Trưởng thôn Hà Thị Đức trẻ trung hơn so với tuổi thật của chị. Ít ai có thể biết rằng bên trong con người mảnh dẻ ấy chứa đựng một nghị lực không hề nhỏ chút nào. Tháng 3 năm 2017, khi đưa ra bầu Trưởng thôn Nậm Tọ, chị cũng băn khoăn nhiều chứ: "Chồng mình nói rằng làm Trưởng thôn là khó lắm đấy, việc không tính ngày hay đêm rồi. Chồng thì đi làm xa, 2 con học nội trú, công việc đồng áng không ai đỡ được đâu, tự vợ phải lo tất thôi”.
Cấp trên tin tưởng, dân bản đã bầu, chị cứ nhận việc, nhủ rằng việc đến đâu sẽ cố đến đó. Mà thật là việc nào cũng phải cố, cố hết sức chứ chẳng chơi. Vào việc rồi mới biết có việc khó hơn mình nghĩ nhiều lắm.
Triển khai hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo của thôn, đã giải thích, đã tuyên truyền nhưng các hộ nghèo vẫn thắc mắc thế này: "Đều hộ nghèo như nhau, sao lại chỉ có 1 hộ được, thế là không đều rồi đấy!”.
Tiếp tục giải thích, tiếp tục tuyên truyền để các hộ hiểu, hiểu đúng để đồng thuận thì chắc chắn phải tiếp tục làm: "Đảng, Nhà nước mình rồi địa phương mình còn rất nhiều việc phải lo. Vậy thì hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo cũng phải làm lần lượt, dần dần thôi. Cùng số tiền ấy, nếu chia cho tất cả các hộ nghèo thì mỗi nhà chỉ được một ít nhưng nếu là 1 hộ lại thành món to. Mà đã giúp hộ nào thì nhất định phải làm cho xong, phải làm cho thật tốt”.
Khó nữa là phải làm cách nào, làm gì, làm ra sao để thay đổi thói quen của đồng bào Thái ở Nậm Tọ này đây? Chị Đức nhận chức Trưởng thôn được đúng 1 tháng thì nhận thông báo thôn không còn thuộc diện "135” nữa, trong khi Nậm Tọ bấy giờ còn tới 37 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo, chiếm hơn nửa số hộ trong thôn. Nậm Tọ có 17 ha ruộng, bà con năm nào năm nấy đều đặn gieo cấy 2 vụ lúa, trồng 1 vụ ngô đông hết toàn bộ diện tích luôn. Có chăm chỉ hết mức cũng khó mà giàu nổi chỉ với lúa với ngô, thế nên mọi người theo nhau đi làm ăn ở xa, trong huyện ngoài huyện cũng có, trong tỉnh ngoài tỉnh cũng nhiều.
Thôi thì người đi vẫn cứ đi, chị Đức suy nghĩ vậy và trăn trở với việc phải tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cơ cấu cây trồng. Sau 1 năm làm Trưởng thôn, chị Đức bắt đầu vận động 3 hộ trồng dưa hấu, hộ nhiều 700 m2, hộ ít 500 m2. Là chị thấy ở xã Thanh Lương ngay bên cạnh có nhiều hộ dân trồng dưa hấu trên đất ruộng cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, trồng ngô.
May thay các hộ này cũng thích nên rủ nhau cùng làm luôn xem sao. Dưa trồng không quá khó nhưng việc tiêu thụ cũng phải chịu khó đi bán rong, liên hệ các nhà có đám cưới, có việc… được bình quân 8.000 đồng/kg. Vất vả bù lại bằng đồng tiền cầm về trong tay: lãi khoảng 15 triệu đồng trên 1.000 m2, gấp kha khá so với trồng lúa là cái chắc.
Năm sau, 3 hộ tiếp tục mở rộng diện tích, mỗi nhà trồng thêm 300 - 500 m2 và có thêm 3 hộ khác làm theo, hộ nhiều trồng tới 1.500 m2. Nhờ có diện tích và sản lượng lớn hơn nên ngoài đi bán lẻ, nếu thời điểm chín rộ cùng lúc thì sẽ có xe thương lái vào tận nơi thu mua. Năm tiếp theo, 6 hộ tiếp tục duy trì sản xuất và phát triển thêm 6 hộ nữa.
Đến năm nay, vẫn là 12 hộ này trồng dưa hấu nhưng mở rộng thêm diện tích. Ngoài cây dưa hấu, cũng năm 2018, chị Đức thấy nhà ông Hà Văn Cáy có mảnh ruộng 1.100 m2 ở vị trí cao hơn những mảnh khác gần kề, khó lấy nước vì mương thấp hơn. Chị tìm gặp ông Cáy trao đổi về việc đó và gợi ý: "Ông ạ, thử trồng mía có khi hợp?”. Nghe thế, ông Cáy gật vì thật là cũng đã có ý: "Tôi cũng muốn tìm cây gì đó khác khác một tý để trồng thay vào đó”.
Đơn giản là thành công vì ý tưởng gặp nhau. Nhà có sẵn bụi tre to, ông Cáy đã đào rãnh, dựng luôn cọc, mua cây giống… và phủ kín luôn toàn bộ hơn nghìn mét vuông ruộng. Thế là 2 vợ chồng cần mẫn, túc tắc cùng nhau chăm sóc ruộng mía. Đến lứa thu hoạch, ông vừa bán buôn vừa bán lẻ nhưng không phải đi rong. Cây mía cho nhà ông thu cao hơn lúa khoảng 3 lần.
Năm sau, có thêm 2 hộ theo nhà ông Cáy trồng 600 m2 mía rồi năm tiếp lại có thêm 1 hộ trồng mới 400 m2. Riêng với cây ngô đông đã trở thành phong trào vì trước năm 2020, cứ hộ nào trồng 3.000 m2 trở lên thì được xã tặng giấy khen và thưởng 100.000 đồng.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, thôn Nậm Tọ quyết định khen thưởng 2 hộ gia đình có thành tích đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều đặc biệt là 2 hộ này đều có sự chung sức sản xuất của cả vợ lẫn chồng.
Trưởng thôn Hà Thị Đức bày tỏ quan điểm: "Các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Lựa chọn 2 hộ khen thưởng với tiêu chí cả vợ lẫn chồng cùng làm nhằm khuyến khích, biểu dương ý thức hỗ trợ, đồng thuận trong gia đình”.
Tính ra thì bình quân mỗi khẩu của Nậm Tọ chỉ được 350 m2 ruộng. Bà con người Thái ở Nậm Tọ này cũng chưa từng để trống bất cứ một khoảnh đất nào, năm nào mùa nấy đều lấp đầy màu xanh của các loại cây trồng khác nhau, kể cả mỗi mét đất từ lu hoa này đến lu hoa kia dọc hai bên đường thôn cũng mướt xanh các loại rau... Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ra sao để đem lại hiệu quả kinh tế, có thêm thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất chưa ngơi bao giờ trong suy nghĩ của Trưởng thôn Hà Thị Đức.
Cùng ăn hạt gạo, cùng uống dòng nước, cùng hít thở không khí Nậm Tọ, chị Đức rõ mười mươi hết thảy. Khó ở việc tiêu thụ, khó là phụ thuộc thời tiết, khó cả về kỹ thuật và kinh nghiệm bởi đã mới thì sao có kinh nghiệm ngay được chứ. Khó nên mới cần phải suy nghĩ, phải giúp bà con có những hướng đi phù hợp và hiệu quả hơn nữa. Khó nữa còn là dồn lại tất cả những điều khó thế thì phải vận động như thế nào, tuyên truyền ra làm sao cho mỗi người tự thay đổi cách nghĩ, nghĩ "thông” rồi thì họ mới thay đổi cách làm...
Điều quan trọng nhất khi đi tuyên truyền, vận động, nhất là để thay đổi được một thói quen đã ăn sâu bám rễ là phải "ngó”, phải "trông”, phải "nhòm” vào những người có ý thức hơn, trách nhiệm hơn, nhiệt tình hơn và cũng muốn thay đổi để mình tác động thêm.
Đáng mừng bởi mọi sự đổi thay, mọi sự gom góp để hôm nay, Nậm Tọ chỉ còn 5 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo trong tổng số 116 hộ và trở thành thôn khá nhất của xã nông thôn mới Thạch Lương. Đổi thay dù nhỏ nhưng mang lại giá trị kinh tế, thêm chút thu nhập cho dân bản đều tạo nên niềm vui, là động lực để Trưởng thôn Hà Thị Đức tiếp tục tìm tòi những gì tốt hơn nữa cho Nậm Tọ. Nói một điều tưởng như xa xôi mà rất thật: "Khó mới cần có người dẫn đường”.
Nguyễn Thơm