Hoàng Xuân Khúc làm giàu từ điêu khắc đá

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2020 | 8:11:25 AM

Sinh ra và lớn lên trên đất ngọc Lục Yên, có cha mẹ đều làm nghề nông, anh Hoàng Xuân Khúc - chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Khúc Sen ở thôn Trần Phú, xã Minh Xuân đã chứng minh nếu chăm chỉ, kiên trì theo đuổi đam mê thì ai cũng có thể vươn lên làm giàu.

Anh Hoàng Xuân Khúc tỉ mỉ tạo hình cho những khối đá.
Anh Hoàng Xuân Khúc tỉ mỉ tạo hình cho những khối đá.

Với đức tính cần cù cùng đôi bàn tay khéo léo, anh Khúc luôn trau chuốt, tỉ mỉ trong công việc, đặc biệt là những việc liên quan đến điêu khắc, chạm trổ. Từ khi còn đi học, anh đã tập điêu khắc hình Phật trên gỗ hay từng bức tranh gỗ cầu kỳ... 

Niềm đam mê cháy bỏng với điêu khắc đã giúp anh Hoàng Xuân Khúc quyết định theo học nghề điêu khắc gỗ tại Trường Cao đẳng Nghề ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sau quãng thời gian học nghề, Khúc trở về nhà, nhận thấy công việc điêu khắc gỗ tại địa phương lúc bấy giờ không hiệu quả, mà nghề điêu khắc đá mới thực sự mang lại thu nhập cao. Bởi vậy, anh quyết định chuyển sang nghề điêu khắc đá. 

Anh vừa học vừa làm, tích lũy kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất đá trong huyện Lục Yên. Niềm đam mê điêu khắc cùng kiến thức được học và tinh thần ham học hỏi giúp anh nhanh chóng bắt kịp những người thợ giỏi ở địa phương. 

Khi kinh nghiệm đã có, mọi thứ dần ổn định, năm 2012, anh quyết định mở xưởng sản xuất đá mỹ nghệ mang tên Khúc Sen tại thôn Trần Phú, xã Minh Xuân.

Ban đầu, công việc gặp nhiều khó khăn do xưởng ít nhân công, vốn đầu tư còn hạn hẹp, thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường với nhiều thương hiệu đã có tiếng từ lâu. Song dám nghĩ, dám làm cùng sự nhanh nhạy, anh Khúc từng bước khắc phục khó khăn đưa cơ sở dần đi vào hoạt động ổn định. 

Thời gian đầu, anh tự tay làm tất cả những đơn đặt hàng, có khi thức đến 2 giờ sáng làm việc để kịp giao cho khách. Sau dần, anh đào tạo thêm tay nghề cho nhân công đang làm trong xưởng và tuyển thêm thợ điêu khắc mới có tay nghề. 

Nhận thấy việc quảng bá thương hiệu trên mạng xã hội mang lại hiệu ứng nhanh chóng và tích cực, anh Khúc đã lập trang facebook để livestream giới thiệu sản phẩm của cơ sở đến với khách hàng trong và ngoài nước. Cũng từ đây, thị trường mở rộng, khách từ nhiều nơi đến hơn. 

Chăm chú tạo hình cho những khối đá xù xì, anh Khúc chia sẻ: "Điêu khắc không chỉ cần năng khiếu mà còn cần cả sự chăm chỉ, khéo léo, lòng yêu nghề, khi đó mới tạo ra được một tác phẩm vừa đẹp vừa có hồn".

Xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của anh hiện có diện tích trên 100m2 với 2 thợ điêu khắc lành nghề, mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. 

Điều đáng nói là cơ sở của anh thu hút lao động từ rất nhiều địa phương trong tỉnh đến học nghề rồi mở xưởng riêng. Ước tính mỗi năm, trừ chi phí, anh thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi. 

Hàng năm, anh thường trích lợi nhuận kinh doanh để thưởng tết cho anh em công nhân với mức từ 5 - 10 triệu đồng/người, tùy theo thâm niên và trình độ tay nghề. 

Anh Hoàng Trung Nâng - thợ đang làm việc tại xưởng cho biết: "Anh Khúc là người nhiệt tình, thân thiện luôn giúp đỡ, hướng dẫn mọi người trong công việc, động viên anh em cố gắng để tạo ra những sản phẩm ưng ý nhất để giao đến tận tay khách hàng”. 

Nhờ kiên trì bám trụ với nghề và có duyên làm kinh doanh, đến nay, thương hiệu đá mỹ nghệ Khúc Sen đã nổi tiếng với uy tín, chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Cơ sở có nhiều mặt hàng, chủ lực là tượng Phật, tượng La Hán, Thần tài... và đồ đá mỹ nghệ trang trí nội, ngoại thất. 

Các sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được khách hàng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như Trung Quốc, Thái Lan hay một số nước châu Âu... 

Dù đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng hằng ngày, ông chủ trẻ Hoàng Xuân Khúc vẫn hăng say, miệt mài làm việc, tự tay đào tạo và giúp đỡ những nhân công mới vào nghề. Qua đó, anh tạo việc làm cho nhiều lao động, khơi niềm đam mê và sự sáng tạo trong mọi người, góp phần xây dựng và phát triển làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ của quê hương.

Bùi Minh

Tags Lục Yên Minh Xuân điêu khắc đá

Các tin khác
Cựu chiến binh Vũ Văn Thiệp (thứ 2 phải sang) giới thiệu về mô hình kinh doanh kim khí của gia đình.

Trở về với cuộc sống đời thường, vượt qua bao khó khăn, thử thách, những người lính Cụ Hồ năm xưa lại vươn lên làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Cựu chiến binh (CCB) Vũ Văn Thiệp ở tổ dân phố 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là một trong những điển hình như thế.

Anh Bàn Văn Minh (thứ 2, áo trắng) cùng với nhân công khai thác quế tại vườn rừng của gia đình.

Không chịu khuất phục nghèo khó, sau nhiều năm phấn đấu vươn lên, giấc mơ thoát nghèo và làm giàu của anh Bàn Văn Minh, dân tộc Dao ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên đã thành hiện thực.

Chị Trần Thị Hồng tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam.

Chị ấy thật trẻ trung và làm chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh và sơn làm ăn khá phát đạt nhưng tôi muốn kể về chị - một phụ nữ có tấm lòng rộng mở, tích cực làm từ thiện. Đó là chị Trần Thị Hồng - chủ doanh nghiệp Thành Hồng ở phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.

Đồng chí Phạm Thị Nguyệt cùng cán bộ Trường Tiểu học Kim Liên - Hà Nội trao đồ dùng học tập cho học sinh Trường Mầm non xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên.

Tròn 28 năm gắn bó với ngành kiểm sát, là người của nhiều sáng kiến, chuyên đề nghiệp vụ; nữ đảng viên sinh năm 1973 cũng thường có duyên tham gia và đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi lớn do Trung ương và địa phương tổ chức chưa kể cũng nổi bật không kém với các hoạt động thiện nguyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục