Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, chị Phạm Thị Dịu không giấu nổi vui mừng nhưng vẫn thoáng chút ngậm ngùi khi nhắc lại chặng đường gian khó đã trải qua. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ nông thôn khác, sau khi lập gia đình, tranh thủ lúc nông nhàn chị Dịu phải bươn chải ngược xuôi làm thuê, làm mướn đủ nghề mà cuộc sống gia đình vẫn thiếu thốn. Chị luôn trăn trở phải làm gì để thay đổi cuộc sống của gia đình. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị quyết tâm khởi nghiệp bằng mô hình vườn ươm cây giống.
Theo chị, ở thôn Hương Lý đã có nhiều hộ có vườn ươm các loại cây: keo, bạch đàn và nhiều loại cây lâm nghiệp khác nhưng ươm cây quế thì chưa có nhiều. Trong khi đó, nhu cầu thị trường về cây quế rất cao, giá thành giống cây này hơn hẳn các loại cây giống khác nên nếu phát triển mô hình này sẽ có hiệu quả kinh tế cao.
Nghĩ là làm, năm 2017, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ xã Đại Đồng, chị Dịu được hỗ trợ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình để làm vườn ươm quế giống. Thời gian đầu chị gặp không ít khó khăn, vừa thiếu vốn vừa chưa có kinh nghiệm, khách hàng ít nên việc kinh doanh chỉ cầm chừng.
Chị dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình vườn ươm khác; đồng thời, lên mạng Internet vừa tìm hiểu kỹ thuật vừa đăng tải bán hàng trên các trang mạng xã hội. Nhờ vậy, từ một vườn ươm nhỏ quy mô 5 vạn cây/năm, đến nay, chị Dịu đã mở rộng được 3 vườn ươm với quy mô trên 1 triệu cây quế giống/năm.
Chị Dịu cho biết: "Hàng năm, cứ vào tầm tháng 9 - 10 là lúc chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng vụ xuân tôi phải thuê thêm từ 7 - 8 lao động với mức lượng trung bình 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng mới đáp ứng đủ nhu cầu cây giống cho thị trường. Hiện tại, với giá bán tại vườn dao động từ 600 - 700 đồng/cây quế giống, mỗi năm trừ chi phí cũng mang về cho gia đình khoản thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng”.
Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, chị Dịu luôn quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ chị em trong thôn cùng vượt khó làm giàu. Với vai trò là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Hương Lý, chị Dịu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm vườn và giúp đỡ chị em trong Chi hội về vốn, cây giống cũng như kỹ thuật để cùng mang lại thành công. Năm 2019, chị Phạm Thị Dịu mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác vườn ươm với sự tham gia của 5 thành viên.
Ngoài việc liên kết giúp đỡ nhau về giống, vốn và khoa học, kỹ thuật, các thành viên trong tổ còn tìm hướng mở rộng thị trường thông qua việc bán hàng online trên các trang mạng xã hội và kênh youtube. Nhờ vậy, sản phẩm cây quế giống của tổ hợp tác vườn ươm xã Đại Đồng đã được biết đến rộng rãi, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến.
Từ thành công này, chị Dịu cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư một vườn ươm nữa với quy mô 1 triệu cây giống để vừa tăng thêm thu nhập vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhận xét về chị Phạm Thị Dịu, chị Trần Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Đồng cho biết: "Không chỉ năng nổ trong các phong trào của Hội, chị Dịu còn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế để hội viên noi theo. Từ thành công của chị Dịu, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần đắc lực cùng địa phương cán đích nông thôn mới trong năm 2020”.
Anh Dũng