Cho đất cằn nở hoa

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/5/2016 | 10:05:52 AM

YBĐT - 36 tuổi, kỹ sư Nguyễn Cảnh Hưng ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã có 12 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa và sở hữu khu nhà lưới rộng hơn 8.000 m2.

Mô hình trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhà lưới của vợ chồng anh Nguyễn Cảnh Hưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhà lưới của vợ chồng anh Nguyễn Cảnh Hưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhà lưới không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn là minh chứng cho đam mê, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương của người kỹ sư này.  

Ngay sau khi hoàn thành khóa học tại Khoa Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, tháng 10/2004, anh Hưng chính thức làm tại Trung tâm Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Tổng công ty Hòa Bình Minh (xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái). Gắn bó với công việc trực tiếp chăm sóc, sản xuất hoa, có lẽ tình yêu, say mê với hoa của anh cũng hình thành từ đó.

“Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nga Quán, tôi tự nghĩ, tại sao không áp dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm cùng những kiến thức đã được học để biến những mảnh đất đồi khô cằn lâu nay ở đây thành nơi trồng hoa” - anh Hưng chia sẻ. Nghĩ là làm, năm 2010, anh quyết định xin nghỉ việc. Từ năm 2010 - 2012, anh lặn lội đến xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tham gia sản xuất ở một mô hình hợp tác xã trồng hoa tiêu biểu.

Cuối năm 2012, anh trở về quê hương, tập trung toàn bộ cho mô hình trồng hoa tại nhà. Học cùng khoa tại trường đại học, từng làm cùng ở Tổng công ty Hòa Bình Minh, chị Đinh Thị Lan - vợ anh cũng chính là người luôn sát cánh, động viên, ủng hộ anh đi trên con đường mới mình đã chọn. Chị xin nghỉ làm, cùng anh nuôi dưỡng và thực hiện ý tưởng phát triển mô hình trồng hoa nhà lưới. Giờ đây, khu nhà lưới ngập tràn màu sắc chính là thành quả của mồ hôi, công sức anh chị quyết tâm xây dựng.

Hơn 500 triệu đồng dành cho san ủi mặt bằng và làm nhà lưới, anh Hưng cho biết: “Đối với hoa hồng, hiện nay, tại Yên Bái đã có nhiều mô hình thành công nên sự cạnh tranh rất lớn, trong khi hoa ly chỉ phù hợp trồng trong dịp tết. Vậy nên đối với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của Yên Bái phù hợp nhất chỉ có thể là hoa đồng tiền. Nếu trồng hoa đồng tiền bên ngoài, gặp mưa nhiều chắc chắn sẽ không cho năng suất nhưng trồng trong nhà lưới nên nhược điểm ấy được khắc phục triệt để. Khó khăn không chỉ ở trồng và chăm sóc hoa mà còn ở cải tạo đất”.

Với đặc thù vùng đất đồi khô cằn, để làm đất màu mỡ và đủ điều kiện trồng hoa, anh Hưng bón phân hữu cơ, phân vi sinh, NPK, vỏ trấu giúp đất có thêm dinh dưỡng, dễ hút nước, giữ nước. Nhưng tưới nước phải khá cẩn trọng, một tuần chỉ tưới một lần vào buổi sáng và cũng không thể tưới quá nhiều.

Ngoài ra, một số bệnh trên cây hoa phải đối mặt như: thối thân, sâu ăn lá, đốm lá, bọ trĩ, nhện đỏ, nấm trắng… cũng được anh nghiên cứu tỉ mỉ, phòng chống hiệu quả.

“Hồi mới nghỉ làm ở nhà trồng hoa thì lo lắng liệu mô hình có thành công hay không? Đến khi trồng được rồi lại lo đầu ra cho sản phẩm, thu hồi vốn… Thật may mắn khi thị trường thành phố Yên Bái có sức tiêu thụ lớn. Hàng ngày, tôi giao khoảng 1.000 bông, mỗi bông có giá từ 1.000 - 2.000 đồng, tùy từng thời điểm. Hoa đồng tiền nở rộ và 3 tháng cho thu hoạch một lần, tuy diện tích cố định là 8.000 m2 nhưng được trồng luân phiên nên cho thu hoạch hoa quanh năm” - anh Hưng cho biết thêm. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng. So với cùng một diện tích trồng hoa, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật trồng hoa trong nhà lưới thì sẽ mang lại hiệu quả gấp từ 2 - 3 lần.

Để phát triển diện tích trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhà lưới theo hướng bền vững, không dừng ở trồng riêng hoa đồng tiền, thời gian tới, anh quyết định sẽ nghiên cứu, trồng thêm từ 5 - 7 sào hoa thiên điểu và 7 sào hoa ly vào dịp tết. Mạnh dạn đầu tư về vốn, học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trồng hoa…

Ông Phạm Thăng Long - Chủ tịch UBND xã Nga Quán khẳng định: “Mô hình trồng hoa nhà lưới của gia đình anh Nguyễn Cảnh Hưng là một mô hình lớn, hiệu quả mà không phải ai cũng có thể làm được. Dù được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và quyết tâm cao nhưng trồng hoa tốn nhiều công sức và không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Từ một vùng đất cằn khô quanh năm trồng keo, vợ chồng anh Hưng đã khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế tại vùng đất này”. Được biết, UBND xã Nga Quán đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để anh Hưng có thêm đất sản xuất. Dự kiến, sau khi mua đất, dồn điền đổi thửa, gia đình anh sẽ mở rộng diện tích trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhà lưới thêm 5.000 m2.

 Mai Linh

Các tin khác
Hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Linh cân gà trước khi đi giao cho nhà hàng.

YBĐT - Nghe tiếng gà Đông Tảo từ lâu nhưng đến năm 2012, một lần được ăn thử tại nhà chị gái ở Hà Nội, anh Nguyễn Ngọc Linh, thôn 2, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đã thích luôn và có ý định phát triển chăn nuôi giống gà này.

YBĐT - Với Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kế Quang, then như hơi thở, là lẽ sống của cuộc đời. Tháng 11/2015, ông Quang được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Vũ Thành Trung chăm sóc đàn bò của gia đình.

YBĐT - Vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng đói nghèo để làm giàu và trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương là ý chí và nghị lực của cựu chiến binh Vũ Thành Trung - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ 15A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Hội viên Phùng Đình Phúc ở Chi hội 3, xã Tân Hợp giới thiệu vườn chanh tứ mùa.

YBĐT - Hết năm 2015, Hội CCB huyện Văn Yên có trên 4.800 hội viên thì tỷ lệ hội viên thuộc hộ nghèo đã giảm xuống dưới 9%; hội viên khá, giàu tăng lên trên 51%

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục