở sạch, đặc biệt là thực hiện sinh đẻ có kế hoạch... Hiện nay, tỷ lệ hội viên sinh con thứ ba trở lên đã giảm đáng kể, nếu như trước năm 2010, mỗi năm là gần 20 hội viên thì năm 2014 chỉ còn 4 hội viên, chủ yếu là các cặp vợ chồng sinh con một bề. Người dân đã nâng cao ý thức tự giác trong lao động, sản xuất và cho con em đến trường học chữ.
Với những nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình và công tác xã hội ở địa phương, những năm qua, chị Xía đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen. Đặc biệt, chị được địa phương chọn đề nghị UBND tỉnh Yên Bái khen thưởng tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II, năm 2014.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Thôn Thoi Xóa, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) được phủ xanh bởi rất nhiều loại cây cùng những ngôi nhà sàn khang trang mới làm dọc hai bên con đường bê tông uốn lượn cho cảm nhận về cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Góp sức cho sự đổi mới đó phải kể đến vai trò tiên phong gương mẫu của ông Hoàng Văn Thòng, dân tộc Tày - Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.
YBĐT - 6 giờ sáng, như đã hẹn trước, tôi cùng anh Lương Xuân Tứ - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Yên Bình ngược đường đông hồ đến xã Yên Thành để gặp một con người bình thường như mọi người nhưng đã làm được nhiều điều mà không phải bất cứ ai muốn là làm được.
YBĐT - Trong thực hiện mọi nhiệm vụ, công tác dân vận phải được đưa lên hàng đầu vì sẽ tạo ra sức mạnh toàn dân, đồng tâm hợp lực như lời dạy của Bác: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
41 năm công tác trong ngành giao thông vận tải và có nhiều năm làm giảng viên tại Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, năm 2010, ông Hà Ngọc Kiệu nghỉ hưu, trở về sinh sống tại quê hương Hưng Khánh (Trấn Yên).