Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
- Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2014 | 2:45:18 PM
YBĐT - Phát huy tinh thần xung kích của một người lính, ông Hà Trọng Bằng ở thôn Đèo Thao, xã Cảm Ân, huyện Yên Bình (Yên Bình) không chỉ hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc mà sau khi trở về địa phương, với cuộc sống đời thường ông vẫn luôn phát huy tinh thần ấy để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Bằng (phải) giới thiệu đồi mỡ trên 30 năm tuổi với cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện và xã.
|
Ông Hà Trọng Bằng nhập ngũ năm 1967. Năm 1976, ông hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trở về địa phương. Với những kinh nghiệm đã học hỏi được trong quá trình công tác, ông Bằng tích cực vận động vợ con khai hoang ruộng nước, nương đồi để trồng lúa, ngô, khoai sắn, chăn nuôi gia súc gia cầm... phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, tận dụng đất đồi hoang trống còn nhiều, ông đầu tư mua giống keo, mỡ, bồ đề về trồng, phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, dần hình thành nên mô hình VAC khép kín trên mảnh đất quê hương.
Dẫn đoàn công tác đi tham quan vườn đồi rừng và chuồng trại chăn thả của gia đình, ông Bằng đưa tay chỉ về phía những diện tích rừng đồi bạt ngàn, cho biết: "30 năm trước, cuộc sống của bà con nơi đây đều khó khăn, quanh năm chỉ lo cái ăn, cái mặc còn không đủ nên chẳng ai hơi đâu lo trồng cây tích lũy về sau. Bản thân là một người lính, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" nên mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng khi cuộc sống gia đình dần tạm ổn, tôi vận động vợ con tích cực trồng rừng vừa để phát triển kinh tế gia đình cũng vừa làm gương cho bà con học tập theo để cùng trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sống".
Là một trong những người đi trước trong phong trào trồng rừng khi bà con dân làng còn chưa mấy quan tâm nên tận dụng còn nhiều đất trống, đồi trọc, ông Bằng đã lặn lội về tận thị trấn Yên Bình, sang huyện Trấn Yên tìm mua các loại giống keo, mỡ tốt về trồng rừng. Hơn chục năm miệt mài, gắn bó với từng mảnh đồi, mét vuông đất, ông Bằng đã làm chủ trên 15ha đồi rừng với đủ các độ tuổi.
Hiện, ngoài các diện tích keo, bồ đề cho khai thác luân phiên hàng năm, ông còn có trên 1ha mỡ trên 30 năm tuổi, chu vi gốc cả người lớn ôm không hết. Theo cách trồng khai thác gối vụ, hàng năm, đồi rừng của ông cho khai thác bình quân khoảng 3ha, với giá bán hiện nay trung bình từ 70 triệu đồng/ha trở lên cũng thu về trên dưới 200 triệu đồng.
Mấy năm gần đây, con cái trưởng thành, ông giao việc ruộng nương cho làm; có thời gian nhàn rỗi, ông tiếp tục đầu tư mua giống trâu, bò về nuôi không chỉ để lấy sức cày kéo mà còn chăn nuôi hàng hóa để phát triển kinh tế. Hiện, ông có 4 con trâu, 8 con bò.
Trên một mẫu ruộng, ông đưa giống lúa lai vào gieo cấy 2 vụ/năm đủ lúa gạo ăn quanh năm. Tận dụng các phụ phẩm dư thừa từ lúa ngô, khoai, sắn sẵn trong sinh hoạt hàng ngày, ông đẩy mạnh chăn nuôi lợn. Trong chuồng lúc nào cũng có từ một đến hai lợn nái sinh sản và từ 15 con lợn thương phẩm trở lên/lứa. Ông còn nuôi trên trăm con gà, vịt, ngan các loại cùng với nuôi cá trên 2 sào ao để cải thiện hàng ngày. Ngoài ra, vài năm trở lại đây, ông còn tích cực sưu tầm nhiều loại cây thuốc nam về trồng phát triển với diện tích trên 300m2.
Gần 10 loài cây thuốc quý có tác dụng chữa bệnh đã có mặt trong vườn, trong đó, một số loại đặc biệt quý hiếm như: cây hoàng tinh, lá khôi... chữa bệnh dạ dày, cột sống, thận, xương khớp... Hai, ba năm trở lại đây, vườn thuốc nam của ông không chỉ giúp chữa bệnh cho những bệnh nhân ở địa phương mà ông còn chế biến khô để bán cho khách trong và ngoài tỉnh. Giờ bình quân tổng thu nhập của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng/năm, ông đã có điều kiện làm nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học trưởng thành.
Phát huy tinh thần xung kích của một người lính, ông Hà Trọng Bằng không chỉ hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc mà sau khi trở về địa phương, với cuộc sống đời thường ông vẫn luôn phát huy tinh thần ấy để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm về mọi mặt để làm gương cho dân bản học tập theo và giúp đỡ cây con giống, kinh nghiệm cho nhiều hộ nghèo khác cùng vươn lên trong cuộc sống.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với ngành y tế. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành y tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất. "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" chính là yêu cầu Bác Hồ đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ, nhân viên ngành y đối với người bệnh.
YBĐT - Yêu văn chương từ lúc còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái nhưng phải đến năm 2008, khi tạm biệt mái trường Tiểu học Văn Lãng thân thương, về nhận công tác mới tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cô giáo Kim Yến mới có nhiều thời gian và điều kiện để chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi.
YBĐT - Theo chủ trương của Đảng, ông Lương Minh Các ở thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên) đã cùng đồng bào Xa Phó từ trên các đỉnh núi, đầu nguồn các khe suối trong rừng sâu, từ bỏ cuộc sống du canh du cư về định cư tập trung thành thôn bản và học tập cách khai hoang ruộng nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới.
YBĐT - Từ khi triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Sơn là một trong những người đi đầu trong tự học và sáng tạo. Khi còn giảng dạy trên lớp, cô chịu khó trau dồi, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để khắc phục những thiếu sót của mình.