Nữ trưởng thôn trên đỉnh Nậm Đông
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2016 | 9:26:55 AM
YBĐT - "Hà Thị Chiển làm trưởng thôn tốt lắm, giúp cho bà con thôn Nậm Đông 2 được nhiều việc. Nhà nó ở trên đỉnh đồi kia kìa" - ông Lò Văn Thút ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chỉ tay theo con đường bê tông dốc ngược lên đỉnh đồi.
Chị Hà Thị Chiển (bên phải) luôn quan tâm lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật cho nhân dân, nhất là chị em phụ nữ.
|
Dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi phải ngồi ở nhà ông Hoàng Văn Căn - nguyên Trưởng thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An để đợi chị Hà Thị Chiển - Trưởng thôn Nậm Đông 2 cùng cán bộ văn phòng và thống kê của xã Nghĩa An đi kê khai những người đi dân công hỏa tuyến từ năm 1954 - 1988 để làm chế độ, chính sách. Thấy tôi, chị phân bua: "Xác minh những bác đi dân công hỏa tuyến để làm chế độ, chính sách nên phải thật cẩn thận và chính xác, anh thông cảm!”. Thú thật, ban đầu, tôi có chút hoài nghi về sự chững chạc so với tuổi của người phụ nữ này. Sinh năm 1987, năm 2008 chị làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Nậm Đông 2 và từ năm 2011 đến nay giữ chức Trưởng thôn Nậm Đông 2.
Chị Chiển đến với chức trưởng thôn cũng thật tình cờ. Đó là vào một ngày cuối tháng 11/2011, ông Hoàng Văn Căn - Trưởng thôn Nậm Đông 2 nộp đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Thời gian này, các địa phương trong cả nước bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nên chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai khá nhiều. Cùng với đó, các văn bản, giấy tờ cũng như báo cáo phải làm thường xuyên hơn nên do tuổi cao, sức yếu, ông Căn không kham nổi. Chức Trưởng thôn Nậm Đông 2 bỗng dưng không có người thay thế. Xã thì cũng chưa biết lấy ai "chọn mặt gửi vàng", mà trong thôn cũng chẳng ai muốn nhận. Xét đi, xét lại thì chỉ có chị Hà Thị Chiển - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ là người thích hợp hơn cả.
Chị bảo: "Mình làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn được 3 năm thì được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Ngày đó chức danh trưởng thôn được ví von là "người vác tù và hàng tổng" nên mình lo lắm”.
Ngày đó, thôn mới có 65 hộ với trên 270 nhân khẩu. Số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nậm Đông 2 nằm trên núi cao, mùa đông thì rét buốt, mùa hè thì gió Lào. Từ lâu, bà con đã quen trồng giống lúa, ngô địa phương năng suất rất thấp. "Năm 2012, mình vận động bà con gieo cấy hết toàn bộ 11,4 ha diện tích theo đúng lịch gieo cấy của xã, đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Ai cũng bảo giống lúa ở đây trồng còn chẳng mẩy hạt, cấy lúa chất lượng cao thêm mất công, rồi chỉ để trâu, bò ăn thôi. Mình nghĩ, nhiều nơi cấy được, sao ở đây lại không được và quyết tâm làm".
Trưởng thôn Hà Thị Chiển cùng chồng chuyển toàn bộ diện tích ruộng nhà mình sang cấy giống lúa mới. Ông trời cũng không phụ công chị. Lúa năng suất, chất lượng cao mỗi ngày thêm xanh tốt, rồi trổ đòng, uốn câu. Mảnh ruộng vụ trước chỉ vẻn vẹn được khoảng 3 bao thóc thì năm đó được những 6 bao đầy. Nhà chị thu hoạch được gần 50 bao thóc trước sự ngỡ ngàng của bà con trong thôn.
Đến lúc này, bà con mới bảo nhau đến nhà chị hỏi mua giống lúa năng suất, chất lượng cao ở đâu và kỹ thuật cấy, chăm sóc ra sao. Thế là chị lại nhiệt tình chỉ cho bà con cách ủ thóc giống, gieo mạ, chăm sóc lúa, đồng thời hướng dẫn sử dụng phân nén dúi sâu trong sản xuất; rồi lại vận động chuyển từ trồng ngô địa phương sang trồng ngô hàng hóa cho năng suất cao. Từ đó đến nay, nhờ ngô, lúa được mùa, đời sống người dân trong thôn đã thay đổi. Hàng năm, 100% diện tích lúa nước cấy 2 vụ, năng suất bình quân đạt trên 12 tấn/ha/năm.
Cùng với đó, nhân dân trong thôn trồng 7 ha ngô đồi và ngô đôn0g, khoảng 6 ha rau màu các loại, thả cá xen lúa trên 40% diện tích. Ngoài ra, chị còn vận động nhân dân trong thôn tận dụng quỹ đất nương rẫy để trồng sắn xen với trồng cây lâm nghiệp, phủ xanh đất trống, đồi trọc với phương châm lấy ngắn nuôi dài đã tăng thu nhập cho các hộ dân, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.
Những năm đầu làm Trưởng thôn kiêm chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ điều chị tâm đắc nhất là đã giúp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có suy nghĩ tiến bộ hơn, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Ngày trước, đám cưới của đồng bào Thái đen rất rườm rà vì nhiều nghi lễ. Trước khi lấy chồng, cô dâu phải sắm cho họ hàng nhà chồng tương lai mỗi người một chăn, một đệm, một vài cái gối, đệm ngồi... Có nhà đông anh em, cô dâu tương lai phải làm hàng năm trời.
Em Lò Thị Trang lấy chồng là người cùng thôn cho biết: "Sắp đến ngày tổ chức đám cưới em lo lắm, phải lo đủ 10 chăn, 10 đệm, 1 chiếc màn đen, 2 tấm ri đô và 100 cái gối, 100 cái đệm ngồi tặng cho họ hàng nhà trai đến mừng đám cưới. Để làm đủ những thứ trên, em phải xin bố mẹ tiền ra chợ mua vải từ nhiều tháng trước, sau đó nhờ bạn bè đến làm hộ ròng rã trong 6 tháng trời".
Trong khi đó, phía nhà trai thì phải lo nhiều lít rượu đế, hàng trăm cân thịt lợn, hàng tạ gạo thơm... Vì thế, nhiều gia đình nghèo không lấy được vợ, gả được chồng cho con cái. Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau đám cưới nợ nần chồng chất, nghèo đói quanh năm... Kiên trì tuyên truyền, chị Chiển đã vận động được bà con dân tộc Thái đen ở Nậm Đông bỏ tục thách cưới cao, tổ chức đám cưới vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc nhưng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm.
Từ năm 2011 đến nay, chị Hà Thị Chiển giữ chức Trưởng thôn Nậm Đông 2 và là thành viên Ban Phát triển nông thôn mới. Chị tâm sự: "Ngày trước, công việc nhiều nhưng có chồng chia sẻ, động viên nên cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng năm 2012 nhà tôi mất, có một mình vừa chăm sóc con, vừa tham gia công tác xã hội, việc gì cũng đến tay vất lắm”.
Trưởng thôn Hà Thị Chiển vận động đồng bào Thái đen trong thôn bỏ tục thách cưới cao.
Xã Nghĩa An đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên nhiều vấn đề đặt ra. Với thôn Nậm Đông 2 lại khó khăn hơn bội phần vì trình độ dân trí của bà con còn hạn chế. Giải thích thế nào để nhân dân hiểu, cùng chung tay XDNTM không hề dễ. Vậy mà gần 5 năm qua, chị Chiển đã vận động các hộ dân cải tạo hàng trăm mét vuông ao nuôi thả cá, mỗi năm cho thu hoạch hàng tạ cá thịt, trị giá hàng chục triệu đồng; khai hoang thêm ruộng để gieo cấy lúa tập thể, xây dựng quỹ thôn, hàng năm đạt từ 6 triệu đồng trở lên. Chị cũng đã vận động các hộ trong thôn trồng, bảo vệ, quản lý 11 ha rừng; ủng hộ góp quỹ hỗ trợ người nghèo được trên 1 triệu đồng/năm, thành lập 2 tổ tiết kiệm với 57 hộ vay vốn với tổng số tiền gần 900 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.
Ngoài ra, chị còn thành lập và duy trì tốt cụm phụ trách chống bỏ học, thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Nhiều năm qua, 100% số học sinh các cấp trong thôn được ra lớp đầy đủ, không có trường hợp bỏ học. Đồng thời, thôn cũng thành lập được 1 dòng họ khuyến học với Quỹ Khuyến học bằng thóc, trị giá trên 12 triệu đồng.
Quy chế dân chủ được phát huy, một số hương ước, quy ước phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương được triển khai như: trong thôn có người chết mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp 1 kg gạo, 1 bó củi ngoài thủ tục mai táng; trong thôn có hộ đào nền nhà, vận chuyển vật liệu, Trưởng thôn thông báo các hộ đến giúp, không tổ chức ăn uống, tránh gây phiền hà, tốn kém cho gia chủ; những hộ vắng mặt theo quy ước (trừ lý do đặc biệt) sẽ bị phạt 3 kg thóc, không tham gia lao động là 5 kg thóc và số thóc này được Hợp tác xã thu giúp làm quỹ phục vụ hoạt động của thôn. Qua đó, giúp thôn hoạt động có nề nếp, ý thức chấp hành của người dân được nâng lên, phát huy được tính công bằng giữa các hộ.
Chuyện về chị Hà Thị Chiển người nữ Trưởng thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An khiến tôi suy nghĩ mãi trên đường về. Giá như địa phương nào cũng có nhiều con người nhiệt tình, hết mình vì thôn bản như chị Chiển thì thật đáng quý. Và trong tôi cũng chẳng còn chút hoài nghi mà thay vào đó là sự nể phục và tin tưởng về một nữ trưởng thôn chưa đầy 30 tuổi đời này.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Tháng 3/2016, niềm vui lớn đã đến với Vàng A Chư, bởi anh là 1 trong số 13 cá nhân điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011 - 2015.
YBĐT - Cùng cảnh ngộ với các hộ trồng chè, bà Phương Thị Phượng ở thôn 8, xã Khánh Hòa (Lục Yên) đã quyết định vay mượn đầu tư hệ thống máy móc phục vụ cho gia đình và tiêu thụ chè tươi cho người dân nơi đây.
YBĐT - Tìm cho mình hướng đi riêng trong chăn nuôi, anh Hà Văn Năm ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi 100 con lợn thịt với phương châm “Nói không với việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi”.
YBĐT - Đến thôn Bản Khinh, xã Thanh Lương (Văn Chấn) ai cũng nhắc tới ông Lý Kim Tiến, người dân tộc Tày, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, thành viên tổ hòa giải ở thôn Bản Khinh. Đã ở tuổi 80 nhưng ông Tiến vẫn minh mẫn, sống gương mẫu trong gia đình, dòng họ và được cộng đồng nể trọng. Từ năm 2011 đến nay, ông Lý Kim Tiến liên tục được tôn vinh và được cấp có thẩm quyền công nhận là người có uy tín.