Những người lính không nghỉ
- Cập nhật: Thứ ba, 29/12/2015 | 10:02:07 AM
YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, những người lính một thời binh lửa, trở về địa phương. Dù mang trong mình những tàn dư của cuộc chiến nhưng với phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” luôn đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những cựu chiến binh (CCB) vẫn cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Họ là những người lính không nghỉ.
Cựu chiến binh Mai Xuân Thìn kiểm tra xưởng đóng tàu của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng.
|
Khu nhà xưởng của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái nhộn nhịp xe tải vào ra, máy xúc quay liên hoàn hết sang bên trái lại bên phải để chuyển cát, sỏi lên xe. Góc phía xưởng đóng tàu, những tia hàn điện chớp lóe. CCB Mai Xuân Thìn - Chủ nhiệm HTX đang trực tiếp hướng dẫn công nhân thực hiện công đoạn gò, hàn khung tàu chở cát.
Ông chia sẻ: “HTX chủ yếu là các CCB, thương binh, bệnh binh, người lao động tại địa phương nên mọi người rất đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để giữ vững uy tín. Chiếc tàu này chỉ cần hơn hai tuần nữa sẽ hoàn thiện. Sau khi hạ thủy, chạy kiểm tra trên sông Hồng sẽ bàn giao cho khách hàng”.
HTX thành lập từ năm 2001. Tại thời điểm đó, HTX chỉ có 17 xã viên với số vốn vỏn vẹn 340 triệu đồng, đến nay, đã có 40 xã viên, người lao động, tổng số vốn 5 tỷ đồng. Với các ngành nghề kinh doanh khai thác cát, sỏi; dịch vụ vật liệu xây dựng; dịch vụ vận tải đường thủy, đường bộ; gia công cơ khí, sửa chữa đóng mới tàu thuyền, hàng năm, HTX thường xuyên đóng góp vào ngân sách Nhà nước 400 triệu đồng, thu nhập người lao động bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng các quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Với những đóng góp thiết thực cho địa phương, ông Thìn vui mừng chia sẻ, HTX sẽ thành lập thêm một cơ sở khai thác, sản xuất đá làm vật liệu xây dựng với tổng số vốn 12 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 40 đến 70 lao động thời gian tới.
Cũng trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng CCB Hoàng Tương Lai, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình lại có những đóng góp riêng. Quê hương ông ven hồ Thác Bà với số đông đồng bào dân tộc Tày, Dao, Cao Lan hồn hậu, siêng năng, sống hòa quyện vào núi rừng hoang sơ, tạo nên những nét văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, trước sự phát triển của thời đại và sự lãng quên của một bộ phận giới trẻ, những nét văn hóa đặc sắc đang dần mai một, nhằm bảo tồn tinh hoa của văn hóa dân tộc, ông miệt mài với công việc sưu tầm, dịch thuật, truyền dạy những nét đặc sắc trong văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Tày, Cao Lan, Dao cho các thế hệ trẻ dọc miền Đông hồ.
Những tác phẩm ông sáng tác, sưu tầm, dịch thuật đã gửi đi các báo, tạp chí, nhà xuất bản từ trung ương tới địa phương, đưa tới đông đảo độc giả như: “Hát quan làng đón đưa dâu của người Tày ở vùng sông Chảy”, “Cổ tích tiếu lâm, bây giờ mới kể”, “Khắp coọi và phoong slư chọn lọc”, “Những nét riêng trong Sình ca Cao Lan” và “Nét độc đáo trong đám cưới người Dao”… Ông là địa chỉ tin cậy của những người say mê tìm hiểu, yêu thích hay làm phóng sự về những nét độc đáo của các dân tộc miền núi. Với kho tàng kiến thức văn hóa dân gian và có uy tín trong bà con nhân dân, năm 2005, ông đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Dân ca xã Xuân Lai, nhằm tập hợp những người hiểu biết và truyền dạy cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca.
Đến nay, Câu lạc bộ duy trì tập luyện, trình diễn từ một đến hai lần trong tháng, thu hút có đông đảo người dân thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Không chỉ là hạt nhân trong phát huy bản sắc dân tộc ông Lai còn là người tích cực đề xuất với lãnh đạo xã và bà con nhân dân địa phương bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang; bổ sung xây dựng hương ước ở các làng văn hóa nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn như việc mặc trang phục dân tộc trong những dịp lễ, tết và trân trọng nếp nhà sàn truyền thống… Những việc làm của ông không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của người lính trở về sau chiến tranh, luôn phát huy bản chất “bộ đội Cụ Hồ” mà còn là tình yêu của người con dân tộc Tày tiêu biểu gắn bó với một dải văn hóa dân tộc ở Đông hồ Thác Bà.
Xin kết bài viết này với câu nói của một CCB hạng 1/4, bị nhiễm chất độc da cam Nguyễn Kim Tô (Vĩnh Lạc, Lục Yên): “Anh dũng trên chiến trường, kiên cường trên giường bệnh” bởi một lẽ, những người lính Cụ Hồ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn sáng ngời lý tưởng, kiên cường, vững tin vào tương lai.
Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Mô hình nuôi vịt giống của gia đình anh Bùi Đức Xuân ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên có cho thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng một năm.
YBĐT- Với đồng phụ cấp ít ỏi nhưng đồng chí Sầm Thanh Sức - Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên luôn nỗ lực hết mình, nhiệt tình, tâm huyết trong công việc chuyên môn, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, được mọi người quý mến.
YBĐT - Thượng úy Kiều Đức Soái - nhân viên thống kê dân quân của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Văn Chấn luôn được đồng đội và cấp trên tin yêu, quý mến bởi bên cạnh lối sống trung thực, giản dị, gần gũi với đồng đội anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu giúp việc cho bộ phận tác chiến của đơn vị bằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiết kiệm, hiệu quả.
YBĐT - Trong chuyến công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, gặp những thầy cô giáo tình nguyện cắm bản bám trường, bám lớp vì những em nhỏ vùng cao, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí, nghị lực của họ. Không ít thầy cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình mang con chữ đến với đồng bào, trong số đó có cô giáo Nguyễn Thị Phương, người đã có 14 năm cắm bản ở xã vùng cao này.