Bà Lợi vươn lên nhờ đồng vốn chính sách

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/10/2017 | 7:11:31 AM

YBĐT - Từ nỗ lực của các thành viên trong gia đình, cùng với sự trợ giúp của chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Chu Thị Lợi ở tổ 30, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã vươn lên trong cuộc sống.


Bà Chu Thị Lợi (bên trái) trao đổi  với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bà Chu Thị Lợi (bên trái) trao đổi với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội.


Trong cuộc sống không ít gia đình vì hoàn cảnh khó khăn mà để con cái phải lỡ dở việc học hành, vươn lên trong cuộc sống, bà Chu Thị Lợi ở tổ 30, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cũng đã từng đứng trước hoàn cảnh như vậy. Nhưng may mắn đã đến với bà khi được vay vốn từ Chương trình cho vay học sinh sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nên hai con của bà được tiếp tục đi học, trở thành những người thầy thuốc.

Gia đình bà Chu Thị Lợi thuộc diện hộ nghèo của phường Yên Thịnh. Bà tâm sự: "Trước đây, nhà tôi nghèo không phải vì lười lao động mà do chồng tôi ốm đau thường xuyên, phải chạy chữa nhiều nơi tốn kém tiền bạc. Trong khi đó, hai con tôi còn nhỏ, đang đi học. Một mình tôi phải đi làm thuê đủ các việc như đánh đất, phụ hồ... nhưng vẫn không đủ tiền chi phí thuốc men, sinh hoạt gia đình”. 

Cuộc sống tưởng chừng như bế tắc nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, của các hội, đoàn thể và của bà con xóm phố. Năm 2006, gia đình bà Lợi được xét vào diện hộ nghèo, được các chị em trong Hội Phụ nữ phường hướng dẫn gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn phố Yên Ninh 7 rồi được vay số tiền 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. 

Sau khi nhận tiền vay, bà Lợi dùng để mua một con bò nái, nuôi thêm lợn, gà. Bên cạnh đó, bà vẫn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. 

Do biết hoàn cảnh khó khăn, nên hai đứa con của bà Lợi rất thương bố mẹ, chịu khó học hành. Năm 2007, cháu lớn thi đỗ Đại học Y Hà Nội, cả nhà chưa kịp mừng thì đã lo điều kiện kinh tế như vậy biết lấy đâu tiền cho con đi học. Nỗi lo của gia đình bà Lợi đã được giải quyết nhờ các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, được tổ trưởng tuyên truyền về Chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Ưu điểm lớn nhất của Chương trình này là thời gian cho vay dài, chưa phải trả lãi ngay. Sau khi con ra trường mới phải trả gốc mà cũng trả dần trong nhiều năm nên vợ chồng bà Lợi yên tâm làm hồ sơ vay 32 triệu đồng cho con đi học. 

Năm 2008, cháu gái thứ hai của bà Lợi thi đỗ vào Đại học Y Thái Nguyên. Lúc này vợ chồng bà thực sự hoang mang, nếu cho con đi học thì là gánh nặng quá lớn đối với gia đình, nhưng nếu không cho con đi học thì có tội với con. 

Bản thân cháu lại thiết tha đi học, cháu xin bố mẹ: "Bố mẹ cứ vay vốn cho con đi học. Con sẽ cố gắng học giỏi, chi tiêu tiết kiệm, sau này ra trường con sẽ đi làm để trả nợ tiền vay”. Thương con, không muốn con vất vả như bố mẹ, một lần nữa ông bà Lợi lại đăng ký vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho con đi học với số tiền 48 triệu đồng.

May mắn đến với ngôi nhà nhỏ của bà Lợi khi sức khỏe của chồng bà dần hồi phục. Có sức, hai vợ chồng bà chịu khó chăm sóc bò, lợn và làm thuê để tăng thêm thu nhập. Đàn bò tăng dần lên 5 con, vợ chồng quyết định bán bớt để trả nợ ngân hàng. 

Năm 2011, gia đình bà Lợi đã được ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng vẫn được tham gia chương trình vay vốn hộ cận nghèo với khoản vay 30 triệu đồng. Lần này, có sức khoẻ, có kinh nghiệm làm ăn, lại tiếp tục nhận được sự chia sẻ, động viên của anh em trong xóm phố và Chi hội Phụ nữ nên vợ chồng bà Lợi đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi lợn gà. Do chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình đã dần khá lên và các con đi học cũng không ngừng tiến bộ.  

Năm 2012, đứa con lớn của bà Lợi ra trường và được làm ở Bệnh viện tỉnh Phú Thọ với thu nhập khá. Năm 2014, con gái cũng ra trường về làm việc tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và được hưởng chế độ thu hút. Từ khi các con đi làm, có lương đều dành dụm gửi bố mẹ để trả nợ, trả lãi ngân hàng, nợ giảm dần qua từng năm. Nhờ đó, ông bà Lợi tự tin quyết định xây ngôi nhà mới khang trang thay ngôi nhà cũ nát và mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt. 

Từ nỗ lực của các thành viên trong gia đình, cùng với sự trợ giúp của chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Chu Thị Lợi đã vươn lên trong cuộc sống. 

Phan Hoàng Thảo Anh

Các tin khác

YBĐT - Người phụ nữ Dao này có rừng quế giá trị  trên 2 tỷ đồng nhưng vợ chồng chị chưa muốn bán bởi chỉ cần bán cành, bán lá quế, gia đình chị đã có khoản thu nhập ổn định. 

YBĐT - Sau nhiều năm trồng lúa không mang lại hiệu quả, từ năm 2014, ông Lường Văn Lập, người dân tộc Thái ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ đã quyết định chuyển đổi hơn 4.000m2 đất ruộng sang trồng cây thanh long ruột đỏ.

Không chỉ hết lòng vì dân bản, anh Giàng Nủ Chống còn là điển hình làm kinh tế giỏi.

YBĐT - Là một trong những thôn cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại không thuận lợi, nhưng thôn Chống Tầu, xã Làng Nhì (Trạm Tấu) những năm gần đây luôn duy trì là thôn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, dân bản luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, tích cực phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của anh Giàng Nủ Chống - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn - người "cầm lái” giữ cho thôn bản luôn đoàn kết, thuận hòa.

YBĐT - Phần tham luận tại Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Trạm Tấu của lão nông Thào A Sinh, người thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu gây ấn tượng mạnh cho các đại biểu tham dự Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục