Cô giáo và hành trình chinh phục ước mơ

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/2/2022 | 10:06:08 AM

Với niềm đam mê trải nghiệm, được khám phá những vùng đất, thiên nhiên tươi đẹp và mong ước có thật nhiều người biết đến quê hương mình, cô giáo Vũ Thị Hà đã chọn công việc gắn bó với ngành du lịch và đến nay, chị vẫn đang từng ngày chinh phục ước mơ của mình...

Cô giáo Vũ Thị Hà chụp ảnh cùng học viên xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
Cô giáo Vũ Thị Hà chụp ảnh cùng học viên xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, ngoài trực tiếp giảng dạy tại trường, cô giáo Vũ Thị Hà vẫn thường xuyên tới các địa phương trong tỉnh để giảng dạy, giúp đỡ trực tiếp người dân làm du lịch cộng đồng. Mỗi nơi đến là một trải nghiệm thú vị, một kỷ niệm đáng nhớ nên đã trở thành nguồn động lực, tạo thêm nhiều cảm hứng để cô giáo Hà thực hiện "sứ mệnh” của mình. 

Là một "cô giáo đặc biệt” với những lớp học viên cũng thật đặc biệt, bởi phần lớn người học là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số nên cách truyền dạy thế nào để học viên dễ hiểu, dễ nhớ, biết cách áp dụng vào thực tế và "thắp sáng” trong họ niềm tin, niềm đam mê làm du lịch để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng luôn là điều cô giáo Hà trăn trở, quyết tâm thực hiện. 

Không có một giáo án cụ thể, cũng không có một lớp học cố định, hành trình mang tri thức đến với bà con của cô giáo Hà cũng vất vả, gian nan không kém những thầy, cô giáo công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa bởi phải đến tận từng thôn, bản - nơi bà con sinh sống để truyền dạy. 

Cô giáo Vũ Thị Hà tâm sự: "Vừa là nhiệm vụ công việc vừa cũng là dịp được trải nghiệm thực tế nên mỗi lần đi công tác, tôi luôn chọn cách ở lại chung sống, sinh hoạt cùng bà con để hiểu hơn về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của từng địa phương, dân tộc. Qua đó, không chỉ có thêm kiến thức phục vụ cho giảng dạy, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học mà còn để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè, du khách”. 

Thay vì những bài giảng lý thuyết đơn thuần, "cầm tay chỉ việc” chính là cách mà cô giáo Hà đã áp dụng trong quá trình thực hiện công việc của mình. Nơi tổ chức khóa học thường được bố trí ngay tại các hộ đã và đang có nhu cầu làm du lịch hoặc một địa điểm du lịch của địa phương. 

Tại đây, các học viên vừa tìm hiểu về các hình thức du lịch cộng đồng, học cách xây dựng mô hình dựa vào văn hóa bản địa vừa được cô giáo Hà dạy cách lựa chọn món ẩm thực truyền thống đưa vào thực đơn phục vụ du khách; hướng dẫn kỹ năng phục vụ lưu trú; kỹ năng giao tiếp, đón tiếp khách; dọn dẹp vệ sinh buồng, phòng; hạch toán chi phí; quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương… 

Cùng với đó, được đóng vai, trải nghiệm là khách du lịch để hiểu rõ hơn mong muốn, nhu cầu của du khách, từ đó, có cách làm phù hợp, hiệu quả. 

Thào A Su - chủ "A Su homestay” đặc sắc, ấn tượng tại bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Bắt tay làm du lịch, tôi chưa thực sự có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Song, nhờ có sự chỉ dạy tận tâm của cô giáo Hà, tôi đã biết cách làm cho homestay của mình trở nên thơ mộng, đẹp đẽ, gần gũi với thiên nhiên, mang lại không gian sống trong lành, tự do, thoải mái cho du khách. Tôi đã giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị thông qua việc được tham gia vào các hoạt động trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, các lễ hội truyền thống và thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên của Mù Cang Chải”.

Hiện tại, du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển và trở thành thế mạnh của tỉnh bởi được khai thác dựa trên các giá trị cốt lõi là văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và sinh thái nông nghiệp. Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững thì chủ yếu phải dựa vào nguồn lực là người dân địa phương và cô giáo Hà chính là người đã góp phần giúp cho nguồn lực ấy ngày càng trở nên dồi dào, lớn mạnh, trở thành nền tảng trong việc khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên của địa phương. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng tại 25 điểm hoạt động du lịch. Ngoài cung cấp điểm lưu trú, các hộ kinh doanh còn kết hợp bán các mặt hàng nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ của địa phương. Thông qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; nâng cao đời sống nhân dân và đặc biệt là nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. 

Bà Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ tâm sự: "Được sự quam tâm, giúp đỡ của địa phương và đặc biệt là cô giáo Hà, gia đình tôi đã biết cách cải tạo ngôi nhà sàn của mình trở nên mát mẻ, thoáng đãng để đón khách. Trung bình mỗi năm, gia đình đón trên 1.400 lượt khách, cho thu nhập từ dịch vụ nghỉ trên 100 triệu đồng, chưa kể thu từ dịch vụ cho thuê xe đạp, ăn uống, các chương trình văn hóa, văn nghệ. Gia đình tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 người dân địa phương”.

Tiềm năng du lịch ở Yên Bái là rất lớn. Song, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh thì việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng là việc rất cần thiết và cô giáo Hà chính là người đã tiếp thêm niềm đam mê, nhiệt huyết cho những người nông dân làm du lịch.
Hồng Oanh

Tags du lịch cộng đồng nông thôn mới thủ công mỹ nghệ homestay vùng cao vùng sâu vùng xa

Các tin khác
Ông Phần (thứ 3, trái sang) như “ngọn đuốc sáng” soi đường, dẫn lối cùng người dân Ba Khuy vượt qua đói nghèo, lạc hậu, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Người ta coi ông như “ngọn đuốc sáng” ở Ba Khuy - người luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của xã, của thôn, được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Ông là Cư A Phần - người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh cùng “liền chị” luyện tập một làn điệu Sình ca.

Với niềm đam mê, tâm huyết và luôn đau đáu việc gìn giữ, phát huy những làn điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan, Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Nịnh Quang Thanh ở thôn 1 - Đá Cháy, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên được coi như “bảo tàng sống” của đồng bào Cao Lan hôm nay.

Nhiệm vụ thường ngày của Trung úy Nguyễn Ngọc Hiếu (ngoài cùng, bên phải) khi Chốt kiểm dịch số 11, thôn Ngòi Sen, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái còn vận hành.

Cuối tháng 11/2021 là thời điểm dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Yên Bái. Bao nhiêu ngày có dịch là bấy nhiêu ngày lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố “chiến đấu”, xông pha trên tuyến đầu. Khó khăn càng thêm gấp bội, nhưng tinh thần “chống dịch như chống giặc” chưa bao giờ ngừng “cháy”.

Sổng A Dũng (ngoài cùng, bên phải) kể về hành trình từ nghèo đói đến no đủ của gia đình mình.

Không phải là người trong cuộc, có lẽ ít người hiểu được sự đổi thay của gia đình, làng bản chúng tôi lớn đến nhường nào! Từ chỗ lang thang trên các triền núi, sống bằng củ sắn, hạt ngô, đói ăn, thiếu mặc liên miên, giờ nhà cao, cửa rộng, cuộc sống khá giả, con cháu học hành tử tế, nhiều cháu học lên đến đại học…Chất giọng mộc mạc, chân thành, Sổng A Dũng đã kể về sự đổi thay của gia đình mình cũng như bà con người Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên với chúng tôi như vậy. Chất giọng mộc mạc, chân thành, Sổng A Dũng đã kể về sự đổi thay của gia đình mình cũng như bà con người Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên với chúng tôi như vậy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục