Năm 2016, Đảng ủy xã Hồng Ca lựa chọn thôn người Mông Khuôn Bổ để xây dựng mô hình "Dân vận khéo" vận động nhân dân tham gia xây dựng thôn nông thôn mới.
Với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, đồng chí Cháng Thị Nhà đã trực tiếp chỉ đạo và vận động nhân dân chung sức thực hiện phong trào. Đây là thách thức không nhỏ đối với nữ cán bộ người Mông 8X bởi Khuôn Bổ là thôn khó khăn nhất, nằm cách trung tâm xã Hồng Ca 3,5 km với trên 80 hộ đồng bào dân tộc: Mông, Tày, Thái, Kinh cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 97%. Đời sống của người dân chủ yếu là canh tác nông nghiệp lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70%, tỷ lệ tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên còn cao.
Vượt lên khó khăn đó, Cháng Thị Nhà đã cùng Ban Công tác mặt trận thôn họp xin ý kiến nhân dân, nhất là các đảng viên và người có uy tín trong thôn để thảo luận, bàn bạc dân chủ, thống nhất phương án huy động mọi nguồn lực trong dân làm đường giao thông nông thôn. Trực tiếp chị Nhà đã cùng cán bộ xã đi thăm mô hình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khác, sau đó về phát huy vai trò của những người có uy tín trong thôn để cùng vận động bà con làm theo.
Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con trong thôn đã bàn nhau khai thác cát sỏi, công lao động để đổ bê tông làm đường, nhờ đó, ngoài tuyến đường chính dài hơn 1 km, các hộ đã làm hết đường nhánh đổ bê tông đến tận sân nhà.
Có đường bê tông, chị Nhà còn vận động đồng bào trong thôn dọn dẹp nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại và hướng dẫn các hộ dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà. Với những nỗ lực đó, năm 2017, chị đã được chi ủy và nhân dân tin yêu, quý mến bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ.
Nữ Bí thư Chi bộ 8X Cháng Thị Nhà tâm sự: "Xây dựng nông thôn mới thực sự là một cuộc cách mạng đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tập quán lạc hậu của đồng bào Mông nhờ các đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Giờ đây, đi khắp thôn Khuôn Bổ này cũng không gặp nhà nào nuôi nhốt gia súc gần nhà nữa”.
Đặc biệt, người Mông thôn Khuôn Bổ còn trồng trên 70 ha tre măng Bát độ, hơn 150 ha cây quế, 5 ha trồng cây ăn quả, một số hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Đời sống ngày càng được nâng lên, các hộ đầu tư để phát triển kinh tế như: thu mua quế vỏ tươi để chế biến, chế biến lâm sản từ cây gỗ quế, mua ô tô vận chuyển hàng hóa, máy cày bừa, máy tuốt lúa, kinh doanh hàng quán, dịch vụ, chăn nuôi mô hình gà đen từ 500 con trở lên, lợn rừng từ 20-30 con trở lên, trồng cây gáo vàng, nuôi hươu sao... từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tập quán và điều kiện của từng gia đình.
Hôm nay, bộ mặt nông thôn mới ở thôn Khuôn Bổ đã đổi thay rõ rệt với 100% các tuyến đường liên thôn, đường nội thôn đã được đổ nhựa và bê tông, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân.
Bà con trong thôn đã biết cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân từ 18 triệu đồng năm 2015 lên 36 triệu đồng/năm 2020, cả thôn không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn 0,8%, tỷ lệ hộ có nhà xây kiên cố, vững chắc đạt 15%, trên 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn và đi lại, đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy cơ sở, Bí thư Nhà còn chỉ đạo các chi hội phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Với những kết quả đã đạt được, nữ Bí thư Chi bộ của thôn người Mông Khuôn Bổ đã góp phần xây dựng thôn và xã Hồng Ca đạt chuẩn nông thôn mới, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc. Mục tiêu của nữ Bí thư 8X trong nhiệm kỳ mới này là cùng các đảng viên trong chi bộ quyết tâm xây dựng Khuôn Bổ thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu, thôn đồng bào dân tộc Mông kiểu mẫu của huyện Trấn Yên.
Thanh Hương