Làm giàu từ trang trại nuôi lợn
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Anh Hoàng Đức Hưởng, sinh năm 1970 ở thôn 6, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) là một thanh niên biết vượt lên khó khăn, làm giàu bằng sức lao động của mình từ nghề chăn nuôi gia súc.
Cũng như bao người con khác trên mảnh đất anh hùng, Hoàng Đức Hưởng có một tuổi thơ thật bình dị, gắn bó với làng quê, đồng ruộng. Vì vậy, anh rất thấu hiểu cái khó, cái nghèo, cái vất vả của nhà nông. Suy nghĩ về một sự đổi thay cuộc sống từ đó cũng dần lớn mãi trong anh. Để rồi sau khi lập gia đình riêng, suy nghĩ đó đã biến thành quyết tâm, hành động. Đặc biệt, vào năm 2003, các cấp, các ngành, hội đều phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, anh đã đăng ký tham gia phong trào “Nông dân sản xuất, lao động giỏi” do Hội Nông dân phát động. Chủ động vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với sự giúp đỡ của bà con, họ hàng và bạn bè, anh đã có được một số vốn kha khá, đủ để “sẽ làm được một việc gì đấy” như lời anh nói.
Có tiền trong tay nhưng hồi đó, suy nghĩ “làm cái gì” và “sẽ làm như thế nào” với anh vẫn còn mơ hồ, chưa hiện hình rõ nét. Vì thế, vợ chồng anh chỉ biết mua lợn giống về nuôi lợn thịt. Đầu tiên là vài con, sau đó mỗi lứa số đầu lợn lại tăng thêm, công việc cũng đơn giản, lại gần gũi với việc nhà nông nên anh chị cũng không gặp nhiều vất vả, kinh tế gia đình từ đó dần được cải thiện.
Anh tâm sự: “Cái nghề chăn nuôi này nó gắn nhiều với sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật lắm! Hồi đó mình cũng tìm đọc nhiều, lại nhờ cả cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn nên cũng tích luỹ được ít nhiều kinh nghiệm. Làm được một thời gian, thấy có khả năng phát triển nên hai vợ chồng bàn nhau, quyết định “làm lớn” luôn. Lo thì có lo, nhưng đã quyết là quyết dứt điểm và cố gắng”.
Cái chuyện “làm lớn” của vợ chồng anh bắt đầu từ việc lặn lội xuống tận Trại giống Thụy Phương (Hà Nội) theo lời giới thiệu của bạn bè để tìm mua cho bằng được loại lợn nái chất lượng cao. Theo anh kể thì đó là những ngày vất vả nhất. Vất vả vì phải lần mò, chập chững những bước chân đầu tiên đi lên “chuyên nghiệp”. Tất cả mọi việc đều phải nhờ cậy, từ chọn lợn nái, xây dựng hệ thống chuồng trại, khu xử lý chất thải... đều phải làm từ đầu. Rồi mọi khó khăn cũng dần đi qua khi lứa lợn con đầu tiên sinh ra khoẻ mạnh. Hai vợ chồng mừng rơi nước mắt, mở tiệc khao bạn bè, họ hàng, làng xóm. Ai cũng chúc mừng cho bước đầu thành công của đôi vợ chồng trẻ dám nghĩ dám làm...
Từ đó, cứ mỗi năm, kinh nghiệm về nghề lại càng được tích luỹ dày thêm. Số đầu lợn trong chuồng mỗi lứa tăng lên đáng kể qua từng năm để đến nay anh xuất ra thị trường hàng chục tấn lợn thịt/năm, cộng với thu nhập từ dịch vụ đã cho anh nguồn thu 700-800 triệu đồng mỗi năm và trừ chi phí cũng còn lãi được trên 100 triệu đồng”. Thời gian cao điểm nhất, trong trang trại của anh có tới gần 200 đầu lợn thịt và gần 10 con lợn nái. Hầu như toàn bộ số lợn xuất chuồng, đối tác làm ăn đều kéo đến tận nơi đặt mua. Trang trại này cũng tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân ổn định trên 1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn mở đại lý bán buôn bán lẻ vật tư nông nghiệp cho bà con trong vùng và trồng thêm đồi quế rộng trên 1 ha sắp đến kỳ cho thu hoạch...
Thăm ngôi nhà 3 tầng mới xây khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cạnh con đường từ trung tâm huyện vào xã Đại Phác của anh Hưởng, chúng tôi thực sự thấy ngỡ ngàng và cảm phục người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, dám nghĩ dám làm và biết cách làm giàu, trở thành triệu phú từ chính sức lao động của mình.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Muốn dùng cụm từ "vệ sinh viên", song bác cười rất tươi: "Không! Tôi quét chợ thật mà, cần gì phải từ ngữ mỹ miều, khó hiểu. Cứ bình dân thôi". Càng cảm phục hơn khi được biết từ vị trí Phó giám đốc Xí nghiệp in Yên Bái, năm 1986 bác nghỉ hưu, về cư trú tại tổ 24 phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), chăm sóc vườn cây cùng gia đình.
YBĐT - Phát âm sai tiếng phổ thông như l thành đ, b thành v, "rượu" thành "riệu"… là lỗi thường gặp kể cả ở người lớn và trẻ em người dân tộc Thái vùng Mường Lò. Với hơn 90% là học sinh dân tộc Thái, lỗi sai trong phát âm này của các em Trường Tiểu học Hoàng Văn Thọ, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cũng là niềm trăn trở của nhiều thầy cô giáo nơi đây, trong đó có cô Hà Thị Loan.
YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giầu cho mình, cho xã hội. Nhưng làm như thế nào, làm ra sao, đến mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ. Bởi vậy, có nhiều hộ nông dân vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Sự thành công của những nông dân sản xuất giỏi là dấu son gợi hướng cho nông dân trên bước đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới!
YBĐT - Hội Cựu chiến binh(CCB) huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có 16 cơ sở hội với 580 hội viên. Mặc dù đang gặp không ít khó khăn, song với sự nỗ lực vươn lên phấn đấu và được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp Hội, cấp ủy Đảng và chính quyền, Hội đã có bước phát triển nhanh chóng, hoạt động đúng hướng, đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, nhất là trong lĩnh vực thi đua ái quốc, nỗ lực xoá đói giảm nghèo cho từng hội viên.