Cuộc gặp giữa nhạc sĩ Dương Nhâm và tôi tuy không hẹn trước nhưng rất đỗi thân thiện, cởi mở, bởi chính tình yêu cháy bỏng dành cho miền núi trong ông như ngọn lửa ấm nồng. Tôi có ý muốn nghe ông chia sẻ về niềm đam mê và những trăn trở về những ca khúc về quê hương Yên Bái. Như được khơi dòng, ông nói về những ca khúc về đề tài miền núi với tất cả sự đam mê…
Tôi có cảm giác với ông, tình yêu với những ca khúc miền núi như là hơi thở, là mạch nguồn xuyên suốt cuộc đời, chỉ cần chạm đến sẽ tự nhiên tuôn trào. Ca khúc Yên Bái quê em, Tình yêu cô gái Dao, Bông sen bản Giáy… là những bằng chứng sống động của tình yêu ông dành cho quê hương Yên Bái.
Với giai điệu trữ tình, sâu lắng, lời ca giản dị, trong sáng dựa trên chất liệu dân ca các dân tộc miền núi Tây Bắc… những ca khúc của nhạc sĩ Dương Nhâm đã nói lên vẻ đẹp của quê hương, xứ sở và tình yêu tha thiết của tác giả với mảnh đất mà ông coi là quê hương thứ hai của mình.
Ông sinh năm 1942, vào bộ đội Biên phòng năm 1964. Sau 2 tháng tân binh, ông được điều làm chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Hơn năm sau, do có năng khiếu văn nghệ, ông được điều về Đoàn Văn công Công an vũ trang tỉnh Lào Cai. Bước chân nhạc sĩ đã trải nhiều vùng đất biên giới, đó là các địa danh: Ý Tý, A Lù, A Mú Sung, Mường Khương, Pha Long, Nậm Chảy; cho tới Cao Bằng, Lạng Sơn. Qua sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Dương Nhâm, cũng có thể nói đề tài về biên cương, biên phòng đã có nhạc sĩ riêng của mình.
Năm 1984 rời quân ngũ, nhạc sĩ Dương Nhâm về ngụ cư tại Yên Bái. Vẫn gắn bó với cây đàn vi-ô-lông và ác-coóc-đê-ông, ông sáng tác nhiều thể loại phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương. Ông là người của phong trào ca hát. Ngành nào có yêu cầu là ông sáng tác và sẵn sàng dàn dựng cho các đội văn nghệ nghiệp dư.
Nhạc sĩ Dương Nhâm có mặt trong hầu hết các mùa hội diễn nghệ thuật, khi là tác giả, khi ngồi ghế giám khảo. Không nề hà sáng tác "ngành ca, địa phương ca" khi được yêu cầu. Ngôn ngữ ca khúc thường giản dị, dễ thuộc dễ hát. Công an, quân đội, đường sắt, các ngành kinh tế, xã hội... đều nhờ ông sáng tác và dàn dựng các ca khúc về ngành mình. Số lượng các huy chương mà ông thu về qua các hội diễn nghệ thuật quần chúng khó kể hết. Nhưng đáng kể hơn chính là sự yêu mến của công chúng và sự quý trọng của đồng nghiệp. Ông đã góp phần bồi dưỡng nhiều hạt nhân hoạt động văn nghệ cho các ngành, các địa phương.
Khi tâm sự về chuyên môn, ông thường tâm đắc với việc khai thác các chất liệu từ tinh hoa văn hoá các dân tộc: Tày, Nùng, Giáy, Cao Lan, Mông…, các ca khúc của Dương Nhâm thường mang tính thời sự, tuyên truyền khá rõ, có kết cấu theo một chủ đề nhất định, không tràn lan, tản mạn có chất thơ. Đấy chính là bí quyết một phần thành công của nhạc sĩ đã từng sống ở đất núi.
Ông sôi động hẳn lên khi chúng tôi muốn tìm hiểu về bài hát "Tiếng hát giữa rừng biên cương". Ca khúc đã khắc họa sâu đậm hình ảnh người lính biên cương giữa núi rừng bao la, hùng vĩ. Ngay từ khi ra đời bài hát đã được các đơn vị quân đội dàn dựng, biểu diễn và được người nghe đón nhận bằng tình cảm yêu mến, trân trọng.
Sự thành công của tác phẩm đầu tay "Tiếng hát giữa rừng biên cương” đã khiến cho nhạc sĩ có thêm nhiều động lực để sáng tác. Hay ca khúc "Tình yêu cô gái Dao” mới thấy hết cái tài tình của người nhạc sĩ tài ba của quê hương Yên Bái. Và rồi các ca khúc: Lời ru trong đêm biên cương; Đồn biên phòng; Bên bếp lửa làng biên, Những con suối không tên; Tiếng chim em yêu; Tình yêu cô gái Dao… đã lần lượt ra đời, để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với người nghe...
Ngoài những ca khúc viết về đề tài biên cương, ông còn có khá nhiều ca khúc nói về tình yêu và sự gắn bó sâu nặng với quê hương Yên Bái như: Yên Bái quê em, Bác về một sớm mùa thu, Người đẹp Mường Lò, Nha Trang Yên Bái một tình yêu, Bên cây….
Có thể nói tình yêu quê hương tạo nguồn cảm hứng dạt dào cho nhạc sĩ Dương Nhâm và đã chắp cánh cho những nốt nhạc của ông ngày càng bay cao, bay xa. Mỗi một nhạc phẩm là một đứa con tinh thần được sinh ra trong suốt thời gian dài nhọc nhằn thai nghén.
Nói đến nhạc sĩ Dương Nhâm không thể không nhắc đến nhạc phẩm "Tiếng hát giữa rừng biên cương” đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Toàn quân năm 1974, được Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, được Đoàn bộ đội Biên phòng biểu diễn tại Cu Ba, Đoàn "Hoa Phượng đỏ” biểu diễn tại Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan. "Hát mừng hạt giống quê hương” được nhiều người hát, in trong tập ca khúc "Tiếng hát Hoàng Liên Sơn”, "Đồn biên phòng” năm 1978; "Lời ru trong đêm biên cương” năm 1980; "Gửi anh tiếng đàn tròn” năm 1982; "Tình yêu cô gái Dao” năm 1984 đoạt giải tác phẩm được nhiều người yêu thích nhất trong Hội thi Toàn quốc "Hát về Thủ Đô” năm 1984; "Bông sen bản Dáy” năm 1985 đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Toàn quốc "Hát về Làng Sen” lần thứ Nhất năm 1985; "Ánh đèn trên sân ga” năm 1987 đoạt Huy chương Vàng Hội diễn ngành đường sắt năm 1987…
Trong ngôi nhà còn lưu giữ được phong cách thời bao cấp, ông tâm sự: Ở thế hệ chúng tôi, mỗi người đến với văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng bằng những nẻo đường khác nhau, nhưng có thể có sự đồng nhất, đó là tình yêu - một thứ tình yêu tưởng như đơn phương mà vô cùng đam mê, đằm thắm và đa chiều.
Được quân đội đào tạo, được hoạt động trên khắp các miền biên cương của Tổ quốc, tôi cầm súng và cầm bút viết ca khúc từ cái thời mà cuộc chiến tranh ác liệt luôn để lại trên sắc áo người chiến sĩ đậm dấu những vết dây đeo súng.
Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, những gì hôm nay còn lại, những gì hôm nay đang viết, đang trăn trở phải chăng là để đáp lại thịnh tình của quê hương, đồng đội, bạn bè và những ai yêu thích một loại hình ca khúc mà trong đó chứa đựng đậm đà âm thanh và hình ảnh của núi rừng biên cương Tổ quốc.
Hiện ông đang sở hữu hàng trăm tác phẩm đã được in và phát hành. Mỗi khi thưởng thức những ca khúc của ông người ta dễ dàng nhận thấy những âm hưởng của núi rừng biên cương trào dâng trong những tác phẩm. Nhiều tinh hoa văn hóa các dân tộc đã được ông khai thác, tạo nên giai điệu mượt mà, tan chảy trong mỗi ca từ, nốt nhạc. Ông bảo "Tinh hoa văn hóa là tài sản chung, ai khai thác được nhiều và sử dụng khéo léo thì người đó thành công. Phải lấy cho được cái tinh hoa của người xưa dựa trên cái nhìn sâu sắc, mới mẻ của con người thời đại mới”.
Quang Thiều
Yên Bình, tháng 11/2021