Chuyện của những người đi “vỡ đất” - Bài cuối: Trù phú một An Sơn hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2023 | 7:40:41 AM

YênBái - Hôm nay, trên mảnh đất nhiều đổi thay trù phú và ấm no này, mọi người dân An Sơn đều cảm nhận, đây chính là một vùng quê lúa Thái Bình chân chất và những người con của quê lúa đã trót nặng lòng với mảnh đất Mường Lò. Từ những cụ già thế hệ thứ nhất đến các thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Thái Bình năm xưa đã và đang góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Mường Lò ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Thôn An Sơn ngày nay trù phú nhờ làm nông nghiệp.
Thôn An Sơn ngày nay trù phú nhờ làm nông nghiệp.


Năm 2017, cô gái trẻ Hà Thị Giang là người con của vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò đã gặp để rồi có tình cảm và kết duyên với chàng trai gốc Thái Bình - Phạm Văn Quyên, sau đó "khăn gói” về thôn An Sơn lập nghiệp cùng chồng. Giờ đây, cô gái ấy đã là Bí thư Chi bộ thôn An Sơn. Mong muốn của chị là được cùng chồng và những người con Thái Bình xây dựng An Sơn thành vùng đất trù phú với những cách đồng mẫu lớn như "quê hương 5 tấn”ngay trên mảnh đất Mường Lò này đã được thực hiện.

"Cơ hội đến khi tôi được các đảng viên An Sơn tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn An Sơn. Theo đó, những dự định của tôi và mong ước của thôn đã được các đảng viên chi bộ đồng thuận và hiện thực hóa. Tôi đã cùng với các đồng chí trong cấp ủy Chi bộ chủ động đến từng nhà, thăm từng mảnh ruộng để vận động nhân dân tham gia dồn điền, đổi thửa. Với sự nhiệt tình của cả cấp ủy Chi bộ, chúng tôi đã vận động nhân dân tiến hành dồn điền đổi thửa được 28 ha để tổ chức sản xuất theo hướng hàng hoá” - Bí thư Chi bộ Hà Thị Giang chia sẻ. 

Sau đó, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ được thành lập với 133 hội viên, trên 30 ha diện tích đất trồng lúa. Nhận thấy hiệu quả của việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn tiết kiệm thời gian và bảo đảm sức khỏe người dân, Hợp tác xã đã đứng ra ký hợp đồng với công ty dịch vụ có uy tín ở thị xã Nghĩa Lộ về phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy theo từng vụ và đã được 97% hộ dân thôn An Sơn đồng thuận và chủ động đăng ký triển khai, thực hiện. Qua 2 vụ sử dụng máy bay không người lái, Hợp tác xã đã tiết kiệm hàng chục triệu đồng. 

Không những vậy, tình trạng vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan trên đồng ruộng trước đây cũng không còn nên góp phần thiết thực trong bảo vệ môi trường, giúp người dân giải phóng sức lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Một cánh đồng lúa lớn với hơn 30 ha mấy năm gần đây không bị mất mùa do sâu bệnh như trước, người dân yên tâm, tập trung sản xuất, tăng cao thu nhập cho gia đình. 

Ông Phạm Văn Oanh ở thôn An Sơn tâm sự: "Khi được Chi bộ, chính quyền thôn vận động dồn điền đổi thửa, tôi và một số hộ dân nơi đây không tin lắm! Song qua thực tế chứng minh, khi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chúng tôi thấy việc làm này rất thiết thực và mang lại hiệu quả cao”. 

Trước đây, gia đình ông Oanh có 3.000 m2 diện tích gieo cấy lúa, nhưng do tuổi cao hay bị đau lưng nên không thể vác bình phun lên vai và lội bì bõm xuống ruộng cả tiếng để bơm thuốc. Đồng thời, việc tiếp xúc gần với thuốc bảo vệ thực vật không tránh khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất an toàn lao động, chưa kể đến việc nguy hại khi xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách. 

Nay, gia đình ông Oanh đã đăng ký với Hợp tác xã dùng máy bay không người lái để phun, giúp vấn đề nan giải này đã được giải quyết. Đặc biệt, quá trình giám sát đã có cán bộ bảo vệ thực vật và Hợp tác xã đứng ra đảm nhận, chịu trách nhiệm, ông Oanh không phải lo sâu bệnh gây hại lúa nữa. Nhưng ấn tượng hơn cả, hôm nay đến thôn An Sơn vào những mùa thu hoạch, không còn khung cảnh người người tấp nập ra đồng gặt lúa mà thay vào đó đã có máy gặt đập liên hợp đến từng thửa ruộng gặt lúa đóng bao. Người dân rất phấn khởi bởi nhiều năm nay "cánh đồng lúa lớn” của họ luôn cho thu hoạch cao nhất vùng Mường Lò. 

Mỗi héc ta cho thu nhập tới 150 triệu đồng và cũng ít nơi nào mà người dân chỉ sống bằng canh tác lúa lại giàu như người nông dân ở đây. Nông dân thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn đang được coi là hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp cũng như cách đây hơn 60 năm những người dân Thái Bình làm nên "kỳ tích” cánh đồng 5 tấn vang dội cả nước và có một cuộc sống mới nhiều đổi thay trên vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò.


Nữ Bí thư Chi bộ thôn An Sơn - Hà Thị Giang cùng những người con quê hương Thái Bình thế hệ thứ 2 với tâm huyết xây dựng cánh đồng mẫu lớn. 

Đồng chí Lường Thị Nẹ - Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Sơn cho biết: "Những năm gần đây, phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được triển khai rộng khắp tại các địa phương của thị xã Nghĩa Lộ. Song với An Sơn còn hơn thế, thôn đã luôn được đánh giá là mô hình điểm cần được nhân rộng trong XDNTM kiểu mẫu”.

Để đạt được kết quả này, đảng viên và nhân dân thôn An Sơn đã nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thôn, nói phải đi đôi với làm, tổ chức thực hiện quyết liệt nội dung các tiêu chí, hướng tới hoàn thành sớm các mục tiêu đã đề ra; nhân dân chủ động và tự giác tham gia thực hiện, đóng góp tiền, của, ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng, tự bảo vệ cảnh quan, môi trường và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, môi trường sinh thái được bảo đảm... 

Từ nhận thức đến đồng thuận, "việc gì khó đã có dân lo”, trong quá trình XDNTM, người dân thôn An Sơn đã hiến 7.500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và làm đường nội đồng; tích cực tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau như: tiền mặt, ngày công lao động để thực hiện các công trình của thôn với tổng kinh phí cả tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ dân của thôn An Sơn có nhà ở kiên cố đạt 100% và không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ có nhà tắm, thiết bị chứa nước hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch… 

Với đặc thù là thôn thuần nông, người dân An Sơn sống chủ yếu bằng việc trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm dịch vụ và làm công nhân tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất, chăn nuôi chất lượng sản phẩm năm sau luôn cao hơn năm trước. 

Hiện, An Sơn đã có nhiều hộ điển hình về phát triển kinh tế, hàng năm cho thu nhập từ 80 - 300 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. 

"Có thể khẳng định, việc An Sơn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu mới chính là niềm vinh dự và tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Đặc biệt, khi tỉnh tổ chức Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2023) sẽ là món quà đặc biệt ý nghĩa của những người con Thái Bình tri ân mảnh đất quê hương thứ hai Mường Lò - Nghĩa Lộ đã cho họ cuộc sống tốt đẹp hôm nay” - Bí thư Chi bộ Hà Thị Giang phấn khởi chia sẻ.

Hôm nay, trên mảnh đất nhiều đổi thay trù phú và ấm no này, mọi người dân An Sơn đều cảm nhận, đây chính là một vùng quê lúa Thái Bình chân chất và những người con của quê lúa đã chót nặng lòng với mảnh đất Mường Lò. Từ những cụ già thế hệ thứ nhất đến các thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Thái Bình năm xưa đã và đang góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Mường Lò ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ngọc Sơn

Tags An Sơn Mường Lò cánh đồng lúa lớn nông thôn mới người Thái Bình

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục