Triệu phú trồng quế

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xuất phát từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng rừng mà ông Hà Đình Dế, xóm Tạ Re, thôn Thiên Tuế, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) trở thành triệu phú.

Con đường đất đỏ dài chừng 2 cây số trở nên lầy lội bởi những trận mưa dai dẳng và phải sau gần 30 phút tôi mới tới được trang trại của ông. Trước mắt tôi là ngôi nhà xây mái bằng khá bề thế, hướng mặt ra hồ, xung quanh được bao bọc bởi bạt ngàn của quế chạy dài lên tận chân núi đá vôi. Gần hai mươi năm trời vật lộn với mảnh đất thâm sơn cùng cốc này, những khó khăn vất vả dường như đã lùi xa.

Ngồi bên ấm trà, ông Dế cho biết, trước đây ông là công nhân Nhà máy chè 42 tấn thuộc bộ phận dịch vụ xay xát gạo, cuộc sống thời bao cấp tương đối ổn định. Sau khi Nhà nước xóa bỏ dần cơ chế quan liên bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, thì tình hình sản xuất kinh doanh của nhà máy đã bắt đầu có dấu hiệu tụt dốc. Đặc biệt, sau khi Liên Xô và các nước đông Âu sụp đổ nhà máy mất thị trường truyền thống, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, xếp đống trong kho; công nhân không có lương, nhà máy trả bằng chè. Vậy là mạnh ai nấy lo vì không thể ở lại Nhà máy để ăn chè trừ bữa.

Vừa đúng lúc Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, ông xung phong nhận 35 ha đất rừng tại xóm Tạ Re, thôn Thiên Tuế. Đây là mảnh đất hoang hóa toàn lau lách. Gia đình, vợ con tìm mọi cách khuyên ngăn, thậm chí cho ông là “người không bình thường”. Bỏ qua những lời can ngăn, một mình ông xách rựa vào đây dựng lều cắm chốt. Cứ một tháng ông mới về thăm vợ con một lần và cũng để lấy lương thực.

Cuộc sống ban đầu gặp khá nhiều khó khăn thiếu thốn đủ đường. Đã vậy, xuýt nữa ông phải bỏ mạng vì rắn cắn sau một lần lên nương, nằm liệt giường gần một tháng trời mới khỏi. Vừa gượng dậy được, ông lại tiếp tục công việc. Xác định lấy ngắn nuôi dài, vào thời điểm đấy cây nhân trần rất được giá khoảng 5.000đồng/kg ông gom góp hết vốn liếng cộng với vay mượn bạn bè được tết cả 15 triệu đồng đầu tư trồng 5 ha nhân trần.

Sau 6 tháng thì cây nhân trần cho thu hoạch, năng suất trung bình 5 tấn/ha. Tưởng chừng ông đã nắm chắc trăm triệu đồng trong tay, song chỉ sau một đêm đã tuột khỏi tay. Toàn bộ 25 tấn nhân trần đã được phơi khô chỉ chờ xe vào bốc nằm ướt đẫm trong nước mưa phải bỏ đi. Lúc đấy ông chán nản vô cùng. Bao nhiêu công sức và vốn liếng đều biến thành nước, nợ lại chồng chất lên nợ. Vợ ông thấy vậy nên chuyển về đây ở cùng ông chăm lo trang trại rau cháo nuôi nhau. Được vợ động viên, ông lại đi vay mượn gom góp vốn mua 4 con bò và tiếp tục đầu tư trồng 3 ha nhân trần. Rút kinh nghiệm lần trước, khi nhân trần vào vụ, thu hoạch đến đâu ông phơi khô vận chuyển hết về đến đấy.

Sau khi trừ đi tất cả chi phí ông lãi trên 60 triệu đồng, số tiền này giúp ông lại trang trải được toàn bộ nợ nần trước đây và còn dư ra 10 triệu đồng, ông tiếp tục đầu tư vào trồng nhân trần. Bên cạnh việc trồng nhân trần, ông còn trồng 200 gốc cam, 50 gốc mơ và đào ao thả cá, đã tạo cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định hàng năm khoảng 20 triệu đồng. Từ 4 con bò ban đầu, giờ phát triển thành 12 con. Do đất chăn thả ngày càng thu hẹp, lại không có người trông coi, ông bán đàn bò được 12 triệu đồng và tập trung đầu tư vào trồng rừng. Ngày ngày ông cùng vợ phát từng đám lau lách, cuốc hố trồng cây. Do làm việc quá sức vợ ông ốm nặng. Sau đợt ấy, bà chỉ còn đủ sức ở nhà cơm nước cho chồng, còn lại một mình ông vẫn tiếp tục công việc, sau gần hai năm trời ông trồng đã được 15 ha quế, 6 ha bồ đề.

Đến nay rừng quế, rừng bồ đề đã được 10 năm tuổi phủ kín các sườn đồi. Ngắm nhìn những cây quế đường kính khoảng 15 – 20 cm thẳng tắp đang vươn mình lên cao, ông tự hào nói: “Vừa rồi thương lái vào trả 60.000 đồng một cây, cả rừng quế tính sơ sơ cũng trị giá trên 700 triệu đồng”. Tuy nhiên, ông chưa muốn bán, bởi vì hàng năm chỉ tính riêng thu hoạch từ cắt tỉa, cành quế đã cho thu nhập 15 – 20 triệu đồng và sau 5 năm nữa cây quế mới cho thu nhập ổn định, ngoài lấy vỏ gỗ cũng rất có giá. Tôi làm nhanh phép tính nhẩm trong đầu, sau 5 năm nữa rừng quế của ông chắc phải tính bằng bạc tỷ. Cộng với 6 ha bồ đề cho sản lượng khoảng 500m3, tính theo giá hiện tại, 1m3 gỗ bồ đề có giá là 800.000 đồng, thì ông sẽ có trong tay khoảng 2 tỷ đồng thu nhập từ trồng rừng.

Mưa đã tạnh từ lâu. Trời bắt đầu hửng nắng. Ông dẫn tôi đi thăm rừng quế, vừa đi ông vừa kể: “Khi ông về đây lập nghiệp, cả vùng đất rộng lớn này không có người ở, sau một thời gian thấy ông làm ăn hiệu quả, người dân ở xã Cát Thịnh, Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường kế bên kéo nhau về đây làm ăn sinh sống và đất bây giờ đã được khoanh lô chia cho các gia đình”. Đi bên ông, tôi cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc đang lan truyền. Cả không gian tràn ngập mùi thơm cay nồng của hương quế, xua tan dần giá lạnh của đợt rét lịch sử.

Hoàng Hải Lăng

Các tin khác

YBĐT - Đó là anh Nguyễn Quang Bình, bệnh binh 2/3 ở thôn 8, xã Việt Thành huyện Trấn Yên. Năm 1978, anh tham gia quân ngũ, sau đó làm giáo viên của một trường quân sự đóng tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1987, anh Bình trở về địa phương với tỷ lệ giám định sức khỏe mất 61%. Không cam chịu cảnh đói nghèo, bằng sức lao động của mình, từ một hộ gia đình nghèo, đến nay cuộc sống của gia đình anh Bình đã khá. Đó là nhờ anh đã biết phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.

Bác Lê Đức Hải (ngoài cùng bên trái) giới thiệu dây chuyền sản xuất chè của mình với các cán bộ Hội Người cao tuổi tỉnh và huyện Trấn Yên.

YBĐT - Câu nói đó rất xứng đáng được dành tặng cho bác Lê Đức Hải 70 tuổi, ở thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), hội viên Hội Người cao tuổi của huyện vì bác đã có những biện pháp làm kinh tế hiệu quả, làm giàu rất chính đáng và vì những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Từ việc thành lập xưởng thu mua, chế biến chè, bác đã được bà con nơi đây trìu mến gọi là “ông Hải chè”.

YBĐT - Ở bản Nả Háng B, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), mọi người đều biết đến ông Lù Khua Sử - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, một người (CCB) “giỏi việc Hội, ham học tập”.

Ông Hoàng Nừng đang biểu diễn lại tiết mục hát then mới đoạt Huy chương vàng Liên hoan hát then các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc tại Lạng Sơn năm 2007.

YBĐT - Noọc San Hò là tên mà người Nùng đặt cho một loài chim rừng. Loài chim quý này được họ ví như vị chúa tể của những loài chim rừng biết hót. Noọc San Hò hót suốt từ lúc đón mặt trời, cho đến khi tiễn mặt trời đi ngủ; hót cả bốn mùa; hót rộn rã, hót réo rắt, véo von, trầm bổng, lắng sâu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục