Nữ y sỹ hết lòng với vùng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 26/2/2015 | 9:45:40 AM
YBĐT - Hơn 30 tuổi đời, 10 năm làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại một xã khó khăn của một huyện nghèo của tỉnh, bao nhiêu khó khăn thiếu thốn đã không làm chùn bước nữ y sĩ trẻ, chị hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nên được bà con quý trọng, yêu mến. Đó là y sĩ Đinh Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Trạm Y tế xã Bản Công (Trạm Tấu).
Cán bộ y tế xã Bản Công khám sức khỏe cho trẻ em.
|
Xã Bản Công có 98% là dân tộc Mông với 5 thôn bản, 2.502 nhân khẩu, 417 hộ, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư sinh sống không tập trung và giao thông đi lại khó khăn, tập quán còn lạc hậu nên những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy vậy, y sĩ Đinh Thị Thanh Huyền đã vượt khó cùng cán bộ trạm thường xuyên xuống bản của người Mông để khám bệnh, điều trị, tuyên truyền kiến thức vệ sinh, phòng bệnh, đôn đốc đội ngũ y tế thôn bản hoạt động. Chị tích cực tham mưu cho Đảng ủy và chính quyền xã về công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Vì bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống còn rất vất vả.
Chị chia sẻ: “Phụ nữ sau khi sinh không có chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, phải lao động sớm sau sinh nên sức khỏe không bảo đảm. Chính vì vậy, chị em dường như đều già trước tuổi. Khi ốm đau, họ đến với chúng tôi, nếu giữ 5 - 7 ngày điều trị nội trú, chị em cũng chỉ ở được vài ngày thấy đỡ là đòi về ngay để còn đi làm. Bởi vậy, bên cạnh việc khám chữa bệnh, chúng tôi còn phải tuyên truyền, hướng dẫn những kỹ năng tối thiểu để họ có thể chăm sóc sức khỏe cho bản thân”.
Với người dân vùng cao, việc tiêm vắc - xin cho trẻ là điều họ không mấy quan tâm. Chị Huyền cùng với cán bộ y tế phải đến từng hộ gia đình và có khi phải tiêm vào buổi tối vì ban ngày trẻ theo bố mẹ đi làm. Chị Huyền tâm sự: “Đêm cũng đi bản tiêm chủng cho trẻ nhưng có gia đình còn phải tuyên truyền, vận động mãi mới đồng ý cho tiêm vì sợ sau khi tiêm trẻ sẽ quấy khóc”.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao nói chung, ở xã Bản Công nói riêng gặp rất nhiều khó khăn lại nặng mê tín dị doan nên khi đau ốm, nhiều trường hợp không đến Trạm Y tế. Chị Huyền vừa phải lo làm công tác chuyên môn kiêm thêm công tác vận động, trước hết là cứu chữa bệnh nhân, sau đó để người dân hiểu. Chị Huyền kể: “Nhiều lúc bị người dân gây khó khăn, cản trở công tác chuyên môn. Lúc đó, mình phải có lòng kiên trì, nhẫn nại, yêu nghề mới vượt qua được những khó khăn”.
Đơn cử như chuyện khám thai định kỳ, tưởng là đơn giản nhưng với phụ nữ vùng cao là cuộc vận động tốn nhiều thời gian và công sức. Đến vận động chị em đi siêu âm, khám thai, nhiều bà mẹ ngăn cản: “Ngày xưa, đẻ 7 - 8 đứa, tao có cần khám xét gì đâu, sao cứ đến bắt con gái tao ra trạm khám mãi thế?”. Nhưng rồi chị cùng cán bộ y tế vẫn miệt mài đi gõ cửa từng nhà vận động, thuyết phục, thay đổi suy nghĩ của bà con. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, chị em phụ nữ trong xã đã hạn chế tình trạng đẻ tại nhà, thường xuyên đến trạm để khám thai định kỳ.
Khó khăn, vất vả nhưng được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp nên chị Huyền cùng đội ngũ cán bộ Trạm và nhân viên y tế thôn bản luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện các hoạt động khám, phân loại, sơ cấp cứu ban đầu, truyền thông phòng chống dịch bệnh; duy trì chế độ trực trạm 24/24h bảo đảm khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; vận động bà mẹ và trẻ em tiêm phòng định kỳ theo đúng quy chế, thực hiện chế độ ghi chép hồ sơ sổ sách và báo cáo theo quy định, không để xảy ra sai sót về chuyên môn; thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao của các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Cấp ủy Đảng và chính quyền xã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế thông qua việc ban hành và tổ chức triển khai kịp thời, phù hợp với tình hình địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ và tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã không để dịch bệnh xảy ra. Công tác chăm sóc sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng được triển khai đồng bộ, tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, được nhân dân tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ Trạm Y tế xã. Xã đã đạt và duy trì chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 1 và năm 2014 tiếp tục đạt chuẩn giai đoạn 2.
Chị Huyền chia sẻ: “Tôi luôn luôn học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và thông qua các đợt kiểm tra, giám sát của ban, ngành cấp trên. Cẩm nang của tôi là 1 quyển sổ tay ghi chép lại những nội dung mà đoàn kiểm tra, giám sát đã chỉ đạo những việc đã làm được và chưa làm được cần khắc phục. Sau đó, tôi cùng tập thể rà soát lại rồi giao nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ để thực hiện. Những vấn đề khó khăn, tôi sẽ chủ động tham mưu cho Trưởng trạm, Đảng ủy, chính quyền xã và lãnh đạo ngành giúp đỡ”.
Công tác ở vùng cao, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nếu không có một tình yêu, trách nhiệm đủ lớn sẽ không thể gắn bó được lâu, được bà con tin yêu như vậy. Với những nỗ lực đó, chị Huyền vinh dự là một trong 115 cá nhân điển hình tiên tiến của ngành y tế Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Đến xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nhắc đến bác sĩ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vương Thị Hải Anh ai cũng biết, vì đây là người đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn trong suốt 20 năm qua.
YBĐT - Trong cái nắng hanh hao của những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp lên với xã vùng cao Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). Hai bên đường ngập tràn những sắc màu rực rỡ của hoa tớ dày cùng hoa đào, hoa mận đua nhau bung nở tạo nên khung cảnh đặc trưng của miền sơn cước.
YBĐT - Tôi biết bác sỹ Giàng A Sình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã khá lâu. Anh sinh năm 1978 và là bác sỹ người dân tộc Mông duy nhất tại một trạm y tế xã của huyện vùng cao này.
YBĐT - Đã hơn bảy mươi tuổi nhưng tiếng đàn, tiếng hát của nghệ nhân Hoàng Kế Quang vẫn khỏe khoắn như thời trai trẻ. Có lẽ bởi tiếng tính mượt mà, sâu lắng và giàu chất trữ tình đã nuôi dưỡng tâm hồn ông luôn tươi trẻ.