Cô giáo giúp học sinh học tốt tiếng Việt
- Cập nhật: Thứ ba, 25/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Phát âm sai tiếng phổ thông như l thành đ, b thành v, "rượu" thành "riệu"… là lỗi thường gặp kể cả ở người lớn và trẻ em người dân tộc Thái vùng Mường Lò. Với hơn 90% là học sinh dân tộc Thái, lỗi sai trong phát âm này của các em Trường Tiểu học Hoàng Văn Thọ, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cũng là niềm trăn trở của nhiều thầy cô giáo nơi đây, trong đó có cô Hà Thị Loan.
Không những thế, nhiều học sinh, nhất là các em lớp Một không nắm chắc tiếng phổ thông nên rất thiệt thòi, hạn chế trong học tập. Thực trạng này đã thôi thúc cô giáo Loan dày công nghiên cứu và đưa ra sáng kiến kinh nghiệm: "Một số giải pháp giúp học sinh dân tộc Thái học tốt tiếng Việt".
Tích cực tiếp xúc với học sinh và gia đình các em, cô giáo Loan nhận thấy rằng, môi trường học tiếng Việt của các em rất hẹp. Ở trường, các em chỉ tiếp xúc chủ yếu với thầy, cô giáo - người nắm vững tiếng Việt. Song, trong một lớp, số học sinh đông mà giáo viên chỉ có một nên cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt giữa học sinh và giáo viên rất hạn chế. Việc giao tiếp giữa học sinh với học sinh chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ. Trở về nhà, trong môi trường gia đình, làng xóm, các em lại giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình. Chính vì vậy, vốn từ cũng như sự hiểu biết tiếng phổ thông của học sinh dân tộc Thái rất hạn chế. Bên cạnh đó, người dân chưa quan tâm nhiều đến việc học hành của con em.
Hiểu được những nguyên nhân đó, cô giáo Loan đã đưa ra các giải pháp học tập chung như: tạo môi trường học tiếng Việt cho học sinh bằng cách tạo cảnh quan lớp học, giáo viên có thể trang trí một số sản phẩm theo chủ điểm như: quê hương, tình bạn, thầy cô, môi trường... trong lớp học để phục vụ cho tiết học, bài giảng, phát huy tư duy trực quan của học sinh. Cùng đó là tăng cường hoạt động giao tiếp bằng cách trong giờ học, cô giáo đặt câu hỏi nhiều hơn và gợi ý cho học sinh trả lời, đồng thời hướng dẫn các em đặt câu hỏi cho nhau. Song song với học tiếng Việt ở trường thì cần phải tạo điều kiện, môi trường học tiếng Việt ở nhà cho các em. Giáo viên nên thường xuyên đến thăm gia đình học sinh, trao đổi việc học tập của con em họ và nhất là động viên phụ huynh nên giao tiếp với con trẻ bằng tiếng Việt.
Sáng kiến của cô Loan cũng chỉ ra rằng, cần linh hoạt, sáng tạo khi vận dụng các phương pháp dạy học đặc trưng như phương pháp trực tiếp: giáo viên tạo điều kiện cho các em cùng một lúc vừa nhìn vật thật hoặc mô hình, vừa nghe hoặc phát âm tên gọi của chúng, có thể cho học sinh tiếp xúc với thiên nhiên để bài học thêm sinh động. Hay như trong phương pháp thực hành, giáo viên có thể tổ chức cho các em sắm vai theo tình huống, qua đó sửa những lỗi sai trong giao tiếp tiếng Việt của các em... Đồng thời, cần thiết phải tạo niềm tin cho học sinh trong học tập, gần gũi, khuyến khích cho các em, cổ vũ khi các em trả lời đúng và động viên khi trả lời sai, tránh cho các em tâm lý tự ti, chán nản.
Bên cạnh giải pháp chung, cô Loan cũng đưa ra các giải pháp cụ thể: dạy học sinh phát âm đúng tiếng Việt bằng các biện pháp luyện tập theo mẫu, quan sát và giải thích cách phát âm, tổ chức trò chơi; luôn luôn củng cố quy tắc chính tả, qui tắc viết hoa và thường xuyên cho học sinh luyện viết các chữ, các âm vần khó…
Qua đó giúp học sinh có cơ hội được củng cố hơn về tiếng Việt trong trạng thái thoải mái, phấn khởi. Sau một năm vừa giảng dạy thử nghiệm vừa rút kinh nghiệm với 26 học sinh, kết quả cho thấy: đầu năm học 2007 - 2008, có trên 96% học sinh mắc lỗi phát âm; 100% học sinh mắc lỗi dùng từ, dùng câu, lỗi chính tả; 84,6% học sinh chưa mạnh dạn, ngại giao tiếp thì đến cuối năm học, tỷ lệ các em mắc lỗi này giảm xuống còn từ 70% đến 80%. Kết quả đã cho thấy hiệu quả bước đầu của sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Hà Thị Loan. Hiện cô giáo Loan vẫn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm sáng kiến này để tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn nữa.
Yêu nghề, say mê sáng tạo, cô giáo Loan còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm khác như: "Giảng dạy ở lớp có nhiều học sinh yếu kém môn Toán", "Nâng cao chất lượng môn Tập đọc"… Không ngừng đổi mới, cô Loan tự mày mò học vi tính và trở thành giáo viên đầu tiên trong nhà trường áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ giảng dạy. Những sáng tạo chuyên môn này càng khẳng định thêm danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã nhiều năm liền và hai năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của cô giáo mới hơn chục năm tuổi nghề Hà Thị Loan.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Bởi vậy, có nhiều hộ nông dân vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Sự thành công của những nông dân sản xuất giỏi là dấu son gợi hướng cho nông dân trên bước đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới!
YBĐT - Hội Cựu chiến binh(CCB) huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có 16 cơ sở hội với 580 hội viên. Mặc dù đang gặp không ít khó khăn, song với sự nỗ lực vươn lên phấn đấu và được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp Hội, cấp ủy Đảng và chính quyền, Hội đã có bước phát triển nhanh chóng, hoạt động đúng hướng, đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, nhất là trong lĩnh vực thi đua ái quốc, nỗ lực xoá đói giảm nghèo cho từng hội viên.
YBĐT - Nhiều năm liền được đi dự hội nghị biểu dương gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Triệu Thiều Thăng, dân tộc Dao ở thôn Khe Ván xã Quang Minh (huyện Văn Yên - Yên Bái) được nhiều người biết đến là một trong những gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của huyện.
YBĐT - Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hoàn - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Lý - Hóa - Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô cũng đã có nhiều cải tiến, sáng kiến trong công tác giảng dạy cũng như đóng góp tích cực trong việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, giáo viên giỏi cho nhà trường và ngành giáo dục đào tạo Yên Bái.