"Cây sáng kiến"
- Cập nhật: Thứ ba, 9/6/2015 | 2:47:21 PM
YênBái - YBĐT - Đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện, tác phong nhanh nhẹn..., đó là cảm nhận của mọi người khi tiếp xúc với Phạm Văn Quang - Tổ trưởng tổ Thí nghiệm điện, Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện, Công ty Điện lực Yên Bái, mà mọi người vẫn thường gọi vui là "Cây sáng kiến" với nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong lao động sản xuất có hiệu quả cao.
Phạm Văn Quang, sinh ra trong một gia đình công nhân lao động tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2001, Quang được xét tuyển vào Trường Cao đẳng Điện lực I. Đến năm 2004, sau khi ra trường, Quang đã tìm cho mình con đường trải nghiệm tại các doanh nghiệp tư nhân để tích luỹ kinh nghiệm, bổ sung kiến thức thực tiễn vào công việc của bản thân. Sau một thời gian làm việc tại doanh nghiệp tư nhân, đến năm 2007, Quang xin vào công tác tại Công ty Điện lực Yên Bái và được phân công công tác tại Tổ Thí nghiệm điện - Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện.
Với nhiệm vụ tiếp nhận lệnh sản xuất, trực tiếp theo dõi phân công nhiệm vụ, chấm công, báo cáo sản xuất, thực hiện các công việc thí nghiệm thiết bị điện, Quang luôn nỗ lực tìm tòi để tăng năng suất lao động, đồng thời giảm sức lao động của công nhân, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2012, anh được tín nhiệm giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ Thí nghiệm và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Quang còn say mê nghiên cứu, mày mò tìm hiểu máy móc và từng bước có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu... Thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng ủy Công ty đã cụ thể hoá việc làm theo lời Bác bằng phong trào thi đua " Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, làm chủ và vận hành, khai thác các trang thiết bị sản xuất một cách hiệu quả, tiết kiệm nhằm nâng cao năng suất lao động".
Cùng với đó, hưởng ứng phong trào “Sáng tạo trẻ” trong đoàn viên thanh niên do Ban chấp hành Đoàn Công ty Điện lực phát động, Quang đã nhiệt tình hưởng ứng và say mê nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất đối với công việc của mình. Sau một thời gian nghiên cứu, Quang đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Công ty Điện lực Yên Bái và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc công nhận, đó là sáng kiến “Thiết kế thay đổi tốc độ di chuyển của cầu trục nhà xưởng - Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện, để phù hợp với công tác sửa chữa máy biến áp (MBA)” và sáng kiến " Chế tạo thiết bị đo tỷ số biến và đóng xung kích máy biến áp".
Đối với sáng kiến “Thiết kế thay đổi tốc độ di chuyển của cầu trục nhà xưởng – Phân xưởng Sửa chữa và Thí nghiệm điện để phù hợp với công tác sửa chữa máy biến áp”, Quang cho biết: Phân xưởng được trang bị một hệ thống cầu trục với tải trọng 3 tấn. Theo thiết kế ban đầu, cầu trục được lắp 2 biến tần HITACHI SJ200: một biến tần dùng để thay đổi tốc độ di chuyển xe con, một biến tần dùng để điều chỉnh tốc độ nâng. Đối với động cơ di chuyển máy trục chỉ có một tốc độ duy nhất (20m/phút). Tốc độ này được điều chỉnh cố định thông qua hệ thống bánh răng và bánh xe, khi hoạt động gây ra hiện tượng di chuyển đột ngột và dừng đột ngột. Do đó, khi cẩu trục mang tải trọng lớn thì mỗi khi di chuyển, thiết bị được cẩu bị giật và văng gây nguy hiểm cho người vận hành và thiết bị. Từ hạn chế và yêu cầu thực tế của công việc sửa chữa MBA phải đảm bảo an toàn cho người lao động, Quang đã cùng Tổ Thí nghiệm điện cải tạo lại mạch điện đấu nối thiết bị của cầu trục để điều chỉnh giảm tốc độ di chuyển của máy trục xuống thành 2 cấp tốc độ (16 m/phút và 3,5 m/phút) phù hợp với yêu cầu của công việc sửa chữa MBA.
Những thành công bước đầu trở thành động viên khích lệ quan trọng để Quang và các đoàn viên thanh niên trong Chi đoàn tiếp tục hăng hái tham gia tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra những ý tưởng, sáng kiến mới có giá trị, có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Đặc biệt, Quang phối hợp với cán bộ, công nhân viên trong Phân xưởng hoàn thành 5 sáng kiến khác đã được áp dụng vào thực tiễn rất hiệu quả và được Công ty Điện lực Yên Bái và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc công nhận như: chế tạo máy quấn dây MBA; nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công máy tạo dòng điện xoay chiều (từ 0 - 6000 A) để phục vụ công tác thí nghiệm thiết bị điện; chế tạo máy hàn thanh cái đồng bằng điện trở than, dùng cho việc đại tu sửa chữa máy biến áp của Công ty Điện lực Yên Bái; chế tạo thiết bị sấy mini tiết kiệm điện phục vụ công tác thí nghiệm dầu MBA...
Hiện nay, Quang đang nghiên cứu và đang trong giai đoạn hoàn thành sáng kiến "Cải tiến cầu đo điện trở 1 chiều P333T". Ngoài ra, Quang còn có 1 sáng kiến tham gia Hội thi " Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2014" do Trung ương Đoàn phát động và 1 sáng kiến tham dự Hội thi " Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ VI" giai đoạn 2013 - 2014 do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức. Đặc biệt, Quang đã đạt giải ba Hội thi Người thợ giỏi cấp tổng công ty và được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc công nhận người thợ giỏi cấp tổng công ty.
Không chỉ là thợ lành nghề, có trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao, Quang còn là đoàn viên năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của Chi đoàn. Anh luôn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, vui vẻ hòa đồng với mọi người, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe và thống nhất cách giải quyết phù hợp với tình hình thực tế.
Với kết quả đã đạt được, Phạm Văn Quang được UBND tỉnh Yên Bái, Công ty Điện lực Yên Bái, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tặng bằng khen và công nhận là chiến sỹ thi đua trong nhiều năm liền. Năm 2014, Quang được Ban chấp hành Tỉnh đoàn Yên Bái tuyên dương "Thanh niên trẻ tiêu biểu lần thứ I", được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng danh hiệu "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc", được UBND tỉnh tặng bằng khen Gương mặt thanh niên tiêu biểu năm 2014.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT- 15 năm kinh nghiệm trong phát triển kinh tế đồi rừng với hơn 3ha đất trang trại, 1.400 gốc cam, chanh các loại cho thu nhập mỗi năm từ 300 triệu đồng trở lên, đảng viên Nguyễn Văn Lý, dân tộc Tày ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã vinh dự được bầu là đại biểu chính thức trong tổng số 3 đại biểu là đảng viên làm kinh tế giỏi dự Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ huyện Văn Chấn.
YBĐT - Từ một gia đình nông dân nghèo khó, bằng trí óc và nghị lực vượt khó, vợ chồng anh chị Hoàng Văn Doanh và Hoàng Thị Hòa đang sở hữu khối tài sản hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Vợ chồng anh chị là tấm gương làm kinh tế tiêu biểu của xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái).
YBĐT - Ở vào cái tuổi 84 lẽ ra nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già nhưng cụ vẫn muốn tự mình kiếm tiền lo cuộc sống hàng ngày để không làm phiền con cháu. Hơn 20 năm, cụ ông Nguyễn Ngọc Châu, ở thôn 4, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) gắn bó với nghề mài dao kéo để kiếm sống.
YBĐT - Từ một hộ gia đình nông dân nghèo khó, bằng trí óc và nghị lực vượt khó vươn lên, hai vợ chồng anh chị Hoàng Văn Doanh và Hoàng Thị Hòa ở Minh Xuân (Lục Yên) đang sở hữu khối tài sản hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.