Trên trận tuyến mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1970, anh thanh niên 18 tuổi Lê Hồng Săn - người dân tộc Cao Lan ở thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái) viết đơn xin đi bộ đội khi người anh trai mới hy sinh trên chiến trường. Lo rằng bố mẹ sẽ không tạo điều kiện cho đi ngay lúc này vì anh trai mới hy sinh nên anh đã giấu bố mẹ tự đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Trúng tuyển, anh lên Tỉnh đội đóng quân 1 tuần, sau đó nhận quân tư trang rồi hành quân luôn. Trên đường hành quân anh mới viết thư về xin lỗi bố mẹ và hứa nhất định sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và thắng giặc mới trở về. Với vóc dáng to cao, khoẻ mạnh, anh đã được phiên chế vào Sư đoàn 367 Quân chủng phòng không quân và tham gia chiến dịch trên đất bạn Lào. Năm 1972 đơn vị của anh được tăng cường vào mặt trận Quảng Trị chiến đấu.
Đó là những ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng mà vui. Anh kể, ban ngày quần nhau với giặc, ban đêm lại đào công sự bằng chính pháo sáng của địch, bộ đội mình đánh địch như chẻ tre. Đánh ngon lành lắm. Khoái nhất là những hôm trời mưa được đánh địch cả ban ngày. Qua 81 ngày đêm ở Thành Cổ (Quảng Trị), hết máy bay oanh tạc lại pháo kích, nhưng bộ đội ta chiến đấu rất oai hùng.
Với nhiều thành tích trong chiến đấu, cuối năm 1973 anh được đơn vị cho nghỉ phép 12 ngày về thăm nhà, nhưng rồi nhớ chiến trường, “thèm đánh giặc” anh chỉ ở nhà với bố mẹ 10 ngày lại trở vào đơn vị luôn. Sau đó, đơn vị của anh lại nhận lệnh vào Nam chiến đấu và 4 năm đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến tháng 2/1979 anh về sân bay Yên Bái công tác cho đến năm 1992 được ra quân với quân hàm đại uý.
Trở về thôn Khuôn Giỏ nghèo khó, đất bạc màu, nhưng cùng với gia đình, anh bắt tay ngay vào đào ao thả cá, gánh đất chai vai. Anh lao động cả ngày không biết mệt như để bù đắp cho gia đình, vợ con những năm dài đi xa nhà. Hồi đó người dân quê anh còn đổ xô đi đào đá quý, đãi vàng, nhưng anh lại nghĩ khác. Anh nói: “Muốn có hoà bình phải đi đánh giặc. Bác Hồ đã dạy muốn ấm no phải diệt cho được giặc đói, giặc dốt. Giặc mình đánh được, chẳng lẽ nào lại khoanh tay ngồi nhìn giặc đói hoành hành”. Thế là anh xắn tay vào tiếp tục lao động, tiếp tục cày sâu, cuốc bẫm trên chính mảnh đất nghèo đã sinh ra và nuôi anh khôn lớn. Hết đào ao, lại lên rừng. Hết trồng lúa nương lại đến lúa ruộng 2 vụ, 3 vụ xen canh, năng suất cao, rồi đến chăn nuôi trâu, bò, gia cầm...
Có diện tích mặt nước nuôi cá, nuôi vịt, anh còn trồng thêm cỏ voi nuôi trâu bò, năm 2006, 2007 vừa qua 2 ao cá rộng 2 sào của anh đã cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Mỗi năm 5 tạ cá, 6 tạ lợn và thời điểm đông nhất đàn gia cầm nhà anh cũng lên tới hàng trăm con, vừa góp phần cải thiện đời sống vừa tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài chăn nuôi, anh còn là người đầu tiên trong thôn gương mẫu trồng rừng, bảo vệ rừng. Trồng đồi keo từ năm 2000, đến nay hơn 10 ha keo lai, bồ đề của gia đình anh đã phát triển rất mạnh. Đó là chưa kể đến diện tích 50 cây trám, 30 cây sưa đang hứa hẹn cho gia đình người lính đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo ở Tân Hương nguồn giá trị kinh tế cao.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lê Hồng Săn còn biết chăm lo giúp đỡ nhiều hộ dân người Cao Lan trong thôn Khuôn Giỏ cách nuôi trồng thuỷ sản, cách ươm cây giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, mỗi năm thôn Khuôn Giỏ đã xoá được 5-7 hộ nghèo, gần 100% số hộ đã mua được xe máy và có phương tiện nghe nhìn. Các hộ có kinh tế phát triển nhờ học tập kinh nghiệm làm VAC của anh Săn là: Lý Thị Bao, Nguyễn Chí Thành, Đặng Văn Thao, Hầu Quốc Quân, Hoàng Kim Sở, Hoàng Ngọc Minh, Hoàng Kim Thái. Đời sống của người dân thôn Khuôn Giỏ được cải thiện rõ rệt, đồng bào dân tộc trong thôn đã tín nhiệm và bầu anh Săn làm trưởng thôn để giúp đỡ bà con nhiều hơn.
Với trách nhiệm của người đảng viên, người lính gương mẫu đi đầu, được nhân dân tín nhiệm, anh Săn đã tập hợp 6 đảng viên nòng cốt trong thôn đi tuyên truyền vận động hơn 130 hộ dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia làm đường giao thông liên thôn, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và cây dựng đời sống văn hoá.
Có sự vận động của trưởng thôn Lê Hồng Săn, mỗi hộ dân trong thôn đều tham gia đóng góp tiền, của xây dựng được cổng làng văn hoá thôn trị giá 3,5 triệu đồng, tham gia hàng trăm công lao động làm đường giao thông liên thôn bảo đảm cho xe máy đi lại thuận lợi. Riêng các khoản thuế, lệ phí của xã người dân trong thôn Khuôn Giỏ lúc nào cũng hoàn thành, nộp sớm, nộp đủ. Năm 2006 cả thôn mới đạt 75% hộ gia đình văn hoá, thì đến năm 2007 đã có trên 90% số hộ đạt tiêu chuẩn này. Dự kiến năm 2008 sẽ có 100% số hộ trong thôn đều đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.
Gia đình khá, thôn, bản phát triển là nòng cốt để xây dựng một xã mạnh toàn diện. Đó là nhận định rất “lính” của người trưởng thôn mẫu mực Lê Hồng Săn. Chiến thắng giặc đói, không chỉ đưa gia đình trở thành hộ có kinh tế mạnh mà anh Lê Hồng Săn đã tạo được động lực để thôn Khuôn Giỏ hôm nay có sự khởi sắc rõ nét về kinh tế và văn hoá. Trong thành tích chung ấy của đồng bào các dân tộc Kinh, Dao, Cao Lan ở Tân Hương có phần đóng góp rất lớn của người lính, người đảng viên dân tộc Cao Lan 33 năm tuổi Đảng - Lê Hồng Săn.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Nhắc đến anh Sùng A Tỉnh, người dân bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không khỏi tự hào về một người con ưu tú, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở bản làng.
YBĐT - Đến xã vùng cao Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái), thấy được cuộc sống no ấm như ngày hôm nay của các chị em hội viên Hội Phụ nữ, chẳng mấy ai được biết trước đây cuộc sống của chị em có muôn vàn khó khăn. Là xã vùng cao, chị em hội viên 100% là người dân tộc Mông, dân trí còn thấp. Thêm vào đó, nhiều gia đình hội viên có người nghiện, đông con, thiếu vốn sản xuất nên càng khó khăn.
YBĐT - Đó là cách gọi mà người dân xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái) dành cho chị Hoàng Thị Thi - cán bộ chuyên trách dân số xã.
YBĐT - Mỗi buổi sáng, không cần đồng hồ báo thức, ông Đoàn Xuân Hồng - Trưởng đài Truyền thanh phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đều thức dậy vào lúc 4h30’. Thói quen này của ông đã có gần 5 năm nay, kể từ khi làm nhiệm vụ trực đài tại Đài Truyền thanh phường Pú Trạng. Người dân ở đây từ lâu đã quen với bóng dáng và giọng đọc của ông, họ không gọi ông bằng tên mà quen gọi là “Bác đài”. Đối với ông Hồng, không có niềm vui nào hơn khi được mọi người yêu mến và nhớ đến công việc của mình...