Bí thư “hai giỏi”
- Cập nhật: Thứ hai, 25/7/2016 | 10:02:50 AM
YBĐT - Đến Phong Dụ Thượng tôi hỏi về người đảng viên làm kinh tế giỏi, đến hỏi bà con về người có uy tín, cán bộ, đảng viên và nhân dân giới thiệu là ông. Ông là Siều Ngọc Tân - người cán bộ duy nhất ở huyện Văn Yên có thâm niên 30 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, một tấm gương làm kinh tế giỏi, người lãnh đạo được nhân dân quý trọng.
Bí thư Siều Ngọc Tân giới thiệu sản phẩm quế của gia đình.
|
Từ người lính đến người trồng quế
Từ trụ sở xã Phong Dụ Thượng, ngược con dốc "đỏ” đi khoảng 700 mét đường đất gồ ghề, tôi có mặt tại nhà ông - Bí thư Đảng ủy Siều Ngọc Tân. Ngôi nhà xây 2 tầng kiểu nhà sàn truyền thống. Sàn trên, đầy đủ tiện nghi hiện đại. Dưới gầm sàn quế chồng chất ngất. Mùi quế nồng đượm cả một khoảng không gian... Chỉ tay vào quế, tôi vào thẳng câu chuyện:
- Chỗ quế này khoảng bao nhiêu tấn ạ?
- Chỗ này là hơn 6 tấn đấy cô ạ, gia đình vừa thu hoạch năm rồi, đang chờ thương lái lên mua” - ông nói.
- Năm nay giá quế có cao không ạ?
- Giá quế tương đối ổn định, mỗi năm tăng một chút theo thị trường, ở dưới Hạ (Phong Dụ Hạ) là 400 triệu đồng/tấn, nhưng trên này, đường xá đi lại khó khăn, thương lái chỉ trả 360 triệu đồng/ tấn thôi.
Nhìn gương mặt rạng ngời của ông, tôi nhẩm tính, với hơn 6 tấn quế này gia đình thu về một khoản tiền khá lớn, trên 2 tỷ đồng - có nằm mơ tôi cũng không nghĩ được nông dân ở nơi vùng sâu này giàu như thế.
Rồi như để giải thích cho những gì mình có, ông trải lòng: "Có lẽ tôi có duyên với rừng, từ khi xuất ngũ (năm 1981) về quê, tôi chỉ biết lên rừng, phát nương trồng quế. Quế lâu năm nhất là 35 năm. Quế nhỏ cũng bắt đầu cho thu hoạch. Cả thảy 22 ha. Từ hai bàn tay trắng bây giờ tôi đã có một cuộc sống ấm no. Các con đều có gia đình riêng, có nhà, có xe, có trâu, có ruộng, có đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm... tất cả đều từ rừng quế mang lại”.
Dẫn tôi đi thăm rừng quế khi mặt trời treo trên đỉnh núi. Tôi đưa mắt nhìn khắp một dải từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc mà trầm trồ, ngưỡng mộ. Những thân quế to, đường kính từ 40 - 60 cm, thẳng đứng như những cột chống trời. Dừng bước ông nói: "Đây là những héc-ta quế đầu tiên tôi bắt tay vào trồng năm 1982. Ban đầu chỉ suy nghĩ mình đã trải qua quân ngũ, trẻ trai có, nhiệt tình có, về quê phải phát huy tinh thần làm kinh tế giỏi, có tiền mới lấy vợ. Cứ thế, ngày nắng thì phát rẫy, đốt nương, ngày mưa tra hạt. Quế hợp đất lớn nhanh trông thấy, cứ vạt đồi này lên xanh thì vạt kia lại tra hạt. Tôi chẳng nhớ nổi mình say mê với nương đồi như thế nào, đến khi có người trong xã hỏi: "Mày làm nhiều mà không nghĩ đến việc tán gái à. Gái bản sắp lấy chồng hết rồi...”. Đến lúc đó, tôi mới chột dạ bởi ngày cứ lên rừng, tối đi sinh hoạt chi bộ, không còn thời gian riêng cho chuyện tìm hiểu...”. Ông cười tủm tỉm khi nhớ lại chuyện xưa.
"Khi ấy quế chưa thu hoạch được, tiền cũng không có, mình lấy được vợ bởi cái tiếng là đảng viên trẻ kết nạp trong quân đội và chịu khó lao động. Lấy vợ rồi sinh liền 3 con, hai vợ chồng vừa trồng lúa, trồng quế, đào ao, chăn nuôi con lợn, con gà, khó khăn nhưng vẫn động viên nhau "Vì lợi ích 10 năm trồng cây...”. Đến năm 1996 quế bắt đầu cho khai thác. Vụ đầu thắng lợi thu về 130 triệu đồng. Mình nghĩ ngay tới việc xây nhà cho đàng hoàng. Lúc bấy giờ, cả làng, cả xã trầm trồ thán phục. Sau lần đó nhà nhà xin nhận đất trồng quế, trong xã trừ ngày mùa tất cả đều theo nhau lên rừng trồng quế, tra ngô. Bây giờ thì diện tích quế cả xã đã lên tới 1.800 ha”.
Vừa đi vừa tâm sự. Ông kể tôi nghe về những lần tham gia chiến đấu ở Mường Khương, Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Đam mê nhất là kinh nghiệm trồng quế. Riêng chuyện đào hàng nghìn mét vuông ao thả cá các loại, mỗi năm bán được đôi tấn. Ông dừng lại bảo: "Môi trường nước ở đây tuyệt vời, có nguồn nước chảy nên phù hợp với nhiều loại cá quý như lăng, chiên, trắm đen... nên những nhà có ao năm nào cũng thu được năm, bảy mươi triệu đồng, nhà tôi mỗi năm cũng thu về chừng ấy”. Hết cá rồi chuyện nuôi trâu chung, trồng ngô đồi, mở mang ruộng nước, mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi... mỗi chuyện là một trải nghiệm và thành công nhất định.
"Bây giờ đi đến thôn nào cũng có hộ gia đình làm kinh tế giỏi, họ biết kết hợp cả làm kinh tế đồi rừng, ruộng lúa, ao cá, trâu bò và làm dịch vụ, ví dụ như các hộ ông Phan Văn Tuấn, bà Lò Thị Nguyên ở thôn 1; hộ ông Lò Văn Duyên ở thôn 2; hộ ông Hoàng Văn Chài ở thôn 3; thôn 4 có hộ ông Mai Văn Hiến; thôn 9 có hộ ông Ngô Văn Minh... tất cả đều nhìn nhau mà phấn đấu đấy” - ông phấn khởi cho biết.
Dừng chân trên đỉnh cao nhất, ông chỉ tay ra xa rồi quay sang tôi bảo: "Cả vùng núi xanh thẫm kia là quế, hầu như nhà nào trong xã cũng có quế, nhà ít thì một vài héc-ta, nhà nhiều cũng trên chục héc-ta”. Tôi nhìn quế rồi nhìn ông mà thấy nét cười reo vui trong ánh mắt.
- Vừa làm kinh tế vừa giữ vai trò Bí thư Đảng ủy xã, ông thấy mình có khó khăn gì không?
- Không hề nhé, mình làm Bí thư thì phải đi đầu thôi, vận động từ người trong nhà, trong họ hàng, làng xóm, ai cũng thấy mình làm được thì làm theo và ủng hộ. Vì thế mà công việc của xã cũng suôn sẻ, việc nhà cũng băng băng...”. Ông cười rộn rã.
"30 tuổi” Bí thư
Bước ra khỏi rừng quế. Theo chân ông về các ngả đường trong xã, thi thoảng chúng tôi lại gặp những chiếc xe tải chở quế, chở hàng hoá đang ngược xuôi, ông quay sang bảo: "Con đường trục chính này là do dân tự mở đấy. Đây là kết quả cuộc vận động toàn dân tham gia làm đường giao thông thành công nhất, mở màn cho những con đường trong xã sau này”.
Thấy tôi chăm chú ghi chép, ông bổ sung "Năm 1986, khi ấy tôi đang làm bí thư nhiệm kỳ thứ 2, cả xã không có đường ô tô đến trung tâm, mọi phương tiện giao thương bên ngoài dựa vào sức trâu và ngựa, đời sống nhân dân là tự cung, tự tiêu. Trước tình hình ấy, tôi đã bàn với Đảng ủy đặt ra nghị quyết phải làm bằng được con đường từ dưới Phong Dụ Hạ lên trung tâm xã Phong Dụ Thượng, thời gian là 3 tháng. Ý Đảng hợp lòng dân, con đường dài 12 km, rộng 4,5 m, tiêu chuẩn miền núi đã hoàn thành trước kế hoạch 75 ngày (tức chỉ 15 ngày đã hoàn thành). Hôm khánh thành con đường, bà con trong xã vui lắm, từ già đến trẻ đều ngỡ ngàng vì từ nay không còn phải lo không bán được nông sản, ốm đau bệnh tật không còn phải xuyên rừng, vượt núi như trước nữa”.
- Ông Tân ơi, chiều ra sân sớm nhé!
Bước chân dừng đột ngột, tôi và ông cùng hướng về phía tiếng gọi. Trong góc sân thể thao trung tâm xã, chừng khoảng 15 thanh niên đang râm ran chuyện trò. Người đan lưới, người kẻ lại sân. Bất đắc dĩ câu chuyện về làm đường bỗng nhiên chuyển sang đề tài mới.
Bí thư Tân cho biết: "Trước đây phong trào thể thao của xã yếu kém lắm, thậm chí không có người tham gia. Sau khi triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thì phong trào đi lên rõ rệt. Tôi đưa ra ý kiến tại cuộc họp Đảng ủy rằng: "Muốn làm kinh tế giỏi thì tinh thần phải được khơi thông trước. Chúng ta sẽ lồng ghép tuyên truyền mọi chính sách dễ dàng khi có phong trào. Đảng ủy nhất trí ra nghị quyết, mỗi thôn phải xây dựng một đội văn nghệ, 1 đội bóng đá, bóng chuyền, mỗi tuần luyện tập 1 lần. Sau đó trong mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, đội văn hoá - thể thao các thôn giao lưu, thi đấu với nhau. Từ đó mọi người tham gia tích cực, hiện nay trên 30% dân số trong xã thường xuyên tham gia vào các hoạt động này”.
- 30 năm làm Bí thư có điều gì khiến ông nhớ mãi ạ?
- Nói thực là có nhiều kỷ niệm lắm cô ạ. Mỗi nhiệm kỳ lại có một dấu ấn riêng, ví như vận động bà con làm đường giao thông; phân chia đất rừng để trồng quế và cây lâm nghiệp; khai phá ruộng nước ven dòng Hút; vận động nhân dân nuôi trâu bán công nghiệp; vận động bà con sống hợp vệ sinh, đào hố rác tập thể; trồng ngô đồi và đào ao thả cá. Ban đầu nhiều người cũng rụt rè, nhưng tôi vận động mọi người trong nhà, trong dòng họ phải làm trước. Nhân dân thấy tôi thu nhập năm nào cũng trên dưới 500 triệu đồng, từ đó mọi người làm theo. Làm rồi mới hiểu "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Sau mỗi lần thực hiện, tôi yêu cầu Đảng ủy họp rút kinh nghiệm. Đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã được quy hoạch khang trang; 100% học sinh đến độ tuổi đều đến trường; 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, dịch bệnh không có, an ninh quốc phòng đảm bảo; trên 30% số hộ dân trong xã đạt khá giàu... - ông Tân bổ sung thêm.
- Theo ông yếu tố nào đã mang lại những thành công cho xã ạ?
- Thành công nhất là sự đoàn kết và sự tham gia gương mẫu nhiệt tình của các đảng viên. Từ chi bộ ban đầu có 13 đồng chí, đến nay phát triển thành Đảng bộ với 260 đồng chí. 100% các đảng viên đều thực hiện tốt nhiệm vụ người đảng viên, Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu "Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, từ đó đã thu hút được đông đảo đoàn viên ưu tú vào Đảng.
Ánh chiều đã đổ thành vệt dài. Đằng Đông mảnh trăng non đầu tháng đã thấp thoáng trên đỉnh núi. Tôi dừng ghi chép mà trong lòng vẫn còn luyến tiếc ngày ở đây ngắn mà chuyện còn dài. Câu chuyện về Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng - Siều Ngọc Tân có thâm niên 8/10 khoá, 30 năm liên tục ở vị trí đứng đầu càng lúc càng khắc sâu hơn trong tôi sự mến phục. Chia tay ông, lòng thấy nhẹ nhàng lâng lâng, chợt nhớ lời ca trong nhạc phẩm "Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn lại thấy gần gụi, dung dị như thể viết tặng cho ông vậy! Và tôi tin là như thế.
Thanh Thủy
Các tin khác
YBĐT - Từ 50 hộ ban đầu, giờ bản Đề Sủa có tới 119 hộ, 678 nhân khẩu; 6 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.
YBĐT - Đến thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nhắc đến ông Bùi Đức Hiền ai cũng biết, vì mặc dù tư liệu sản xuất là đất đai không nhiều, nhưng gia đình ông đã biết lựa chọn cây trồng phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
YBĐT - “Đã là người lính, thì mặt trận nào cũng phải luôn hướng về phía trước. Chỉ có vậy mới chinh phục được mục tiêu mà mình đặt ra” - đó là chia sẻ của ông Trương Văn Trường 54 tuổi - thương binh 4/4, ở thôn 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
YBĐT - Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.