Thầy Duy thành công từ học Bác điều giản dị
- Cập nhật: Thứ ba, 31/5/2016 | 4:48:43 PM
YBĐT - Với thầy giáo Lại Xuân Duy, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày và điều mà thầy luôn nung nấu là làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh, thành trong cả nước.
Năm nay là năm học thứ tư thầy giáo Vật lý Lại Xuân Duy đứng trên bục giảng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái. Cũng bốn năm ấy, thầy đều bồi dưỡng các em tham gia thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực. Đặc biệt, học trò của thầy Duy đã lần đầu tiên mang về cho tỉnh Yên Bái giải thưởng ở kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương năm học 2014 - 2015.
Khi còn học đại học, những điều thú vị của Vật lý đã lôi cuốn thầy vào bộ môn Khoa học tự nhiên này. Ra trường, làm giáo viên của trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, thầy Duy ra sức tự học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng thông qua các kỳ hội giảng.
Năm học 2010 - 2011, thầy đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cùng năm đó, học sinh thầy bồi dưỡng cũng giành giải ở cấp tỉnh. Mỗi hiện tượng tự nhiên, các dạng vận động của thế giới vật chất, các định luật, phương pháp suy luận khoa học, tư duy logic… được thầy nắm vững, trình bày sáng tạo trong các tiết giảng để học sinh dễ cảm thụ từ đó tạo niềm yêu thích môn học của mình.
Việc thầy Duy tham gia thi tuyển, đỗ thủ khoa trở thành giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành năm 2012 cũng nhằm tìm thêm môi trường tốt hơn để thầy rèn giũa và công hiến hơn nữa.
Chuyển đến ngôi trường có bề dày đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh là vinh dự, song đối với thầy Duy ở đó càng đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa để nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thầy giáo Vật lý Lại Xuân Duy (bên phải) trò chuyện với học sinh trong giờ ngoại khóa.
Thời gian để tự bồi dưỡng bản thân được dành ra nhiều hơn. Lúc thì trong thư viện, có khi là những trao đổi với các học trò, hoặc học hỏi, chia sẻ cùng đồng nghiệp. Rồi cả những khoảng thời gian ít ỏi ở gia đình, thầy cũng thu xếp để có thể nghiên cứu, soạn cho mình giáo án khoa học, phương pháp truyền đạt hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp, cũng như bồi dưỡng cho đội tuyển thi học sinh giỏi đạt kết quả cao.
Những năm đứng trên bục giảng trường chuyên cũng là khoảng thời gian thầy Duy cũng như cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nhà trường tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thầy luôn ghi nhớ rằng: nói phải đi đôi với làm, luôn nghiêm túc trong thực hiện các quy định của trường, của nghề nghiệp, luôn thực hiện dân chủ trong mọi hoạt động, tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để rút kinh nghiệm cho bản thân... Với thầy Duy, học Bác, làm theo Bác đơn giản chính là những công việc thường ngày, và mục tiêu mà thầy luôn nung nấu làm sao Yên Bái có nhiều học sinh giỏi, sánh với các tỉnh thành trong cả nước.
Nhận thức và những việc làm bình dị của thầy Duy đã mang lại kết quả không nhỏ cho cả ngôi trường mang tên Bác. 100% học sinh được thầy Duy dạy, điểm Vật lý đều đạt khá, giỏi trở lên; tất cả học sinh lớp thầy chủ nhiệm đều có hạnh kiểm tốt. Sáng kiến “Xây dựng hệ thống bài tập và hướng dẫn giải bài tập về phần chuyển động của vật rắn” của thầy được Hội đồng Khoa học ngành giáo dục tỉnh xếp loại khá và áp dụng vào giảng dạy hiệu quả.
Nhờ sự bồi dưỡng của thầy, năm nào trường chuyên cũng có học sinh giỏi toàn tỉnh và quốc gia môn Vật lý, góp phần nâng tổng số học sinh giỏi quốc gia của trường từ 31 em năm học 2011 - 2012 lên 68 em năm học 2014 - 2015.
Một năm học nữa khép lại. Kết quả mà trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đạt được khẳng định công lao của các thầy cô, trong đó có những dấu ấn của giáo viên Vật lý Lại Xuân Duy. Những điều đơn giản trong học tập và làm theo Bác đã được tập thể nhà trường và mỗi cá nhân cụ thể hóa bằng cả tâm - sức cho thế hệ tương lai.
Quang Tuấn - Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Việc linh hoạt, nhạy bén đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm về xã Chấn Thịnh của ông Lò Văn Mậu không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.
YBĐT - Với cái tâm giữ nghề của dân tộc mình, bà Hoàng Thị Giảng ở xã Khánh Thiện vẫn ngày ngày dệt thổ cẩm để làm nên những vỏ chăn, đệm, trang phục, như cố để lưu giữ sự đặc sắc cho đời sau.
YBĐT - Cùng cảnh ngộ với các hộ trồng chè, bà Phương Thị Phượng ở thôn 8, xã Khánh Hòa (Lục Yên) đã quyết định vay mượn đầu tư hệ thống máy móc phục vụ cho gia đình và tiêu thụ chè tươi cho người dân nơi đây.
YBĐT - Tìm cho mình hướng đi riêng trong chăn nuôi, anh Hà Văn Năm ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi 100 con lợn thịt với phương châm “Nói không với việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi”.