“Muốn tồn tại phải giữ được vùng nguyên liệu”
- Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đó là một trong những bí quyết thành công để cơ sở sản xuất và chế biến chè đen của gia đình ông Tạ Minh Duật, thôn Tân Bình, xã Tân Hương đứng vững và phát triển trong suốt 11 năm qua.
Ông Duật và lãnh đạo xã Tân Hương kiểm tra vùng nguyên liệu tại thôn Tân Bình.
|
Đi lên từ một nông dân làm chè, ông Duật hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn cơ cực của bà con trong vùng. Bởi, chính ông cũng đã từng sống qua cái thời nhà máy thu mua chè của dân rồi trả tiền bằng “card”. Đây là hình thức thanh toán không qua tiền mặt. “Muốn có hạt gạo, trai nước mắm, gói mỳ chính hay tiền nộp học cho con, tiền thuốc thang trị bệnh, v.v.v... người dân phải mang tờ cáp ấy ra các quán bán hàng trong vùng để đổi lấy những thứ mình cần. Riêng đổi card ra tiền mặt, đáng mười đồng chỉ được lấy về tám. Phân bón, thuốc trừ sâu nhà máy cung ứng trước nhưng người dân phải trả với cái giá cắt cổ. Thu mua ép giá cộng với sự độc quyền trong đầu tư và bao tiêu sản phẩm đã khiến cuộc sống của người làm chè thôn Tân Bình những năm trước nói riêng không chỉ có khổ mà còn phải chịu bao điều ấm ức”. Bà Lương Thị Hiệp, vợ ông Duật kể.
Cũng chính trong cái khó, cái khổ ấy đã ấp ủ thôi thúc ông Duật quyết tâm thực hiện dự định táo bạo đó là đứng ra mở xưởng sản xuất chế biến chè tại gia đình. Việc làm của ông được chính quyền địa phương tạo mọi thuận lợi và quan trọng hơn bà con làm chè trong vùng đồng thuận ủng hộ. Kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm và kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường được vợ chống ông học hỏi, đúc rút qua mỗi chuyến hàng thành - bại, qua những lời khen, chê của bạn hàng. Với phương thức thanh toán sòng phẳng bằng tiền mặt; cơ chế đầu tư vốn, phân bón và bao tiêu nguyên liệu được thoả thuận giữa hai bên theo giá cả thị trường, hơn 10 năm qua, người dân trong vùng nguyên liệu gắn bó với cơ sở chế biến chè của gia đình ông chỉ bởi một chữ “tín”, chấm dứt cảnh tư thương ép giá người làm chè trong vùng.
Hiện nay, ngoài làm chủ vùng chè nguyên liệu rộng trên 70 ha tại thôn Tân Bình, chữ “tín” trong kinh doanh đã kéo người làm chè ở các vùng lân cận trong và ngoài xã đến với cơ sở của gia đình ông với lượng nguyên liệu thu mua chiếm khoảng 1/3 nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong khi không ít cơ sở chế biến chè trong huyện lao đao trong cơn sốt nguyên liệu thì xưởng chế biến chè của gia đình ông Duật vẫn trụ vững và chủ động được nguyên liệu, mở rộng sản xuất. Từ chỗ công suất ban đầu chỉ đạt vài tạ/ ngày, ông Duật đã đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất nâng công suất chế biến đạt 3,5 tấn chè khô/ngày, đêm; trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 50 tấn chè đen thành phẩm.
Năm 2007, tổng sản lượng sản xuất đạt trên 300 tấn thành phẩm đã đưa mức doanh thu của gia đình lên 3,5 tỷ đồng, đóng góp trên 300 triệu đồng cho ngân sách địa phương. Ông cho rằng, “Muốn tồn tại thì nhất thiết phải giữ được vùng nguyên liệu. Kinh doanh nhất thiết phải có lãi nhưng cũng có khi phải làm hoà để giữ được vùng nguyên liệu”. Và với cách làm của mình, ông Duật tự tin khẳng định: “không doanh nghiệp nào có thể vào được vùng nguyên liệu của gia đình dù có thu mua với giá cao”.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình đang giải quyết việc làm cho thường xuyên 15 công nhân làm việc 2 ca với mức lương tháng trung bình từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người. Bước vào vụ sản xuất 2008, trước những biến động của giá cả thị trường đối với một số mặt hàng thiếu yếu phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu..., để đảm bảo ổn định đời sống cho công nhân và người làm chè trong vùng nguyên liệu, cùng với nâng mức tiền công từ 80 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng/ngày, ông Duật cũng đã kịp thì điều chỉnh và tăng giá thu mua nguyên liệu lên 1.000 đồng/kg đáp ứng giá thu mua trên thị trường. 4 tháng đầu năm 2008, xưởng chế biến chè của gia đình ông đã sản xuất được trên 70 tấn chè đen thành phẩm. Sản phẩm chủ yếu xuất bán cho bạn hàng nội tỉnh là Nhà máy chè âu Lâu và một phần tiêu thụ ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm chè đen ngoại tỉnh hiện nay đang gặp phải một số khó khăn về cơ chế chính sách thuế. Theo ông Duật, đầu ra cho sản phẩm chè đen sơ chế là vô cùng thuận lợi. Thế nhưng, sự khác biệt trong việc tính thế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này đang là trở ngại cho tiêu thụ sản phẩm. Được biết hiện nay, tỉnh Yên Bái đang tính thuế VAT với mặt hàng chè đen sơ chế là 10%, trong khi Phú Thọ, tỉnh giáp gianh với Yên Bái lại chỉ áp thuế VAT với mặt hàng này là 5%.
Như vậy, trên thực tế mỗi chuyến hàng mà doanh nghiệp của ông Duật xuất đi mất khoảng 9 đến 10 triệu đồng, vừa khó khăn cho doanh nghiệp, lại gây thất thoát cho ngân sách địa phương. Điều mà ông Duật mong muốn cũng là nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè ở huyện Yên Bình đó là tỉnh và ngành chức năng cần xem xét, điều chỉnh hợp lý tạo sự đồng bộ, thống nhất trong chính sách thuế, thuận lợi cho mở rộng thị trường tiêu thụ ngoại tỉnh của các doanh nghiệp chè trên địa bàn.
Không dừng lại ở mức doanh thu đã đạt được, năm 2008 ông Duật phấn đấu đạt mức tiêu thụ nội tỉnh khoảng trên 300 tấn chè thành phẩm, nâng mức doanh thu lên trên 5 tỷ đồng. Hiện nay, ông Duật đang nghiên cứu và tìm kiếm thị trường dự định trong một hai năm tới mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền chế biến hoàn thành phẩm để cho ra 7 loại sản phẩm thay vì một loại sản phẩm là chè đen sơ chế như hiện này.
Minh Thuý
Các tin khác
YBĐT - Ông Nguyễn Song Phương là một Cựu chiến binh ở xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên (Yên Bái) năm nay đã 78 tuổi nhưng trông ông rất mạnh khỏe và minh mẫn.
YBĐT - Tốt nghiệp THPT, năm 1979, người thanh niên người dân tộc Tày - Nông Văn Hách thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên. Thời điểm đó, vào được đại học là một sự kiện lớn, không chỉ của xã nghèo Minh Tiến mà còn là của huyện miền núi Lục Yên (Yên Bái).
YBĐT - Đó là anh Phùng Văn Chân, sinh năm 1986, đoàn viên thanh niên thuộc Chi đoàn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn(Yên Bái)
YBĐT - Tôi gặp anh vào một buổi chiều hạ nhạt nắng. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn dành cho tôi một quãng thời gian khá dài để tâm sự về cuộc đời, về công việc và những trăn trở suốt 30 năm làm nghề. Anh là thạc sỹ Lương Bá Phú – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Yên Bái, tác giả của một loạt đề tài nghiên cứu khoa học về những tác hại của các loại côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh.