“Cổ tích”của Sổng A Dũng

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/2/2022 | 8:08:14 AM

YênBái - Không phải là người trong cuộc, có lẽ ít người hiểu được sự đổi thay của gia đình, làng bản chúng tôi lớn đến nhường nào! Từ chỗ lang thang trên các triền núi, sống bằng củ sắn, hạt ngô, đói ăn, thiếu mặc liên miên, giờ nhà cao, cửa rộng, cuộc sống khá giả, con cháu học hành tử tế, nhiều cháu học lên đến đại học…Chất giọng mộc mạc, chân thành, Sổng A Dũng đã kể về sự đổi thay của gia đình mình cũng như bà con người Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên với chúng tôi như vậy. Chất giọng mộc mạc, chân thành, Sổng A Dũng đã kể về sự đổi thay của gia đình mình cũng như bà con người Mông thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên với chúng tôi như vậy.

Sổng A Dũng (ngoài cùng, bên phải) kể về hành trình từ nghèo đói đến no đủ của gia đình mình.
Sổng A Dũng (ngoài cùng, bên phải) kể về hành trình từ nghèo đói đến no đủ của gia đình mình.

Đúng vào dịp thôn Khuôn Bổ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu - một điểm sáng, một điển hình tiêu biểu trong cả nước về phong trào xây dựng NTM ở một địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc Mông, chúng tôi ngược núi đến thăm anh nông dân Sổng A Dũng để nghe câu chuyện "cổ tích” về hành trình đi từ không đến có, từ nghèo nàn, đói rét, bệnh tật đến no đủ, giàu có, văn minh, tiến bộ. Sự đổi thay đến kỳ diệu ấy không phải do ông Bụt râu tóc bạc trắng hay bà Tiên hiền hậu ban cho, mà đến từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng như tinh thần trách nhiệm và cả tình yêu thương của đội ngũ cán bộ đã hết lòng vì dân.

Đầu năm 2000, đoàn cán bộ kiểm lâm huyện Trấn Yên đi kiểm tra rừng đầu nguồn tại khu vực Khe Loóng, xã Kiên Thành đã tình cờ phát hiện một nhóm hộ người Mông di cư từ đâu tới dựng lán, cắm vè chia đất, đánh dấu nhận cây… giữa khu rừng nguyên sinh gồm rất nhiều những cây gỗ quý có đường kính lớn như dổi, nghiến, sến, táu… Nguy cơ tan cánh rừng nguyên sinh, đầu nguồn thác Rào đã hiện rõ. 

Vụ việc được báo cáo lên cấp có thẩm quyền và chủ trương định canh, định cư hơn 30 hộ đồng bào Mông, giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất đã nhanh chóng được UBND tỉnh và huyện Trấn Yên đưa ra với quyết tâm chính trị rất cao. Nguồn kinh phí hỗ trợ, tìm được đất định cư hội đủ các yếu tố, đảm bảo chỗ ở an toàn, có nước sinh hoạt, có đất sản xuất, thuận lợi cho việc xây dựng điện, đường, trường, trạm; đặc biệt là phải… "ưng cái bụng” của những người già là chuyện không hề dễ. 

Có lẽ ngày ấy phong trào thi đua "Xây dựng mô hình dân vận khéo” chưa ra đời, nhưng bằng công tác dân vận của Đảng, hàng chục đoàn cán bộ thuộc nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức chính trị đã lội suối, leo rừng để đến với đồng bào, để nói cho đồng bào hiểu rằng không nên duy trì tập tục du canh, du cư đói nghèo và lạc hậu. 

Vận động đồng bào hạ sơn, lập bản, vỡ ruộng, trồng rừng để có cuộc sống mới no đủ hơn, văn minh, tiến bộ hơn. Sổng A Dũng khi ấy đã 18 tuổi, đã có vợ, con được tham gia đoàn thăm quan các mô hình kinh tế, tới xem khu đất Khuôn Bổ - địa điểm được chọn nơi ở mới cùng với cha mình và rất nhiều người "có tiếng nói” trong bản. 

A Dũng kể: "Cuộc đấu tranh đi hay ở, tiếp tục lang thang trên núi như bao đời nay hay hạ sơn về Khuôn Bổ dựng nhà, vỡ ruộng… đã diễn ra gay gắt giữa những bậc cao niên, thành viên trong các gia đình và ngay cả trong tâm trí mỗi người. Cuối cùng, cả bản đã đi đến quyết định đúng!”.

 Khuôn Bổ trở thành một công trường tình nguyện. Đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang từ các cơ quan, ban, ngành, từ các địa phương kéo về giúp dân san tạo mặt bằng, dựng nhà, làm chuồng trại. Nhiều chương trình kinh tế, khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật được huyện Trấn Yên và ngành nông - lâm nghiệp lồng ghép đưa về Khuôn Bổ như: Khai hoang ruộng nước, trồng chè Shan, trồng quế, nuôi lợn gà, trâu bò, sau này là tre măng Bát độ… 

Ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào là những kỹ sư nông nghiệp hăng hái sắn quần lội ruộng cày bừa, làm mạ khay, mạ ném… cho đồng bào học tập. Câu nói "cầm tay chỉ việc” thực sự đúng, qua đó giúp người Mông bản mới Khuôn Bổ biết làm ruộng nước hai vụ lúa, biết trồng cỏ nuôi bò, biết chăn nuôi sao cho lợn mau lớn mà không bệnh dịch… 

Đoạn đường từ trung tâm xã Hồng Ca lên Khuôn Bổ được nhựa hóa. Điện quốc gia cũng được kéo về thắp sáng núi rừng. Trẻ nhỏ đến tuổi được đến trường. Người lớn mù chữ cũng được theo học các lớp buổi tối để sáng cái mắt, no cái bụng. Khuôn Bổ chuyển động từng ngày. Và trong sự chuyển động ấy, Sổng A Dũng cùng những người thân của mình tích cực trồng quế, trồng tre măng Bát độ, đào ao thả cá và thâm canh tăng năng suất lúa. 

"Làm theo lời hướng dẫn của cán bộ thì sẽ đi lên thôi” - A Dũng thực bụng nói với chúng tôi như vậy và để chứng mình cho cái sự "đi lên” ấy, anh liệt kê: "Nhà mình có 10 ha quế, 2 ha măng Bát độ, mấy trăm cây cam Đường canh, hai cái ao thả cá, gà lợn đầy chuồng, chưa kể mấy ha sa nhân, hơn 2 ha khôi nhung được trồng dưới tán rừng, mới vụ đầu đã cho thu trên 100 triệu đồng. Gia đình mình đã xây được nhà lớn, nhưng vui nhất, tự hào nhất là các con đều trưởng thành, có đứa đang theo học đại học”. 

Còn nhiều câu chuyện vui và rất thú vị mà Sổng A Dũng đã kể cho tôi nghe như từ chỗ mù chữ, nói tiếng phổ thông rất kém, giờ vợ chồng thằng cháu trong họ đứa làm dược sĩ, đứa làm cô giáo. Người Mông thôi phá rừng, đốt nương, chuyển sang trồng cây gây rừng. Từ khi ngủ lều, ở lán giờ xây nhà khang trang. Từ một vùng quê mỗi năm cứu đói 2 đến 3 lần, giờ là thôn NTM kiểu mẫu. Đi từ không tới có, từ tối tăm, nghèo nàn, đói khổ, lang thang khắp các triền núi từ Suối Giàng (Văn Chấn), sang Viễn Sơn, Mỏ Vàng (Văn Yên), rồi Hồng Ca, Kiên Thành (Trấn Yên), giờ đã no ấm, đủ đầy, văn minh, tiến bộ. 

Cây đào trước sân nhà Sổng A Dũng lần thứ 21 bung hoa đón mừng xuân mới. Tết Nhâm Dần 2022 năm nay, A Dũng và đồng bào trong bản hẳn sẽ vui hơn vì thôn quê mình là thôn kiểu mẫu.

 Lê Phiên

Tags Sổng A Dũng Hồng Ca Khuôn Bổ nông thôn mới kiểu mẫu

Các tin khác
Doanh nhân Nguyễn Thị Khuyên (người thứ nhất, bên trái) cùng các nữ doanh nhân Yên Bái bên sản phẩm ngói màu Nasaki tại Hội nghị Kết nối cung cầu Yên Bái năm 2020.

Táo bạo, mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng làm giàu; ấm áp với lòng trắc ẩn, sự sẻ chia - những nữ doanh nhân Yên Bái thêm giàu có với sự cho đi.

Nhà báo Minh Huyền - Báo Yên Bái tác nghiệp tại khu cách ly.

Năm 2021 - một năm thật nhiều cảm xúc với những người làm báo Yên Bái: hai lần dịch Covid-19 bùng phát, “vùng xanh” lần đầu tiên có những ca F0 tại cộng đồng. Dấn thân trên tuyến đầu chống dịch, họ cũng là những chiến sĩ…

Đảng viên Bùi Việt Tiến (giữa) giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của xã Minh Bảo.

Việc đưa cửa hàng vào phục vụ nhân dân đảm bảo khép kín các khâu từ nuôi trồng, chế biến, giới thiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao và hoạt động ổn định như hiện nay có vai trò quan trọng, quyết định và quyết đoán của đảng viên Bùi Việt Tiến - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Bảo.

CCB Lê Chí Công (người chỉ tay) giới thiệu với lãnh đạo Hội CCB huyện Trấn Yên về khu vực trồng cây khoai tây năm 2021.

Cựu chiến binh Lê Chí Công làm giàu từ mô hình nuôi cá trên ruộng trũng ngập, cho thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên. Không những thế, ông còn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Minh Quân tại thôn Tiền Phong do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục