Nguyện một đời cống hiến cho quê hương

  • Cập nhật: Chủ nhật, 22/2/2015 | 9:15:01 AM

YBĐT - Tôi biết bác sỹ Giàng A Sình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã khá lâu. Anh sinh năm 1978 và là bác sỹ người dân tộc Mông duy nhất tại một trạm y tế xã của huyện vùng cao này.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo ngành y tế thăm Bệnh viện Đa khoa Yên Bình. (Ảnh: Đức Toàn)
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo ngành y tế thăm Bệnh viện Đa khoa Yên Bình. (Ảnh: Đức Toàn)

Trạm Y tế xã Dế Xu Phình được xây dựng khang trang, thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại và là Trạm Y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020 đầu tiên của huyện Mù Cang Chải. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vận động đồng bào không sinh con thứ 3, các hủ tục lạc hậu dần được thay đổi đều có một phần công sức của bác sỹ Sình.

Xuân đến, núi rừng Mù Cang Chải được đánh thức sau một giấc ngủ đông dài, cỏ cây phủ màu xanh lên khắp núi đồi, làng bản, nương rẫy. Tôi đi trên con đường bê tông bằng phẳng đến Trạm Y tế xã Dế Xu Phình lúc nào không hay. Đây rồi, tôi không tin vào mắt mình, giữa nơi vùng cao khó khăn ấy lại có một trạm y tế khang trang, sạch, đẹp đến vậy! “Anh có phải bác sỹ Sình không?” - tôi hỏi. “Tôi đây! Đi đường xa chắc vất vả lắm nhà báo nhỉ?” - anh Sình hồ hởi. “Được gặp anh là vui rồi! Đường bây giờ đẹp quá! Đi từ trung tâm huyện hơn 20km mà chưa đầy 1 giờ đồng hồ…”.

Giàng A Sình sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em ở xã Dế Xu Phình. Cuộc sống cơ cực của cha mẹ cùng với cái đói, cái nghèo, sự thất học, ốm đau, bệnh tật của đồng bào… đã thôi thúc ý chí không cam chịu của chàng trai A Sình từ khi còn nhỏ. Ước mơ được học tập, được phục vụ gia đình, đồng bào đã giúp anh sớm biến nó thành hiện thực.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh thi đỗ Trường Trung cấp Y tế Yên Bái (nay là Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái). Học xong, với trình độ chuyên môn y sỹ, anh Sình xin ngay về Trạm Y tế xã Dế Xu Phình công tác. “Ngày mới về, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh rất hạn chế và thiếu thốn, đồng bào đến khám và chăm sóc sức khỏe cũng ít… thành thử mọi việc phải làm lại từ đầu. Nói là từ đầu nhưng từ đầu là từ đâu? Và làm ra sao? Sau nhiều trăn trở, mình nghĩ, trước tiên nên học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tích cực tìm đến với đồng bào. Sau một năm, mình đã đi hầu hết các thôn, bản. Đâu có người ốm đau, bệnh tật, ngày nắng cũng như ngày mưa là mình tìm đến bằng được…”.

Yêu nghề, hiểu dân, thương đồng bào, chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn… đã giúp anh thành công. Những câu chuyện về y đức của A Sình sẽ được đồng bào nơi đây nhắc mãi và là kỷ niệm đẹp, động viên anh vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bệnh nhân Hảng A Thào ở bản Phình Hồ, cách trung tâm xã 7km bị viêm ruột thừa cần phải được phẫu thuật kịp thời nhưng thay bằng xuống bệnh viện lại mời thầy cúng ma, xua quỷ dữ và bó thuốc cây rừng. Bệnh của anh Thào không khỏi mà có phần nặng hơn. Lúc đó, trời tối, đường trơn, nhận tin, anh Sình lập tức lên đường. Anh Thào được cứu sống.

Hờ Thị Dê cũng ở bản Phình Hồ, sinh đôi tại nhà, quyết không đi trạm xá. Đẻ đứa đầu, may mắn “mẹ tròn, con vuông”, đến đứa thứ hai thì không sao sinh được và nằm đó bất lực. Anh Sình lại là người có mặt kịp thời đưa chị Dê xuống bệnh viện huyện. Sùng A Chua ở bản Chống Xua gẫy xương đùi do tai nạn xe máy. Chua quyết không đi bệnh viện, ở nhà tự bó thuốc rừng và làm lễ cúng ma… để lâu ngày, sắp hoại tử. Anh Sình lại xuất hiện, bàn chân được cứu và tiếp tục băng băng trên khắp bản làng…

“Bây giờ, mỗi dịp tết đến, vợ chồng, con cái anh Thào, chị Dê, anh Chua… đều xuống nhà mình “biếu” nắm gạo, củ măng, chai rượu… “Có cán bộ, tôi mới sống đến hôm nay”. Vậy đó, mộc mạc nhưng rất chân thành” - anh Sình xúc động. Không chỉ giúp đồng bào cách chăm sóc sức khỏe, anh còn vận động đồng bào không sinh con thứ ba rất hiệu quả. “Anh Sình tuyên truyền tốt lắm đấy nhà báo à! Từ đầu năm 2014 đến giờ, cả xã mình chỉ có 2 trường hợp sinh con thứ 3”, Giàng A Hải, cán bộ Trạm Y tế xã khoe với tôi. Anh Sình còn là người tích cực vận động đồng bào tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế. Chẳng là hộ gia đình ông Giàng Xú Rùa ở thôn Dế Xu Phình B làm ruộng không hiệu quả; Giàng A Chua ở bản Háng Quán Rùa có trên 3ha đồi trọc mà không biết trồng cây gì hiệu quả… Anh Sình nhờ khuyến nông viên, cán bộ Phòng Kinh tế huyện xuống tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn… Đến nay, gia đình ông Rùa đã thừa thóc, còn anh Chua đã trồng 3ha sơn tra tươi tốt…

Với những thành tích đó, năm 2004, anh Sình chính thức được huyện giao chức Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dế Xu Phình và năm 2005 được điều động về công tác tại Phòng Y tế huyện. “Mình về Phòng Y tế là để thuận tiện cho việc học lên cao chứ thực tình thì chỉ muốn ở lại nơi đây thôi”, anh Sình chia sẻ.

Bác sĩ Giàng A Sình khám chữa bệnh cho đồng bào Mông quê anh.

Đến tháng 9/2008, anh được cử đi học bác sỹ đa khoa tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên. Tháng 9/2012, với tấm bằng đại học và nguyện vọng chính đáng, anh Sình được điều chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Dế Xu Phình. Nhưng có lẽ, ấn tượng đẹp đẽ nhất đối với Đảng ủy, chính quyền xã và đặc biệt với đồng bào nơi đây chính là việc anh Sình tham mưu đầu tư xây dựng trạm y tế xã khang trang, triển khai thành công chuẩn quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020 do huyện chỉ đạo.

Đầu năm 2012, với cách làm việc khoa học, khả năng giao tiếp tốt của anh Sình, xã Dế Xu Phình chính thức được Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất, Dầu khí Miền Bắc hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng và đến tháng 2 năm 2013, Trạm Y tế xã chính thức hoàn thành với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng chức năng theo Bộ Tiêu chí mới quy định. Một trạm xá khang trang, sạch, đẹp với 11 phòng khám chức năng đầy đủ; các dụng cụ khám, chữa bệnh như: răng - hàm - mặt, bộ khám răng, tủ sấy, nồi luộc… và cùng với cơ ngơi ấy là một tấm lòng luôn hướng về quê hương, đồng bào của anh Sình đã và đang thắp lên niềm tin cuộc sống đối với người dân nơi đây.

Với kinh nghiệm và cách tổ chức công việc khoa học trong xây dựng chuẩn tại xã Dế Xu Phình, cuối năm 2014, anh Sình được huyện tăng cường sang Trạm Y tế xã La Pán Tẩn với vai trò kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ năm 2015 xây dựng nơi đây đạt chuẩn quốc gia về y tế theo Bộ Tiêu chí mới.

“Với trình độ bác sỹ đa khoa lại có kinh nghiệm thực tiễn tốt như vậy, sao anh không làm việc ở những nơi có điều kiện tốt hơn?” - tôi hỏi. “Mình biết, công tác tại nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại sẽ rất hữu ích cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân nhưng mình chỉ muốn ở đây thôi. Nơi đây đã cho mình rất nhiều kỷ niệm, ý nghĩa cuộc sống… Mình nguyện một đời được cống hiến cho mảnh đất này!”.

Chia tay Giàng A Sình, trong tôi trào dâng một sự cảm phục lớn lao. Một xúc cảm lâng lâng nơi đất trời Tây Bắc vào xuân đẹp tuyệt! Thầm chúc "bác sĩ cắm bản" một năm mới an lành, hạnh phúc, mạnh khỏe để đôi chân không mỏi lại được rong ruổi đưa tấm lòng y đức đến với bà con!

Ngọc Sơn

Các tin khác
Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục