Chị Thu nuôi gà siêu trứng
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở Yên Bái, nhiều người biết đến gia đình chị Nguyễn Thị Thu – chủ doanh nghiệp tư nhân Hiển Thu ở thôn Cường Bắc, xã Nam Cường, thành phố Yên Bái với mô hình nuôi gà siêu trứng công nghệ cao. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế khá, đã có nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Bình quân mỗi ngày doanh nghiệp của chị Thu cho thu khoảng 12.000 quả trứng. (Ảnh: Thanh Chi)
|
Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, nhờ tích cực học hỏi, chị Thu đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà siêu trứng, bước đầu đi vào phát triển ổn định, khẳng định được vị trí của doanh nghiệp. Chị cho biết: “Qua các phương tiện thông tin truyền thông, thấy nuôi gà đỡ vất vả hơn nuôi lợn mà lãi suất lại khá cao nên tôi đã chủ động đi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh và đi tham quan một số mô hình nuôi gà ở các tỉnh bạn. Đầu năm 2007, gia đình quyết định chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà siêu trứng”.
Khi chọn giống gà để nuôi, chị phải tìm hiểu kỹ những nơi bán gà giống có uy tín và chất lượng. Và chị đã đặt mua 2.000 con gà, giống Ai Cập và giống RiBrao loại siêu trứng ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) về nuôi thí điểm. Đó là những con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch. Trong quá trình nuôi, chị thường xuyên theo dõi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, từ khâu cho gà ăn tới việc vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh định kỳ theo lịch chỉ đạo của trạm thú y thành phố. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin định kỳ 45 ngày/ 1 lần cho gia cầm. 100% công nhân làm việc tại doanh nghiệp được trang bị bảo hộ lao động: quần áo, găng tay, mũ bảo hộ, khẩu trang và trước khi tiếp xúc với gia cầm đều phải khử trùng để đảm bảo công tác phòng dịch.
Với hệ thống chuồng trại khép kín được xây dựng đúng quy cách, đảm bảo thoáng mát trên tổng diện tích 1.600m2, khu chăn nuôi được tổng vệ sinh tiêu độc thường xuyên, cùng với giàn mát làm bằng hơi đảm bảo cho gà luôn được mát mẻ vào mùa hè, và hệ thống quạt hút gió tạo hơi ấm trong mùa đông, đường ống nước sạch tự động để phục vụ nước uống cho gà đảm bảo tiêu chuẩn cho phát triển chăn nuôi gà theo phương thức công nghệ cao.
Đến nay trang trại chăn nuôi của gia đình chị Thu đã được mở rộng, phát triển từ 2.000 lên 14.000 con gà siêu trứng. Bình quân mỗi ngày doanh nghiệp thu khoảng 12.000 quả trứng. Hiện nay, sản lượng trứng gà của trang trại chị Thu đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán buôn từ 1.300 đến 1.500 đồng/quả. Ngoài nuôi gà lấy trứng, doanh nghiệp của chị còn thu gom nguồn phân gà để bán cho các đơn vị trồng cây ăn quả với số lượng trên 700 tấn/năm.
Để đầu ra ổn định và tạo thương hiệu cho sản phẩm, doanh nghiệp luôn chú trọng đến chất lượng con giống. Muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì cám cho gà ăn phải đảm bảo đủ các thành phần như: cám gạo, khoáng vi lượng, khoáng đa lượng, vitamin, bột sắn... do đó toàn bộ lượng thức ăn hỗn hợp cho gà, doanh nghiệp phải mua ở Hải Dương vận chuyển lên.
Có được mô hình này, ban đầu gia đình chị Thu đã vay 1,5 tỷ đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và quỹ bảo lãnh cùng với vốn của gia đình. Từ khi đi vào hoạt động, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt hơn 7 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi năm doanh nghiệp thu lãi trên 200 triệu đồng. Ngoài hai giống gà siêu trứng, doanh nghiệp còn nuôi giống gà Lương Phượng bố mẹ để gây giống và chuẩn bị xúc tiến xây lò ấp, có giống gà xuất bán trong tháng 9 này.
Sau hơn một năm chuyển hướng, đến nay, mô hình nuôi gà siêu trứng công nghệ cao của chị Thu đã khẳng định được sự đúng đắn trong chuyển đổi. Thương hiệu trứng gà Hiển Thu của anh chị đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình. Ngoài ra, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói, đây là một mô hình mới, với chủ doanh nghiệp năng động và sáng tạo đã góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và tăng giá trị thu nhập cho người nông dân.
Hoàng Linh Trang
Các tin khác
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Năng cư trú ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái) khi đang là nhân viên của Xí nghiệp Giống lúa, lợn huyện Lục Yên thì năm 1990 Xí nghiệp giải thể. Chị rơi vào hoàn cảnh không lương, không nhà ở, tài sản không có gì, các con chị thì đứa lớn chưa đầy 10 tuổi và 3 mẹ con chị ở nhờ một gian nhà tập thể chật hẹp. Chỗ dựa duy nhất của chị là 5 sào ruộng xí nghiệp chia cho, nhưng chỉ tạm đủ lương thực cho gia đình.
YBĐT - Theo giới thiệu của đồng chí Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Côn - một lão nông được nhiều người trong thôn cũng như xã biết đến vì nuôi tằm giỏi và cho thu nhập kinh tế cao.
YBĐT - Đó là một trong những bí quyết thành công để cơ sở sản xuất và chế biến chè đen của gia đình ông Tạ Minh Duật, thôn Tân Bình, xã Tân Hương đứng vững và phát triển trong suốt 11 năm qua.
YBĐT - Ông Nguyễn Song Phương là một Cựu chiến binh ở xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên (Yên Bái) năm nay đã 78 tuổi nhưng trông ông rất mạnh khỏe và minh mẫn.