“Nhà sáng chế” ở Tà Chơ
- Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 2:30:42 PM
YBĐT - Tháng 3/2016, niềm vui lớn đã đến với Vàng A Chư, bởi anh là 1 trong số 13 cá nhân điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011 - 2015.
Giàng A Chư (thứ 2 bên phải) giới thiệu công dụng của chiếc máy gặt lúa, làm cỏ ngô do anh sáng chế.
|
Cần cù, sáng tạo trong lao động
Vàng A Chư, sinh năm 1981 tại thôn Tà Chơ, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Là con cả trong gia đình còn nhiều khó khăn, nên mới học xong tiểu học, anh đã phải ở nhà giúp bố mẹ làm công việc nhà nông. Năm 2004, anh lấy vợ và được bố mẹ cho ra ở riêng với ít ruộng nương chỉ đủ để sản xuất lương thực cho một gia đình nhỏ. Điều đó, khiến anh luôn trăn trở phải tìm một nghề nào đó để vươn lên thoát nghèo. Sau nhiều suy nghĩ, anh quyết định theo học nghề mộc do Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải mở tại xã.
Nhờ cần cù, chịu khó tiếp thu kiến thức trên lớp và học hỏi những người có kinh nghiệm, anh Chư nhanh chóng làm được các vật dụng đơn giản sử dụng trong gia đình. Sau thời gian miệt mài lao động, tay nghề của anh ngày một vững vàng hơn, tạo được uy tín với bà con về kiểu cách, chất lượng sản phẩm nên nhiều người đã nhờ anh đóng đồ gia dụng và làm nhà gỗ. Trung bình mỗi năm, anh Chư nhận làm 2 đến 3 nếp nhà với tiền công từ 6 đến 10 triệu đồng/nếp và cùng với tiền công đóng đồ gia dụng, anh đã có nguồn thu đáng kể so với so với điều kiện ở một địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn. Từ nghề thợ mộc, anh đã có tiền trang trải để cuộc sống hàng ngày bớt đi những khó khăn.
Bên cạnh nghề mộc, khi được tiếp cận với máy móc, kỹ thuật, anh Chư tiếp tục bộc lộ sự thông minh, sáng tạo, chịu khó học hỏi của mình khi Nhà nước có chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào vùng cao một số các loại máy nông cụ như: máy cày bừa, máy cưa, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ… phục vụ sản xuất. Do mới được tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nên nhiều người dân đã sử dụng, bảo quản máy nông cụ không tốt, không đúng cách, đã làm máy hư hỏng nhiều. Cũng vì không biết sửa chữa, nên mọi người đành bỏ xó những máy móc không được sửa chữa. Nhìn những tài sản cứ hoen gỉ dần, một suy nghĩ lóe lên trong anh là phải học cách để sửa chữa.
Nghĩ là làm, đầu năm 2015, anh xin theo học lớp sửa chữa máy móc tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ. Sau 3 tháng, anh được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề sửa chữa thiết bị máy nông cụ. Trở về Tà Chơ, bằng số tiền tích cóp từ trồng thảo quả, nghề mộc, anh Chư mạnh dạn đầu tư mua sắm dụng cụ mở dịch vụ sửa chữa máy nông cụ. Với tính cẩn thận, tỷ mỷ trong việc sửa chữa máy móc, anh đã tạo được uy tín để mọi người trong và ngoài xã khi có máy móc bị hỏng đều tìm đến anh để sửa chữa...
Sáng chế
Từ sự chăm chỉ, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, anh Chư đã trở thành "Nhà sáng chế” của thôn Tà Chơ. Sau nhiều ấp ủ, nghiên cứu, anh Chư đã sáng chế ra loại máy có hai công dụng là gặt lúa và làm cỏ ngô, giảm được rất nhiều công lao động.
Anh Chư giới thiệu: "Cái máy này làm bằng 7 người lao động chân tay. Mọi lần, nương lúa của gia đình tôi phải nhờ gần chục người gặt cả ngày mới xong. Vậy mà, một máy gặt tự chế như thế này chỉ gặt trong một ngày. Không những thế, nó còn làm được cỏ ngô nữa. Mọi lần vợ, con tôi đi làm cỏ nương ngô của nhà phải mất hơn hai tuần, đến khi mình đưa máy vào làm thì chỉ hai đến ba ngày là xong”.
Anh Chư cho biết thêm: "Năm 2015, sau khi thử nghiệm thành công loại máy hai công dụng này, anh đã làm gần 200 chiếc và bán được khá nhiều tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với giá từ 4 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/1 chiếc”.
Không chỉ học nghề để phục vụ phát triển kinh tế gia đình, từ khi có nghề trong tay, anh Chư thường xuyên hướng dẫn miễn phí cách sử dụng máy cho trên 2 chục thanh niên trong xã và người thân để mọi người dùng máy móc đi làm thuê kiếm tiền. Đầu năm 2016, thấy nhu cầu của nhiều người dân từ việc sửa chữa đến mua máy nông cụ tự chế của anh, anh Chư quyết định thuê một lô đất tại tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải để sửa chữa, mua, bán thêm một số mặt hàng, thiết bị máy nông cụ phục vụ người dân trong, ngoài huyện.
Nói về Vàng A Chư học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở huyện Mù Cang Chải, đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đánh giá: "Vàng A Chư là một người rất có nghị lực và ý chí vươn lên. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không được học hành bài bản, nhưng anh rất cần cù, chịu khó học hỏi và biết tận dụng cơ hội vươn lên thoát nghèo. Trong cộng đồng người Mông trên địa bàn huyện, những người có tư tưởng, ý chí tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và tư duy để phát triển kinh tế như Vàng A Chư là rất hiếm, nên đây là một điển hình rất xứng đáng được tuyên dương”.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Cùng cảnh ngộ với các hộ trồng chè, bà Phương Thị Phượng ở thôn 8, xã Khánh Hòa (Lục Yên) đã quyết định vay mượn đầu tư hệ thống máy móc phục vụ cho gia đình và tiêu thụ chè tươi cho người dân nơi đây.
YBĐT - Tìm cho mình hướng đi riêng trong chăn nuôi, anh Hà Văn Năm ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi 100 con lợn thịt với phương châm “Nói không với việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi”.
YBĐT - Đến thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương (Văn Chấn) ai cũng nhắc tới ông Lý Kim Tiến, người dân tộc Tày, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, thành viên tổ hòa giải ở thôn Bản Khinh. Đã ở tuổi 80 nhưng ông Tiến vẫn minh mẫn, sống gương mẫu trong gia đình, dòng họ và được cộng đồng nể trọng. Từ năm 2011 đến nay, ông Lý Kim Tiến liên tục được tôn vinh và được cấp có thẩm quyền công nhận là người có uy tín.
YBĐT - Trong số 600 nghệ nhân dân gian trên khắp cả nước được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" vào cuối năm 2015, tỉnh Yên Bái vinh dự có 10 nghệ nhân dân gian được phong tặng danh hiệu cao quý này. Nghệ nhân Hoàng Tương Lai - người giữ hồn văn hóa Tày vùng Đông Hồ (Yên Bình) là một trong số đó.