Cho đến nay, anh Nguyễn Thanh Tuấn, 38 tuổi, ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã trải qua 10 lần hiến máu nhưng anh vẫn nhớ kỷ niệm về lần đi hiến máu đáng nhớ đó bởi sau lần ấy, trong "gia đình” người có nhóm máu hiếm O Rh (D) âm ở Yên Bái lại có thêm một thành viên cùng chia sẻ, gắn kết với nhau trong cuộc sống cũng như trong hoạt động hiến máu cho người trong cộng đồng.
Anh Tuấn kể lại, hôm ấy là vào buổi chiều anh có nhận được thông báo về một nữ sản phụ nhóm máu O Rh (D) âm đang trong tình trạng xuất huyết, cần gấp máu để truyền. Ngoài trời thì mưa và bóng tối bắt đầu lan tỏa nhưng anh không thể chần chừ vì bệnh nhân đang cần máu gấp, nếu chậm trễ có thể khiến người bệnh mất đi cơ hội sống.
"Đi quãng đường gần 40km từ TP Yên Bái đến xã Ba Khe, huyện Văn Chấn tôi không thể nghĩ gì khác ngoài việc đi thật nhanh để kịp đến truyền máu cho người bệnh. Trời thì mưa và tối nhưng tôi cố gắng đi nhanh nhất có thể. Khi đến nơi vừa may vẫn kịp, 300ml máu của tôi được truyền trực tiếp cho sản phụ và cứu sống được cả 2 mẹ con”-anh Tuấn mừng rỡ.
Qua cơn nguy kịch, sản phụ tỉnh táo, khỏe mạnh, gia đình sản phụ tìm gặp anh Tuấn và xúc động cảm ơn mãi không dừng vì nhóm máu hiếm thực sự khó tím. "Cảm giác của tôi lúc ấy thấy rất tuyệt vời, thú vị vì mình đã cứu sống được người khác. Khi đến hiến máu chưa biết bệnh nhân là ai nhưng lúc sau họ với mình đã trở nên thân thiết. Em gái này sau đó cũng được tôi vận động gia nhập CLB nhóm máu hiếm và chúng tôi coi nhau như người trong cùng một nhà”.
Đối với Trần Thị Phương Thảo, SN 1991 ở Hà Nội-người đã từng là Phó Chủ nhiệm CLB nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, đồng thời là Trưởng nhóm B Rh(D) âm thì trong 8 năm tham gia CLB kỷ niệm mà cô nhớ nhất là đã huy động 5 người đến hiến máu cho 1 bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt không cầm tại BV Trung ương Quân đội 108.
Thảo cho biết, ngay từ khi còn là sinh viên y khoa, lúc biết nhóm máu của mình cô đã ý thức được việc vai trò quan trọng của máu đối với người bệnh. Năm 2012 cô tham gia vào CLB nhóm máu hiếm và trải qua 9 lần hiến máu, mỗi lần là một câu chuyện, một hoàn cảnh ngặt nghèo khác nhau.
Đặc biệt nhất là trường hợp một bệnh nhân bị ung thư gan ở BV Trung ương Quân đội 108. Khi bác phát bệnh đã nặng, máu chảy ồ ạt không cầm. Nhận được tin báo có người cần máu, Thảo đã huy động tất cả các bạn trong CLB có khoảng 4-5 người đến thẳng BV để hiến máu.
"Gia đình trong hoàn cảnh đó rất hoảng loạn vì cùng lúc tiếp nhận nhiều thông tin: Bố ung thư gan, bị chảy máu ồ ạt mà máu lại thuộc nhóm hiếm. Khi mình cùng các các bạn trong nhóm máu hiếm đến nơi, gặp gia đình bệnh nhân, mình đã động viên gia đình yên tâm, mình sẽ huy động các bạn đến để đáp ứng đủ máu. Ca bệnh đó dù kết quả bệnh nhân không qua khỏi do bệnh nặng nhưng lượng máu truyền vào cũng giúp bệnh nhân cầm cự được thêm đến ngày hôm sau”-Thảo kể lại.
Cùng quan niệm hiến máu giúp người là để giúp chính mình, Đường Thị Yến, một giáo viên ở Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc cũng là thành viên CLB nhóm máu hiếm cho biết, bản thân khi là sinh viên đã tham gia vào các nhóm đi vận động hiến máu tình nguyện. Đến nay, khi đã đi làm, lập gia đình nhưng Yến vẫn duy trì sinh hoạt trong CLB và vẫn hiến vào các dịp cần thiết khi cơ quan tổ chức. Với Yến sau mỗi lần hiến máu "thấy thoải mái và thấy giúp người khác cũng là giúp chính mình”.
Theo thống kê, kể từ khi thành lập đến nay (năm 2007) với chỉ 20 thành viên, đến nay CLB Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc đã phát triển với hơn 500 thành viên có nhóm máu hiếm Rh (âm). Tại Việt Nam, tỷ lệ nhóm máu Rh âm chỉ chiếm khoảng 0,07% dân số. Như vậy, với hơn 96 triệu dân số Việt Nam thì chỉ có khoảng 700.000 người có nhóm máu Rh âm, bên cạnh nhóm máu Rh (D) âm còn nhiều nhóm máu hiếm khác như Rh-null, Rh (C) âm, Rh (E) âm, … Việc này đang làm ảnh hưởng và là thách thức vô cùng lớn đối với ngành y tế trong việc cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm.
(Theo PL&XH)